Bi tráng Gạc Ma và sự sáng tạo, dũng cảm để bảo vệ các đảo chìm ở Trường Sa

Thiếu tướng Hoàng Kiền (Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh) Thứ hai, ngày 14/03/2022 06:22 AM (GMT+7)
Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, có nhiều kỷ niệm gắn bó với biển đảo, với Trường Sa thân yêu. Trong đó, 8 năm ông là chỉ huy Trung đoàn CBHQ 83 (nay là lữ đoàn) tham gia xây dựng và bảo vệ Trường Sa. Nhân kỷ niệm 34 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988-14/3/2022), ông có bài viết riêng cho Dân Việt.
Bình luận 0

Thả bia chủ quyền trên các bãi đá cạn

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đưa Hải quân đánh chiếm một số bãi đá ngầm ( còn gọi là đảo chìm) của Việt Nam. Sự kiện này được các báo chí gọi là trận chiến Gạc Ma hay hải chiến Gạc Ma, tôi cho rằng nói như vậy cũng chưa chính xác, Hải quân Việt Nam không có tàu chiến nào ở đó, không bắn phát pháo nào cả. 

Đây thực chất đây là trận chiến đơn phương do Hải quân Trung Quốc dùng tàu chiến đánh chiếm trái phép các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Họ đã bắn cháy 1 tàu đổ bộ, bắn chìm 2 tàu vận tải của Việt Nam, sát hại 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân, chiếm đóng trái phép bãi đá ngầm Gạc Ma của Việt Nam từ đó đến nay.

Bi tráng Gạc Ma và sự sáng tạo, dũng cảm để bảo vệ các đảo chìm ở Trường Sa - Ảnh 1.

Tàu HQ-505, con tàu duy nhất không bị chìm do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ quyết định cho lao lên đảo Cô Lin và trở thành pháo đài bất khuất trong trận Gạc Ma năm 1988. Ảnh Tư liệu.

Quần đảo Trường Sa nằm ở giữa Biển Đông trải trên một khu vực biển khá rộng chiều ngang từ đông sang tây khoảng 170 hải lý (300 km trong phạm vi chúng ta khẳng định chủ quyền), chiều dọc từ Bắc xuống Nam khoảng 330 hải lý (611 km). 

Đảo Trường Sa gần nhất cũng cách Cam Ranh 250 hải lý (463 km), đảo chìm Tiên Nữ xa nhất về phía đông cách Cam Ranh 390 hải lý (700 km). Quần đảo bao gồm các đảo, các bãi cạn, bãi đá ngầm với khoảng 140 vị trí. Cho đến năm 1954 quần đảo Trường Sa hoàn toàn thuộc Việt Nam, chưa có mặt quân đội nước ngoài nào cả.

Tổng số có 17 đảo nổi, nguỵ quyền Sài Gòn đã để Philippines chiếm 7 đảo, Đài Loan chiếm 1 đảo, sau năm 1954.  Tháng 4/1975, quân ta giải phóng 5 đảo do quân nguỵ Sài Gòn đóng giữ, sau đó ta đóng quân hết 4 đảo nổi còn lại, Việt Nam hiện quản 9 đảo.

Tất cả các bãi cạn (còn gọi là đảo chìm), từ năm 1976 đến năm 1984, chúng ta đã thả gần 100 bia chủ quyền,  cho đến năm 1986 ta chưa đóng quân, nhưng thường xuyên kiểm tra quản lý các mốc chủ quyền.

Bi tráng Gạc Ma và sự sáng tạo, dũng cảm để bảo vệ các đảo chìm ở Trường Sa - Ảnh 2.

Nhà "cao đẳng" trên đảo Đá Lát - công trình xây dựng để giữ đảo chìm trong những năm 80 của thế kỷ trước khi mà công nghệ xây dựng nhà dàn còn chưa ra đời. Ảnh Báo Phú Khánh

Phương án chốt giữ đảo chìm

Tháng 4/1986,  Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương dẫn đầu đoàn cán bộ Hải quân, có các cơ quan Bộ Quốc phòng tham gia đi kiểm tra, chỉ đạo các mặt trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, tôi là trợ lý phòng Công binh tham gia đoàn.

Đến đảo chìm Thuyền Chài, Tư lệnh Giáp Văn Cương cho tàu neo lại, thả xuồng vào kiểm tra mốc chủ quyền và phát hiện có hiện tượng vi phạm, nhòm ngó của nước ngoài. Tư lệnh Giáp Văn Cương nói: Sẽ có tranh chấp đảo chìm xảy ra và chỉ đạo các biện pháp chuẩn bị đối phó. 

Ông giao cho tôi- đại uý kỹ sư Hoàng Kiền nghiên cứu dùng cát san hô trộn xi măng để xây dựng công trình ở Trường Sa theo phương pháp trình tường.

Thượng uý- kỹ sư Hoàng Anh Dũng cùng đại uý Nguyễn Văn Ánh - Chủ nhiệm Công binh Vùng 4, đại uý- kỹ sư Đỗ Văn Thông - Trợ lý Phòng Công binh Hải quân tham gia nghiên cứu thiết kế nhà chốt giữ nhanh đảo chìm.

Bi tráng Gạc Ma và sự sáng tạo, dũng cảm để bảo vệ các đảo chìm ở Trường Sa - Ảnh 3.

Đại tướng Lê Đức Anh (đeo kính) và Đô đốc Giáp Văn Cương (áo trắng ngoài cùng bên trái) tại Trường Sa.

Tháng 1/1987, nhà C3 đầu tiên được lắp dựng trên đảo chìm Thuyền Chài. Kết cấu cột bê tông cốt thép, tận dụng cột điện gỗ thông ở Cam Ranh của Mỹ cắt ra làm cột chống xiên, kết cấu dầm gỗ xẻ, lát ghi nhôm, lợp vòm tôn. Phân đội công binh Vùng 4 do thượng uý Đào Chí Tiến là Đại đội trưởng ra triển khai.

Tư lệnh Giáp Văn Cương trực tiếp ra kiểm tra nhưng thấy chưa yên tâm, ông quyết định kéo thêm 1 pông tông ra và  xây dựng một nhà lâu bền còn gọi là nhà C1 bên cạnh nhà C3 bằng đá xây kết hợp bê tông cốt thép lắp ghép, do kỹ sư Đỗ Văn Thông thiết kế, Công binh vùng 4 thi công. Từ đây, phương án chốt giữ đảo chìm được xác định: dùng tàu vận tải neo giữ trước, sau đó dựng nhà C3 cộng với pông tông hoặc tàu LCU chốt, tiếp theo làm nhà C1.

Ngày 31/12/1986,  Malaysia đưa quân chiếm đóng hai đảo chìm là Kỳ Vân và Kiều Ngựa. Ngày 14/2/1986, Trung Quốc đưa tàu chiến giả dạng tàu cá đến trinh sát một số bãi cạn ở Trường Sa và đặt các tấm bê tông " kỷ niệm " ở một số bãi cạn.

Ngày 3/9/1987, Quốc hội Trung Quốc thông qua quy chế đưa đảo Hải Nam thành tỉnh và sát nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào Hải Nam, sau đó họ liên tục cho tàu chiến giả dạng tàu dân sự để khảo sát, trinh sát thăm dò quần đảo Trường Sa của ta nhằm âm mưu xâm chiếm các đảo chìm.

Trước tình hình đó Bộ Tư lệnh Hải quân đã nghiên cứu phương án đóng giữ các đảo chìm. Chúng ta kéo 2 pông tông có nhà phủ bạt trên boong đưa ra Đá Đông và Đá Nam, nhưng do sóng gió lớn pông tông Đá Nam bị đứt neo trôi không chịu được đành kéo về Đá Đông. Chúng ta chuyển sang phương án đưa các tàu vận tải ra canh giữ, làm các nhà cao chân C3 để chốt giữ các đảo chìm và đưa tàu đổ bộ LCU ra chốt giữ.

Bi tráng Gạc Ma và sự sáng tạo, dũng cảm để bảo vệ các đảo chìm ở Trường Sa - Ảnh 4.

Đô đốc Giáp Văn Cương (áo trắng) thăm hỏi công binh xây dựng đảo Tiên Nữ. Ảnh tư liệu

Khi phát hiện Trung Quốc đưa tàu chiến xuống Trường Sa, chúng ta đã đưa các tàu vận tải, lực lượng Công binh, lực lượng chốt giữ đảo ra đóng giữ. Trong đó xác định đảo Chữ Thập nằm ở trung tâm của quần đảo là vị trí hết sức quan trọng, đã cử một tàu vận tải do đại tá Phạm Công Phán - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy lực lượng ra chốt giữ, nhưng do sóng gió lớn, tàu hỏng máy, đến chậm nên để Trung Quốc đến trước chiếm mất. Một số đảo chìm khác chúng ta cũng đưa tàu vận tải ra, nhưng do tàu ta nhỏ bị họ đẩy ra chiếm mất đảo.

Với lực lượng tàu vận tải của Lữ đoàn 125 và Vùng 4 Hải quân, Trung đoàn Công binh 83, Lữ đoàn giữ đảo 146, Tiểu đoàn Công binh V4, chúng ta quyết tâm tổ chức đóng giữ các đảo chìm.

Ngày 14/3/1988 Trung Quốc cho các tàu chiến lớn âm mưu chiếm các đảo chìm Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, chúng ta đã đấu tranh kiên quyết. Trung Quốc với lực lượng tàu chiến mạnh, số lượng nhiều ( 9-12 chiếc) đã hung hãn bắn chìm tàu vận tải 604 ở Gạc Ma, bắn chìm tàu vận tải HQ 605 ở Len Đao, bắn cháy tàu đổ bộ HQ 505 ở Cô Lin. Tàu HQ 505 của ta bị cháy vẫn quyết tâm lao lên đảo và giữ được Cô Lin. Chúng ta tiếp tục đưa tàu vận tải, tàu kéo treo cờ chữ thập đỏ và lực lượng ra Len Đao, Cô Lin, để cứu thương binh lấy tử sỹ.

Các chiến sĩ của ta đã thể hiện hành động dũng cảm không chùn bước trước mũi súng của quân thù. Trung Quốc chiếm được Gạc Ma, chúng ta giữ được Cô Lin và Len Đao.

Bi tráng Gạc Ma và sự sáng tạo, dũng cảm để bảo vệ các đảo chìm ở Trường Sa - Ảnh 5.

Chiều 12/3, trong chuyến công tác tại Khánh Hòa, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh VGP

Sáng tạo để gìn giữ chủ quyền của Việt Nam

Tháng 6/1988, chúng ta đưa lực lượng ra dựng 2 nhà sắt C2 trên hai đảo chìm Len Đao và Cô Lin, do thiếu tá Trần Đình Dần - Phó Trung đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Trung đoàn Công binh 83 trực tiếp chỉ huy lắp dựng nhà trên đảo. Trước khi đi, Tư lệnh Giáp Văn Cương trực tiếp giao nhiệm vụ cho thiếu tá Trần Đình Dần và nói, chuyến này các đồng chí đi có thể hy sinh, nhưng nhất định phải ra giữ đảo….

Cuối cùng chúng ta đã hoàn thành dựng hai nhà sắt C2 do Bộ Tư lệnh Công binh thiết kế chế tạo, Trung đoàn Công binh Hải quân 83 lắp dựng thành công bàn giao cho hai phân đội của Lữ đoàn 146 chốt giữ đảo, hai lá cờ Tổ quốc phấp phới tung bay trên nóc tầng 2 của hai công trình khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên đảo Len Đao và đảo Cô Lin.

Sau sự kiện Gạc Ma, chúng ta tiếp tục lắp dựng bổ sung các nhà C3, nhà sắt C2, nhà lâu bền C1 trên các đảo chìm để chốt giữ khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Lực lượng Công binh Hải quân bao gồm: Phòng Công binh, Lữ đoàn CB 83, Lữ đoàn CB 131, 2 Tiểu đoàn CB Vùng 4 cùng một số đơn vị của Bộ tư lệnh Công binh.

Thật tự hào, lực lượng Công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc với sự  sáng tạo, mưu trí dũng cảm trong thiết kế, gia công, vận chuyển, lắp dựng 14 nhà C3, 8 nhà C2 trên các đảo chìm ngập nước giữa Trường Sa mùa sóng gió. Điều đó đã góp phần quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc chốt giữ 12 đảo chìm ở thời điểm lịch sử đó trước mũi súng quân thù.

Nhà C3 là công trình dã chiến nhưng có giá trị và ý nghĩa về mặt chiến lược đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở Trường Sa. Chiến công xuất sắc ấy, giá trị khoa học công nghệ ấy mãi mãi được in vào lịch sử của Hải quân anh hùng, của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng. Chiến công của lực lượng Công binh Hải quân góp phần tô thắm thêm lá cờ MỞ ĐƯỜNG THẮNG LỢI mà Bác Hồ đã trao tặng cho Bộ đội Công binh Anh hùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem