Lễ vật nhắc về nguồn cội, không thể thiếu trong dịp Tết của người dân Quảng Nam, đó là vật gì?

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ bảy, ngày 21/01/2023 10:03 AM (GMT+7)
Cứ đến 20 tháng Chạp, lò bánh nhà bà Nguyễn Thị Hạnh (47 tuổi, trú thôn Phú Hải, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) lại tất bật nhóm lửa, xay bột để làm bánh tổ. Đây là thức bánh đặc sản của người dân xứ Quảng, là lễ vật được dâng lên bàn thờ tổ tiên trong dịp Tết cổ truyền.
Bình luận 0

Từ nhiều đời nay, bánh tổ là một trong những lễ vật để cúng đưa ông Táo về trời và dâng lên bàn thờ ông bà ngày Tết cổ truyền của người dân Quảng Nam – Đà Nẵng nói chung. Dù hiện nay trên thị trường có muôn vàn loại bánh trái thơm ngon, nhưng chiếc bánh tổ truyền thống luôn là vật không thể thiếu trong những ngày Tết.

Độc đáo lễ vật nhắc về nguồn cội, không thể thiếu trong dịp Tết của người dân xứ Quảng - Ảnh 1.

Cứ đến 20 tháng Chạp, bà Hạnh lại nhóm lửa, làm bánh tổ để phục vụ nhu cầu thờ cúng dịp Tết. Ảnh: T.N.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh đã có gần 20 năm làm bánh tổ bán vào dịp Tết. Bà Hạnh tâm sự: "Thời xưa, vào dịp Tết, nhà nào trong làng cũng làm vài ổ bánh tổ để thành kính dâng lên tổ tiên. Ngày nay, cuộc sống bận rộn hơn nên ít người làm bánh, cứ sát Tết là gia đình tôi lại đỏ lửa, làm bánh tổ để phục vụ bà con".

Ngày thường, bà Hạnh làm bánh ít, bánh xu xê, xôi đường để mang ra chợ bán. Từ 20 tháng Chạp sẽ bắt đầu làm bánh tổ. Tuy vậy, để cho ra những mẻ bánh tổ thơm ngon nhất thì các nguyên liệu đã được chuẩn bị sẵn trước 1 tháng.

Độc đáo lễ vật nhắc về nguồn cội, không thể thiếu trong dịp Tết của người dân xứ Quảng - Ảnh 2.

Hai miếng lá chuối được xếp chồng lên nhau và gấp 2 đầu để làm thành khuôn đựng bánh. Ảnh: T.N.

Độc đáo lễ vật nhắc về nguồn cội, không thể thiếu trong dịp Tết của người dân xứ Quảng - Ảnh 3.

Trộn đều và đánh nhuyễn hỗn hợp bánh gồm bột nếp và đường, thêm gừng rồi đổ ra khuôn. Ảnh: T.N.

Nguyên liệu làm bánh chỉ từ bột nếp và đường, thêm hai thứ phụ liệu không thể thiếu là mè và gừng. Bột nếp được trộn với đường và nước theo một tỷ lệ phù hợp, đánh nhuyễn bằng máy trong khoảng 5 phút. Phải chú ý gia giảm tỷ lệ để bột bánh không bị quá lỏng hoặc quá đặc, bánh tổ làm ra sẽ không ngon, không đẹp hoặc không để được lâu.

Trộn gừng đã giã nhuyễn vào hỗn hợp bột và đổ ra khuôn được làm bằng lá chuối, bên dưới có rọ tre để giữ cho bánh tròn, không bị méo.

Độc đáo lễ vật nhắc về nguồn cội, không thể thiếu trong dịp Tết của người dân xứ Quảng - Ảnh 4.

Phải chú ý tỷ lệ trộn để bột bánh không quá lỏng hoặc quá đặc. Ảnh: T.N.

Bà Hạnh cho biết, để bột bánh không bị chảy ra ngoài thì phải xếp chồng 2 miếng lá chuối lên nhau, miếng trong được hơ qua lửa hoặc phơi nắng để lá mềm dẻo, không bị gãy. Gấp 2 đầu mép lá và dùng ghim bấm cố định các nếp gấp, tạo thành một ổ chứa bánh, sau đó cắt phần lá thừa để khuôn bánh tròn trịa, gọn gàng hơn.

Bánh tổ được hấp cách thuỷ khoảng 4 tiếng là chín, bà Hạnh lấy bánh ra để nguội và rắc đều một lớp mè rang để chiếc bánh thêm phần bắt mắt, hấp dẫn.

Đặc biệt, kể từ khi bánh chín thì phải 3 ngày sau mới ăn được và để càng lâu thì bánh sẽ càng thơm ngon, dẻo ngọt. Nếu đem bánh tổ phơi nắng hoặc bảo quản trong tủ lạnh sẽ giúp kéo dài thời hạn sử dụng. Người dân Quảng Nam có nhiều cách dùng như ăn sống, chiên hoặc nướng bánh.

Độc đáo lễ vật nhắc về nguồn cội, không thể thiếu trong dịp Tết của người dân xứ Quảng - Ảnh 6.

Bánh tổ được hấp cách thuỷ khoảng 4 tiếng. Ảnh: T.N.

Nhưng bánh tổ ngon nhất là khi cắt thành từng miếng nhỏ và đem chiên với dầu phụng. Bánh tổ sẽ phồng lên, có màu nâu sẫm đẹp mắt, mùi thơm cuốn hút. Vớt bánh ra và kẹp với miếng bánh tráng nướng Đại Lộc (đặc sản Quảng Nam) sẽ tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn, khiến ai ăn rồi sẽ không thể nào quên hương vị dân dã ấy.

Sở dĩ, bánh tổ có tên gọi như vậy là do hình dáng bánh giống như một tổ chim, tròn trịa. Bên cạnh đó, cứ mỗi dịp Tết cổ truyền, người dân xứ Quảng lại mua một cặp bánh tổ để dâng lên bàn thờ tổ tiên, như để gợi nhắc về ý nghĩa "chim có tổ, người có tông".

Độc đáo lễ vật nhắc về nguồn cội, không thể thiếu trong dịp Tết của người dân xứ Quảng - Ảnh 7.

Trung bình mỗi ngày cận Tết, bà Hạnh làm 3 mẻ bánh tổ (60 bánh/mẻ). Ảnh: T.N.

Tỉ mỉ xếp bánh vào lò, bà Hạnh nói: "Việc hấp bánh cũng đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mỉ xếp các ổ bánh sao cho đều nhau, để khi bánh chín khuôn không bị méo mó. Canh thêm nước và thêm củi để lửa cháy to, đều, bánh chín tới mà không bị sượng".

Độc đáo lễ vật nhắc về nguồn cội, không thể thiếu trong dịp Tết của người dân xứ Quảng - Ảnh 8.

Chiếc bánh tổ mềm dẻo, ngọt bùi, thơm ngon là lễ vật không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Trung. Ảnh: T.N.

Dịp Tết mọi năm, bà Hạnh làm ra hơn 1.000 chiếc bánh tổ mang ra chợ bán và bỏ mối cho các tiểu thương ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Các đơn hàng đặc biệt tăng cao từ 25 Tết, vì thế bà phải thuê thêm người phụ, tăng cường làm cả ngày lẫn đêm, có khi đến trưa 30 Tết mới nghỉ.

Theo bà Hạnh, năm nay chi phí nguyên liệu từ củi, lá chuối, đến nếp, đường đều tăng lên, nên giá bánh cũng tăng theo. Làm bánh tổ nhọc công, nhưng chỉ bán chạy vào dịp Tết, vì thế thu nhập không cao, chủ yếu lấy công làm lời. Mỗi chiếc bánh tổ chỉ lời (lãi) 2.000-3.000 đồng, nhưng là nghề truyền thống nên bà vẫn yêu thích và gắn bó.

Chiếc bánh tổ tuy đơn sơ, mộc mạc, nhưng hiện hữu trong đó là ký ức tuổi thơ của bao người. Dù có đi bất cứ nơi đâu, thì bánh tổ vẫn theo chân những người con xa quê, trở thành món quà đầy ý nghĩa, cầu mong may mắn, gia đình đoàn viên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem