Biến những khối gỗ vô hồn thành tác phẩm nghệ thuật, nghệ nhân Quảng Nam thu hơn 300 triệu đồng/năm
Biến những khối gỗ vô hồn thành tác phẩm nghệ thuật, nghệ nhân Quảng Nam thu hơn 300 triệu đồng/năm
Trần Hậu - Tuyết Nhung
Thứ ba, ngày 24/01/2023 18:49 PM (GMT+7)
Trở thành nghệ nhân điêu khắc gỗ khi còn khá trẻ, anh Nguyễn Tấn Quý (ở thôn Hoà Bình, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) vẫn miệt mài rèn dũa, không ngừng nỗ lực để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho đời.
44 năm tuổi đời với gần 30 năm tuổi nghề, anh Quý đã xây dựng được cơ ngơi là xưởng gỗ mỹ nghệ cho ra đời hàng trăm tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao.
Anh Quý tâm sự: "Gia đình tôi không có ai theo nghề mộc, nhưng tôi lại đam mê với điêu khắc gỗ từ nhỏ. Khi lên 16 tuổi, tôi tìm đến làng mộc Kim Bồng nổi tiếng ở thành phố Hội An để học nghề. Hơn 10 năm vừa học vừa làm, đến khi tay nghề thành thục thì tôi quyết định mở xưởng gỗ mỹ nghệ tại quê nhà".
Thời gian đầu học nghề, anh gặp rất nhiều khó khăn vì điêu khắc gỗ không phải là công việc ai cũng làm được. Nó giống như một bộ môn nghệ thuật không chỉ đòi hỏi ở người chơi phải có năng khiếu, mà còn phải có tính kiên trì, tỉ mỉ, óc sáng tạo và sự đam mê.
Khi hài hoà được các yếu tố đó thì người thợ mới có thể chạm đến sự thăng hoa trong từng tác phẩm, biến khối gỗ vô tri vô giác trở nên sống động và mang một ý nghĩa riêng.
Anh Quý chia sẻ, buổi đầu lập nghiệp nhiều khó khăn vì khách hàng chưa biết đến và không tin tưởng vào tay nghề của anh, sản phẩm làm ra ế ẩm, khó tiêu thụ. Nhưng bằng sự say mê và nỗ lực không ngừng nghỉ, anh đã tạo nên những tác phẩm điêu khắc gỗ đặc sắc, "hút hồn" người thưởng lãm.
Trong nhiều công đoạn để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, khâu ra phôi là quan trọng nhất. Từ một khối gỗ, anh sẽ dùng các dụng cụ như máy cưa, máy tiện… để phá thế gỗ, phác thảo ra phôi gỗ theo hình dáng đã tưởng tượng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình điêu khắc, chạm trổ chi tiết để tạo ra một sản phẩm như hình dung ban đầu.
Đồng thời, người thợ điêu khắc phải biết sáng tạo ra những sản phẩm dựa trên hình dạng, màu sắc, lỗ thủng, vết nứt gãy của khối gỗ, từ đó tạo ra những chi tiết sống động.
Anh Quý bộc bạch: "Tạo chi tiết là khâu khó và kỹ lưỡng nhất, bởi đây là công đoạn người thợ điêu khắc "thổi hồn" cho sản phẩm của mình. Phải có sự am hiểu nhiều về văn hoá, phong tục tập quán… thì họ mới có sự cảm nhận và thăng hoa trong cảm xúc chế tác. Và nếu thợ có tay nghề cao, đục thủ công càng khéo léo, tỉ mỉ, thì tượng gỗ càng sắc xảo, hình dáng sinh động và có hồn".
Thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm
Điêu khắc gỗ mỹ nghệ là công việc tinh vi với nhiều giai đoạn phức tạp, từ lựa chọn khối gỗ phù hợp, tạo phôi, chạm khắc tỉ mỉ cho đến sơn xịt bảo quản. Mỗi sản phẩm hình thành được xem là đứa con tinh thần của người thợ điêu khắc.
Các tác phẩm điêu khắc gỗ của anh Quý có giá từ vài trăm đến hàng chục triệu đồng, tùy theo yêu cầu của khách và tùy vào từng loại gỗ, sự cầu kỳ, công phu trong từng sản phẩm. Những dịp cận Tết, số lượng khách đặt hàng tăng cao, xưởng của anh phải tăng cường sản xuất ngày đêm.
Đến nay, anh Quý đã đào tạo, giúp đỡ nhiều thanh niên địa phương học nghề điêu khắc gỗ. Tạo việc làm ổn định cho 3-6 thợ lành nghề đang làm tại xưởng với mức lương trung bình 9.000.000 đồng/tháng. Với nhiều đơn hàng được xuất bán trên cả nước, anh thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm.
Năm 2018, anh Quý vinh dự được tặng danh hiệu nghệ nhân điêu khắc gỗ, có thành tích xuất sắc trong việc khôi phục, phát triển ngành nghề thủ công truyền thống của tỉnh Quảng Nam. Hiện anh đang được đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.
Trước sự cạnh tranh mạnh về thị trường tiêu thụ, anh Quý chọn hướng đẩy mạnh phát triển sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ, làm quà lưu niệm. Hướng đến phục vụ khách du lịch, góp phần quảng bá văn hoá, tín ngưỡng của người dân Quảng Nam. Từ đó, những sản phẩm của anh được nhiều khách hàng biết đến, tin tưởng và ưa chuộng.
Theo anh Quý, nguyên liệu gỗ để chế tác phải được chọn kỹ lưỡng nhằm tạo nên một sản phẩm bền bỉ và có tính thẩm mỹ cao. Xưởng của anh sản xuất đa dạng các loại gỗ như: mít, mun, chò, sưa, hương….
Mỗi sản phẩm có thời gian hoàn thành khác nhau, có thể từ vài ngày đến nhiều tháng. Điển hình như sản phẩm "Quan Công Giáng Long", được anh làm trong 3 tháng và khách hàng trả giá gần 60 triệu đồng nhưng anh chưa bán. Ngoài ra, nhiều công trình trùng tu nhà cổ cũng được anh dày công thực hiện.
Chia sẻ về sản phẩm tâm đắc nhất, anh nói: "Lọ cắm hoa - Giai điệu Mỹ Sơn là tác phẩm tôi hoàn thành trong 15 ngày, khắc hoạ nét đẹp Di sản văn hoá thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn và người Chăm Pa xưa. Tác phẩm đã được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp khu vực năm 2018".
Ngoài ra, sản phẩm khay bánh kẹo vui xuân của anh Quý cũng được chứng nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2022. Thời gian tới, anh sẽ hoàn thiện bao bì, nhãn mác để đưa sản phẩm Đĩa gỗ mỹ nghệ Khu đền tháp Mỹ Sơn đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.