Biden công du châu Âu: Đối tượng mới trong tầm ngắm
Biden công du châu Âu: Đối tượng mới trong tầm ngắm
Đại sứ Trần Đức Mậu
Thứ năm, ngày 17/06/2021 08:53 AM (GMT+7)
Chuyến công du châu Âu của tân tổng thống Mỹ Joe Biden làm các đồng minh truyền thống và đối tác chiến lược của Mỹ hoan hỉ và hài lòng bao nhiêu thì lại khiến Trung Quốc bực bội và lo ngại bấy nhiêu.
Dù ở hội nghị cấp cao của nhóm G7 ở London (Anh) hay của Nato ở Brussel (Bỉ) hoặc ở cuộc gặp giữa giới chức lãnh đạo EU với ông Biden thì Trung Quốc cũng vẫn luôn là một chủ đề nội dung trên chương trình nghị sự và Trung Quốc trở thành đối tượng mới trong tầm ngắm của G7, Nato và EU.
Trong thông cáo chung của hội nghị cấp cao ở London, nhóm G7 không những chỉ có sự đồng thuận quan điểm sâu rộng về Trung Quốc mà còn thể hiện quan điểm thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc về hàng loạt vấn đề như về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền (liên quan đến Hồng Công và Tân Cương), mưu tính và hành động của Trung Quốc ở vùng biển Hoa Đông, ở eo biển Đài Loan và ở khu vực Biển Đông, hàm ý cáo buộc Trung Quốc gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoà bình, an ninh và ổn định ở các khu vực này. Nhóm G7 còn nhấn mạnh đặc biệt quan ngại về tình hình ở khu vực Biển Đông và phản đối mọi mưu đồ đơn phương làm thay đổi hiện trạng hay gia tăng căng thẳng ở khu vực này.
Cả việc G7 kiên định chủ ý tiến hành điều tra về nguồn gốc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra cũng là cú đòn nặng nhằm vào thể diện và yuy danh quốc tế của Trung Quốc. Chưa bao giờ G7 đề cập đến Trung Quốc sâu rộng và cụ thể đến như vậy.
Ngay sau G7, Nato tại hội nghị cấp cao năm nay tuy không coi Trung Quốc là mối đe doạ an ninh như Nga và chủ nghĩa khủng bố, nhưng công khai nhìn nhận Trung Quốc là thách thức mang tính hệ thống buộc Nato phải tập trung đối phó.
Lần đầu tiên trong lịch sử từ khi thành lập đến nay, liên minh quân sự này xác định đối phó Trung Quốc là một trong những tôn chỉ mục đích và lý do để tiếp tục tồn tại trong thế giới hiện đại. Rồi ở cuộc gặp cấp cao giữa EU và Mỹ, hai bên khẳng định tuyên bố của G7 về tình hình chính trị an ninh ở vùng biển Hoa Đông và ở khu vực Biển Đông, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thể hiện ý định hợp tác với các đối tác vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bao trùm dựa trên luật định.
Tuy không nêu đích danh Trung Quốc nhưng hai bên đều ám chỉ Trung Quốc. Ông Biden không hoàn toàn thành công với việc vận động các đồng minh và đối tác này liên thủ với Mỹ cùng đối phó Trung Quốc nhưng rõ ràng đã rất thành công với việc tập hợp lực lượng để đối phó Trung Quốc về chính trị và trên thực địa ở vùng biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và khu vực Biển Đông.
Đối với Trung Quốc, những diễn biến mới kia ở G7, Nato và EU rất nguy hại ở chỗ Mỹ định hướng được các đồng minh và đối tác vào cuộc đối phó Trung Quốc, cho dù hiện tại với mức độ thống nhất quan điểm và phối hợp hành động chưa được như ông Biden mong muốn và từ nay, Trung Quốc sẽ luôn là chủ đề không thể thiếu vắng trên chương trình nghị sự của mọi hoạt động ngoại giao giữa các đồng minh và đối tác này với nhau.
Nguy hại và bất lợi đối với Trung Quốc còn thể hiện ở chỗ phe này nhằm vào điểm rất nhạy cảm về đối nội ở Trung Quốc là dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền cũng như Đài Loan, nhằm vào những lĩnh vực mà Trung Quốc coi là có lợi ích chiến lược cốt lõi là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các nước ở vùng biển Hoa Đông và khu vực Biển Đông, lại còn đối kháng nhau về ý thức hệ và hệ thống chính trị nhà nước.
Việc phân hoá Mỹ với các đồng minh và đối tác trong G7, Nato và EU vì thế sẽ trở nên ngày càng thêm khó khăn và phức tạp hơn đối với Trung Quốc.
Riêng về Mỹ, có thể thấy ông Biden đang tích cực triển khai việc bố trí chiến lược lại trên mọi phướng diện để thúc đẩy cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Sau khi khôi phục lại quan hệ hợp tác với đồng minh và đối tác cũng như sau khi săp xếp lại quan hệ của Mỹ với Nga và đặc biệt là sau khi các vấn đề đối nội đã được giải quyết ổn thoả ban đầu, ông Biden sẽ tập trung xử lý quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và vừa đi cùng vừa theo sau ông Biden là G7, Nato và EU.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.