Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 12/7, Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X tiếp làm ngày việc thứ 2, tại đây đã báo cáo kết quả của buổi thảo luận ở tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2023, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023.
Trong đó, các đề án, báo cáo của Thường trực HĐND, UBND tỉnh trình kỳ họp và các nội dung liên quan khác. Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, tập trung và mang tính xây dựng. Các đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc.
Tại buổi thảo luận đã có 46 lượt đại biểu phát biểu, làm rõ thêm các nội dung đã được trình bày. Đa số đại biểu thống nhất với nhận định, trong điều kiện gặp nhiều khó thách thức, song với sự tập trung, nỗ lực của cả hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả nhất định.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển; hoạt động thương mại, dịch vụ có mức tăng trưởng trở lại, doanh thu từ ngành du lịch từng bước tăng lên; thu ngân sách đạt 50,8%, trong đó một số khoản thu đạt và vượt tiến độ.
Chất lượng giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia được nâng lên. Các cơ sở y tế ngày được nâng cấp hoàn thiện, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được đảm bảo; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Trước khi các đại biểu thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nhấn mạnh, hiện thủ tục hành chính trên địa bàn rất rườm rà, nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân còn rất chậm.
"Đặc biệt, là việc giải ngân nguồn vốn đầu tư chậm, nhất là khi không có tiền thì than vãn, còn khi có tiền rồi thì không chịu làm. Riêng nguồn vốn 296 tỷ đồng của 76 trạm y tế trên địa bàn tỉnh, cuối năm này không hoàn thành, nhất định Giám đốc sẽ được điều đi (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh được giao làm chủ đầu tư dự án 76 trạm y tế - PV), tôi giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy chuẩn bị việc này", Bí thư Phan Việt Cường cương quyết.
Cũng theo Bí thư Phan Việt Cường, đối với một số huyện, thị xã đã có tiền mà tiêu không được, nếu nguồn vốn giải ngân chậm, không đúng thời gian, không quyết liệt, vả lại không được đổ thừa cho vật giá, giá cả..., người đứng đầu cũng phải bị điều đi.
"Việc này phải cương quyết chứ không để Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải đi theo dõi việc làm này và hối thúc thực hiện được. Bên cạnh đó, tình trạng quy hoạch sử dụng đất không hiệu quả, quy hoạch vùng miền chậm, có những vụ Ban Thường vụ kết luận mấy tháng rồi mà vẫn chưa triển khai…", Bí thư Phan Việt Cường nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Văn Thẩm - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh đề xuất một số nội dung, đối với việc giải ngân chậm là có nhiều lý do, trong đó có lý do chủ quan, lý do khách quan, đặc biệt là hiện thủ tục hành chính còn quá rườm rà.
"Theo cá nhân tôi, cần phải cho rà soát lại việc hành chính, tăng cường hơn nữa về chế tài quản lý, ngoài ra phải siết chặt quản lý kỷ cương. Đặc biệt, phải ấn định thời gian rõ ràng, giải quyết hồ sơ trong thời gian cố định, 2 hay 3 tuần hoặc 1 tháng phải rõ ràng. Chứ không để chuyện người dân nộp hồ sơ vào, anh hẹn đàng hoàng mà khi đến lúc nhận kết quả lại không có, bảo hồ sơ thiếu thủ tục… Vì sao lúc thiếu thủ tục bên cơ quan hành chính không chịu báo sớm cho nhân dân biết để bổ sung hồ sơ?…", đại biểu Vũ Văn Thẩm kiến nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu Vũ Văn Thẩm còn kiến nghị thêm về việc họp hành, dự lễ đối với lãnh đạo quá nhiều. "Họp hội quá nhiều, họp miết, họp kinh khủng, cứ bất kỳ cuộc hội họp hay lễ nào cũng cần có Bí thư, Chủ tịch tham dự thì thời gian đâu mà đi giải quyết công việc…", đại biểu Thẩm nói.
Liên quan đến thủ tục hành chính, đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, đối với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay khó và vướng mắc rất lớn, nhân dân các nơi rất bất bình chuyện này.
"Bên cạnh đó, nhất là chuyện tái định cư, nhiều nơi người dân ở hơn 10 năm mà chưa được cấp đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn những nơi khác thì sao lại dễ cấp vậy? Việc này, tôi đề nghị UBND tỉnh tổng hợp hết lại và đề xuất Sở Tài nguyên - Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai cấp đất cho dân. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố cần vào cuộc ngay việc này chứ không để kéo dài ảnh hưởng đến nhân dân được", Phó Bí thư Lê Văn Dũng yêu cầu.
Đối với việc đầu tư công, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh, cần quan tâm, đầu tư thêm cho đô thị, chẳng hạn như hiện nay thành phố Tam Kỳ còn 32 điểm chưa khớp nối, nếu không khớp nối thì Tam Kỳ khó phát triển.
"Đối với xây dựng cơ bản còn mắc vướng nhiều thứ, nhất là cơ chế nên cần quyết tâm, quyết liệt hơn nữa mới được. Nhất là giải phóng mặt bằng, cần phân định rõ ràng, cái gì thuộc cấp trên thì cấp trên làm, cái gì thuộc địa phương là địa phương làm, chứ không thể ai cũng ngồi chờ nhau được. Nếu huyện, thị xã, thành phố nào không hoàn thành thì đơn vị đó chịu trách nhiệm, nếu hồ sơ gửi lên mà cấp trên không làm thì phải chịu trách nhiệm, phải căn cơ như thế", Phó Bí thư Lê Văn Dũng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.