Con trai của cựu bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã lên tiếng trên báo chí rằng mình được bổ nhiệm đúng quy trình. Bỗng nhớ đến một ông quan khác ở Quảng Bình kiên quyết không để cho con gái dạy chỗ tốt nhất của huyện mà phải đi miền núi.
Bộ Công thương cho biết, sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình bổ nhiệm con trai của ông Vũ Huy Hoàng. Trên thực tế, quy trình bổ nhiệm cán bộ rất chặt chẽ, không phải một mình ai muốn là được. Nhưng dư luận đặt câu hỏi, liệu có đi cửa sau để những cấp dưới làm theo ý cho "đúng quy trình" mới là vấn đề.
Ông Vũ Quang Hải thanh minh với công luận ý bố mình rằng: "Bản thân bố tôi cũng không muốn. Thứ nhất là xa nhà, thứ hai là dư luận sẽ nói".
Cứ tin Vũ Quang Hải nói rằng ông được bổ nhiệm đúng quy trình vì rõ ràng cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: "Tôi cũng làm rất cẩn thận vì có đề xuất của Sabeco và thực hiện đúng quy định hiện hành chủ trương của Đảng, Nhà nước về luân chuyển cán bộ. Việc luân chuyển là thực hiện đúng, còn việc lựa chọn người như thế nào thì là chuyện những người có trách nhiệm phải đảm bảo”.
Có lẽ cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tin vào các đề xuất của những đơn vị mà con trai mình đến nhận chức lãnh đạo nhưng điều 100 luật doanh nghiệp 2014 đưa ra tại mục 2 nhỏ không cho phép điều đó: "Tiêu chuẩn, điều kiện của Giám đốc, Tổng giám đốc; Không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu". Đấy là thời điểm ông Hoàng làm bộ trưởng và nhẽ ra không nên để con trai mình làm lãnh đạo mà Bộ Công thương có vốn nhà nước tại Sabeco. Chữ liêm của người làm lãnh đạo với vợ con, gia đình quan trọng ở chỗ này.
Câu chuyện này khiến tôi nhớ đến một vị cán bộ rất liêm khiết. Ông là Nguyễn Hồng Thanh - trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình - đã qua đời trong cơn bạo bệnh vào tháng 7-2014. Ông là người thanh liêm đến cô đơn. Nhiều lần gặp anh em báo chí, ông tiếp chúng tôi trong phong thái giản dị.
Ông Nguyễn Hồng Thanh (trái) khi còn làm Bí thư huyện ủy Bố Trạch (Quảng Bình).
Hồi còn làm Bí thư Huyện ủy Bố Trạch, có dịp ra nhà ông chơi, cứ tưởng tầm lãnh đạo một huyện phải nhà cao cửa lớn, nhưng không, ông Thanh ở căn nhà quê, mái ngói đen cũ, nhà cấp 4 làm lụng từ hai bàn tay trắng. Căn nhà ông ở thuộc hàng cũ nhất làng, xuống cấp, vật dụng trong nhà thua kém cả của người dân trong xóm, nền nhà lát bằng xi măng nứt lở tứ tung, cả nhà vẫn ở thế, không có tiền làm mới vì vợ chồng ông chỉ có đồng lương.
Ái ngại trước cuộc sống quá thanh bạch của Bí thư huyện ủy, lãnh đạo huyện họp bàn, lấy ý kiến tập thể, quyết đưa vật liệu về lát sàn nhà nhưng ông khoát tay khước từ: “Mần ri thì chết. Dân người ta nói mình ăn trơn ngồi tróc. Cái chi tui mần được thì tui dùng, anh em mần rứa không được”. Ông từ chối thẳng, cán bộ huyện phải đưa vật liệu về trả đại lý. Ngày ông Nguyễn Hồng Thanh mất, cả ngàn người quê ông đưa tiễn, một vị cán bộ tốt sao ra đi quá sớm. Nay vợ ông vẫn ở trong căn nhà như thế.
Vợ chồng ông Thanh có hai người con gái, cả hai học giỏi đại học, đảm đang. Khi ra trường thay vì được nâng đỡ ở huyện thì ông Thanh lại để hai người con gái nhận công tác xa tít tận xã biên giới Thượng Trạch, nơi khó khăn nhất Quảng Bình, thời chưa có chế độ đãi ngộ miền núi. Con đường lên xã Thượng Trạch khổ ải không thể tả. Nơi đó cuộc sống gian khổ, dạy học gian nan nhưng con gái ông cưng chiều nhất đã nghe theo lời bố lên phục vụ dân bản. Cô bé lên Thượng Trạch với tất cả tình cảm yêu thương. Tròn 5 năm, con của Bí thư Thanh cắm bản, đã đủ điều kiện về xuôi theo chuẩn ngành giáo dục nhưng ông Thanh vẫn một mực yêu cầu con gái tiếp tục phục vụ đồng bào với lý do bà con quá thiệt thòi!
Một lần nghỉ hè, con gái về thăm quê bị tại nạn nguy kịch, ông đưa con nhập viện ông không nói cho ai biết. Nhưng một người dân ở huyện có người nhà nằm viện, bất ngờ gặp ông, thế là chuyện con của Bí thư Thanh nằm viện đã “bị” người ta biết. Cả huyện rỉ tai, ủy ban huyện và hàng loạt xã rục rịch cử người đi thăm. Ông cấm tiệt rồi bảo: “Việc nhà tui còn lo được thì đừng ai bận tâm”.
Rồi tối 30 tết hơn chục năm trước, một xã nọ biếu ông con cá trắm 10kg. Lúc đó chỉ vợ ở nhà, vì nể nang mà nhận. Tối ông về, biết được sự việc đã cương quyết bảo hai mẹ con xe đạp vượt hơn 20km trả lại cá. Ông bảo: “Nếu mà cá bà con nuôi thì được. Nhưng trên đó mần chi có cá nuôi, người ta mua hoặc xin đâu đó cho mình thì không thể nhận”. Biết tính chồng, vợ ông cùng con gái lọc cọc đạp xe đi trả cá giữa đêm cuối năm rét mướt.
Khi ông tổ chức đám cưới cho con gái đầu, cả huyện nôn nóng chờ giấy mời nhưng đến ngày cưới vẫn không thấy đâu. Nhiều người trách, ông cười; nhà mình ở làng bà con đông rồi, mời thêm anh em đến không có chỗ, thông cảm nhé. Có một doanh nghiệp địa phương thương ông cương trực, liêm khiết, nhà không có bình nóng lạnh, vợ ông mỗi mùa đông đều đun nước cho ông tắm, vị lãnh đạo doanh nghiệp muốn lắp cho ông cái máy này, ông khước từ khéo là vợ ông còn đun nấu được.
Một vị cán bộ như ông Nguyễn Hồng Thanh, bằng đời sống thanh liêm chính trực của mình đã lấy được lòng dân, nhưng tiếc thay, người như ông trên đời càng ngày càng hiếm. Còn mấy ngày hôm nay, cho dù bố con ông Vũ Huy Hoàng có cố giải thích mấy thì dư luận cũng không thấy áy náy gì khi nỗi ngờ vực ngày mỗi sâu thêm về việc bổ nhiệm không minh bạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.