Bí quyết trồng môn, khổ qua thu trăm triệu

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 27/01/2015 10:33 AM (GMT+7)
Qua học hỏi kinh nghiệm trên internet, anh Nguyễn Xô (SN 1968, ngụ thôn Long Hội, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã thành công với việc trồng môn hương, khổ qua trên đất thịt nhẹ, thu về hơn 150 triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Anh Xô trồng môn hương trên 1 mẫu đất. Mỗi năm anh bán 9 tấn môn, trừ chi phí, lãi ròng hơn 90 triệu đồng.Với 8 sào đất trồng khổ qua, mỗi năm anh thu hoạch 18 tấn, lãi được 65 triệu đồng. Nhờ vậy mà gia đình anh thoát được cái nghèo đeo đẳng nhiều năm qua.

img
Anh Nguyễn Xô thoát nghèo nhờ trồng cây môn hương, khổ qua trên đất thịt nhẹ.  
Anh Xô cho biết: “Sau khi thử nghiệm trên các loại đất khác nhau, tôi nhận thấy loại đất thịt nhẹ rất hợp với cây môn và khổ qua, năm 2012 tôi quyết định dồn vốn để trồng. Tận dụng rơm rạ cũng như phân hữu cơ có sẵn cộng với kinh nghiệm phòng trừ các loại sâu bệnh hại nên tôi thu được lợi nhuận khá cao”.

Theo anh Xô, đất thịt nhẹ có ưu điểm là giữ nước mùa nắng, mùa mưa thì không bị sạt lở, xói đất nên cây trồng phát triển rất tốt. Đặc biệt, cây môn hương trồng trên đất thịt nhẹ củ lớn rất nhanh, đảm bảo chất lượng vì vậy các thương lái rất ưa chuộng. “Muốn cây trồng phát triển nhanh và hiệu quả thì người nông dân cần làm đất thật kỹ, quan tâm đến việc phòng trừ sâu bệnh hại theo định kỳ. Để hạn chế tác hại của thời tiết, tôi lót bạt 2 bên luống che nắng, giữ ấm và tránh phân bón thất thoát ra bên ngoài khi có mưa lớn” - anh Xô chia sẻ.

Anh Xô cho biết việc thu hoạch môn là khâu rất quan trọng, nên chọn ngày thu hoạch vào mùa nắng. Thường thì sau khi trồng 4,5 - 5 tháng, lúc lá môn có dấu hiệu chuyển sang màu vàng thì có thể thu hoạch. Nếu thu hoạch khi lá vẫn còn xanh thì không nên cắt ngay lá mà để nguyên cả cây nơi râm mát trong khoảng 5 ngày để củ chín sinh lý thêm, đảm bảo chất lượng. “Đối với khổ qua trong quá trình chăm sóc cần tỉa bỏ những quả bị sâu bệnh hại và chậm phát triển. Sau khi gieo khoảng 40-50 ngày thì có thể thu quả nên thu đúng thời kỳ chín thương phẩm để đạt cả năng suất và chất lượng. Muốn có được lợi nhuận thì mình cần thận trọng từng giai đoạn gieo trồng, thường xuyên theo dõi, ăn ngủ với nó chứ làm cẩu thả là coi như bỏ đi” - anh Xô bộc bạch.

Ông Nguyễn Cẩm - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Long Hội cho biết: “Ông Nguyễn Xô là nông dân giỏi tại địa phương. Nhờ vào sự chịu khó và kinh nghiệm trồng môn, khổ qua, gia đình ông đã thoát nghèo, kinh tế ổn định, nuôi 7 đứa con ăn học”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem