Người tiêu dùng sẽ truy xuất được các thông tin về nguồn gốc sản phẩm thông qua mã số, mã vạch được in trên bao bì sản phẩm. Trong ảnh là đặc sản hồng treo gió của Đà Lạt. (Ảnh TL)
Đà Lạt – Lâm Đồng hiện có 183 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh các mặt hàng đặc sản Đà Lạt, trong đó phần lớn là sản xuất mang tính thủ công. Thời gian qua, mặt hàng đặc sản Đà Lạt đã bị xâm hại nghiêm trọng bởi nhiều mặt hàng không có nguồn gốc xuất xứ từ các nơi tuồn về Đà Lạt, sau đó gắn nhãn mác, mạo danh thương hiệu đặc sản của Đà Lạt. Việc này gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng uy tín, thương hiệu nông sản Đà Lạt và quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo ông Ngô Thanh Sơn, Phó trưởng Phòng quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng đặc sản Đà Lạt” được tỉnh triển khai để chấn chỉnh triệt để tình trạng này. Người tiêu dùng sẽ truy xuất được các thông tin về nguồn gốc sản phẩm thông qua mã số, mã vạch được in trên bao bì sản phẩm bằng phần mềm quét mã vạch tích hợp trên điện thoại thông minh.
Ông Sơn cho biết: “Các cơ sở có nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rõ ràng thì sẽ được hỗ trợ mã số mã vạch in trên bao bì. Người tiêu dùng tải phần mềm "Scan and Check", từ phần mềm này họ chụp mã số mã vạch trên sản phẩm đặc sản của các cơ sở sản xuất thì điện thoại sẽ hiện lên thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đó".
Bước đầu Sở Công Thương sẽ hỗ trợ khoảng 100 cơ sở sản xuất đặc sản, cung cấp cho họ mã số mã vạch” - ông Ngô Thanh Sơn cho biết.
Nhật Phương (Nhà báo và Công luận)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.