Biến rác thải thành "gia tài" tỷ USD: Doanh nghiệp làm gì để bắt kịp "cuộc chơi"?
Biến rác thải thành "gia tài" tỷ USD: Doanh nghiệp làm gì để bắt kịp "cuộc chơi"?
Vũ Khoa
Thứ hai, ngày 01/01/2024 07:00 AM (GMT+7)
Thị trường tái chế toàn cầu có giá trị khoảng 2,2 nghìn tỷ USD (theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế năm 2022) và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Do đó, thị trường tái chế được đánh giá có dư địa lớn về phát triển kinh tế xanh, đóng góp vào mục tiêu Net Zero.
LTS: Phát triển kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu trên thế giới. Kể từ sau COP 26 ở Glasgow, Việt Nam đã triển khai 12 biện pháp lớn, toàn diện thuộc 3 nhóm nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng, lợi ích của người dân cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế. Tháng 12 vừa qua tại Hội nghị COP 28, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết trước cộng đồng quốc tế về nỗ lực của Việt Nam đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050 và đã đưa ra chương trình cụ thể của nước ta. Đồng thời, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, góp phần vào mục tiêu lớn của đất nước, các lĩnh vực, doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu đưa vấn đề xanh vào trọng điểm hoạt động, sản xuất kinh doanh. Đã có những kết quả bước đầu được ghi nhận, song những hạn chế cũng lộ diện. Cùng Dân Việt đi tìm lời giải cho bài toán "xanh" của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp.
Việt Nam đã và đang nỗ lực hợp tác quốc tế trong chuyển dịch năng lượng xanh, đồng thời đưa vấn đề rác thải xử lý theo hướng hiện đại, hướng đến loại bỏ phương pháp xử lý truyền thống gây ô nhiễm môi trường làm ưu tiên hàng đầu.
Trong đó, xử lý rác thải bằng phương pháp đốt rác, nhất là đốt rác phát điện được xem là chiến lược lâu dài góp phần xử lý triệt để, tạo không gian sống, không gian xanh, giảm thiểu quỹ đất tự nhiên.
Khởi động cuộc đua tái chế
Năm 2023, trên cả nước có thêm Nhà máy xử lý và tái chế chất thải Lộc Ninh, Nhà máy nhựa tái chế công suất 100.000 tấn/năm tại Long An. Ở Bình Dương, Công ty Nước và Môi trường Bình Dương (Biwase) cũng chuẩn bị đưa vào vận hành giai đoạn 4 Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương – Giai đoạn 4 vào ngay đầu năm 2024. Hay tại Hà Nội, Nhà máy điện rác Thiên Ý cũng đưa vào vận hành 2 tổ máy tiếp nhận, xử lý chuyển hóa thành điện năng trong những tháng đầu năm.
Việc có ngày càng nhiều nhà máy tái chế rác thải cho thấy, đang manh nha hình thành một "cuộc đua" của các doanh nghiệp. Dù còn ít ỏi, nhưng đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng trong lộ trình thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Trước những nguy cơ đã được báo trước về cạn kiệt nguồn tài nguyên và biến đổi khí hậu, cùng các giải pháp khác, rác thải tái chế nên dần định hình ở vai trò một nguồn tài nguyên tận dụng, thay vì chỉ thải bỏ như trước đây.
Nếu cần đưa ra ví dụ cho hiệu quả mà tái chế mang lại, tại Khu liên hợp xử lý chất rải rắn Nam Bình Dương, Biwase cho biết đã đầu tư xây dựng nhà máy tuần hoàn, sản xuất phân hữu cơ, đốt rác thành điện, tro sau quá trình đốt rác được tái chế để sản xuất gạch.
Công suất tiếp nhận phân loại rác làm phân hữu cơ là 840 tấn/ngày và lò đốt rác có kết hợp phát điện công suất đốt 200 tấn/ngày, công suất phát điện là 5MW. Khi vào giai đoạn 4, tổng công suất khu liên hợp xử lý rác thải sẽ vượt qua khối lượng rác thải thực tế đưa về nhà máy hiện nay. Như vậy, Biwase đã và sẽ tiếp tục đảm bảo xử lý toàn bộ rác thải và đang đầu tư dư công suất trong những năm tiếp theo, nếu lượng rác thải tiếp tục tăng lên.
Chia sẻ với PV Dân Việt, Tổng giám đốc phát triển thị trường tại Đông Nam Á, Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, đến thời điểm hiện tại, Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã đi vào vận hành giai đoạn 1 và 2 gồm 3 lò đốt công suất đốt 2.400 tấn rác/ngày, công suất tiếp nhận 3.000 tấn/ngày, 2 tổ máy với công suất phát điện khoảng 50 MW.
Tính đến cuối năm 2023, tổng khối lượng rác thải được nhà máy tiếp nhận, xử lý đạt trên 1 triệu tấn. Lượng điện phát ra trong năm là 424.800MWh. Từ tháng 1/2024 nhà máy sẽ tiếp nhận 5.000 tấn/ ngày, xấp xỉ khoảng 60% khối lượng rác thải xả ra trên toàn thành phố.
Còn nhiều dư địa
Trao đổi với PV Dân Việt, ĐBQH Nguyễn Quang Huân - Uỷ viên Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội nhận định, số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là 60.000 tấn/ngày. Trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Chỉ riêng 2 thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh được dự báo sẽ tăng thêm từ 10 -16%/năm.
Con số khoảng 71% tổng lượng chất thải vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp là đáng lo ngại. Bởi tình trạng quá tải đã xảy ra kéo theo hệ lụy về đời sống người dân, an ninh trật tự. Ngoài ra, tình trạng xử lý thủ công bằng phương pháp đốt diễn ra rải rác trên nhiều địa phương, ở cả các bãi trung chuyển bởi chất thải không được vận chuyển đúng thời gian.
"Chưa kể lượng rác tồn lại tại nhà máy xử lý còn khoảng 17%, phát sinh 5% tro bay. Như vậy có đến 22% tỉ lệ rác thải không xử lý được. Về lâu dài có thể coi là thất bại. Nếu không thể xử lý sớm, chúng ta đang biến từ ô nhiễm đất thành ô nhiễm ô nhiễm không khí. Chính vì vậy, cần thêm nhiều giải pháp công nghệ tái chế với nguyên liệu riêng biệt, phục vụ cho nhu cầu khác nhau", ĐBQH Nguyễn Quang Huân nói.
Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho rằng đôi khi các báo cáo từ nhà máy chưa đúng với thực tế, và còn khối lượng dôi dư chưa xử lý hết. Như vậy, nguồn nguyên liệu tái chế còn rất nhiều, nên thay vì chỉ chạy theo một xu hướng. Ví dụ như đốt rác phát điện, đâu đâu cũng đốt rác phát điện, cần thêm những mô hình khác như tái chế vật liệu xây dựng, thủy tinh, biogas hữu cơ.
Trên thế giới, việc quản lý tổng hợp chất thải, đặc biệt là chất thải rắn đang phát triển mạnh mẽ. Chia sẻ với PV Dân Việt, Thạc sỹ Thái Dũng Linh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH TDL Solutions; Đối tác Chiến lược Hiệp hội Doanh nghiệp Vương quốc Bỉ tại Việt Nam cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2022, thị trường tái chế toàn cầu có giá trị khoảng 2,2 nghìn tỷ USD. Thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới, do nhu cầu về tái chế ngày càng tăng cao.
Do đó, thị trường tái chế được đánh giá có dư địa lớn về phát triển kinh tế xanh, đóng góp vào mục tiêu Net Zero. Điều này là do tái chế có thể mang lại nhiều lợi ích, bao gồm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên qua việc giảm nhu cầu khai thác tài nguyên thiên nhiên mới, tạo ra việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi tạo ra những sản phẩm mới có giá trị..
Giải pháp nào biến rác thải thành "gia tài"
Thạc sỹ Thái Dũng Linh cho rằng phân loại rác tại nguồn là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả tái chế. Việc phân loại rác giúp các nhà máy xử lý rác thải dễ dàng hơn trong việc phân loại và xử lý rác thải, từ đó nâng cao hiệu quả tái chế. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2022, tỷ lệ phân loại rác tại nguồn của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 15%.
Tỷ lệ phân loại đang có xu hướng tăng lên do các chính sách khuyến khích tái chế của Chính phủ, đồng thời do nhu cầu sử dụng nguyên liệu tái chế ngày càng tăng. Để bắt kịp "cuộc chơi", các doanh nghiệp ngoài ngành cũng phải chủ động tham gia thúc đẩy phân loại rác tại nguồn bằng từ nhiều phương diện. Có thể kể đến như, đổi thiết kế sản phẩm để giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, có khả năng tái chế; Tăng cường thu gom rác tái chế, đảm bảo rằng rác tái chế được thu gom đúng cách và được đưa đến các nhà máy tái chế. Bởi chỉ số tái chế rác thải là một trong những tiêu chí trong chuỗi chỉ số năng lực cạnh tranh, điều mà nhiều nguồn vốn FDI đang rất quan tâm và khắt khe khi lựa chọn quốc gia đầu tư.
Tương tự, ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho biết, khi không được phân loại, rác thải sinh hoạt của Việt Nam đưa vào nhà máy xử lý thường có nhiệt trị rất thấp, độ ẩm cao, nên lượng điện tạo ra trong quá trình sinh nhiệt sẽ bị ảnh hưởng, hiệu quả kinh tế vì thế không cao so với chi phí đầu tư.
"Nhưng cần phân loại hay không? Tôi cho rằng nên dựa trên đặc thù khối lượng rác ở từng địa phương để trả lời câu hỏi này. Như ở đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng.. giải pháp phân loại tại nguồn sẽ rất phức tạp. Như mỗi hộ gia đình thêm 2 thùng phân loại, vận chuyển thì phải có phương tiện, bổ sung hạ tầng.. tạo phát sinh chi phí lớn và khó đáp ứng. Vì vậy giải pháp áp dụng công nghệ nên được ưu tiên hơn", ĐBQH Nguyễn Quang Huân chia sẻ.
ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho rằng tại những địa phương có khối lượng rác thải mỗi ngày dưới 500 tấn, thiên về sản xuất nông nghiệp thì nên đẩy mạnh tái chế tại cơ sở hoặc hộ gia đình. Việc này sẽ giúp vừa giảm khối lượng thu gom, trong khi người dân tận dụng được nguồn phân bón tuần hoàn.
Đồng thời, ĐBQH Nguyễn Quang Huân nêu ví dụ tại nhiều nước chưa tổ chức tốt việc phân loại tại nguồn, nhưng đang sử dụng hệ thống phân loại đa tầng, áp dụng cùng lúc phương pháp thổi quạt, nam châm hút.. ngay tại nhà máy để tách nguyên liệu đưa về các quy trình tái chế khác nhau và sản sinh hàng trăm ngàn sản phẩm tái tạo ra thị trường.
Biến nguy cơ thành tiềm năng hút nhà đầu tư Châu Âu
Thạc sỹ Thái Dũng Linh cho biết, đầu tư xanh là một xu hướng đầu tư đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên thế giới, trong đó có châu Âu. Xu hướng này phản ánh cam kết của các nhà đầu tư châu Âu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động đầu tư đối với môi trường.
Theo báo cáo của Hiệp hội Đầu tư châu Âu (EVCA), trong năm 2022, các nhà đầu tư châu Âu đã đầu tư 683 tỷ euro vào các dự án xanh, tăng 11% so với năm 2021. Các lĩnh vực đầu tư xanh được quan tâm nhất bao gồm: năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, giao thông vận tải xanh, và quản lý chất thải. Tỷ lệ đầu tư yếu tố thúc đẩy xu hướng xanh của các nhà đầu tư châu Âu cũng sẽ tăng lên theo nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Cũng như các cam kết của nhà đầu tư châu Âu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu tác động của hoạt động đầu tư đối với môi trường.
Trong khi đó, Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Kéo theo những thách thức về môi trường, như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước...
"Điều này vô tình biến Việt Nam thành thị trường có tiềm năng lớn, cần thiết có thêm nhiều dự án đầu tư xanh. Tại một số lĩnh vực bao gồm năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, giao thông xanh, quản lý chất thải.. và có sự thu hút nhất định với các nhà đầu tư Châu Âu", Thạc sỹ Thái Dũng Linh nói.
Việc thu hút các nhà đầu tư châu Âu sẽ góp phần thúc đẩy phát triển các dự án đầu tư xanh tại Việt Nam, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tuy vậy, để lọt vào "mắt xanh" của các nhà đầu tư khó tính doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo đó, Thạc sỹ Thái Dũng Linh nêu quan điểm, doanh nghiệp Việt Nam cần chứng minh được khả năng thực hiện các dự án đầu tư xanh, bao gồm khả năng tiếp cận nguồn vốn, khả năng quản lý dự án, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, quản trị.
Cụ thể, hợp tác với các doanh nghiệp châu Âu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và các cơ hội đầu tư từ châu Âu. Hợp tác song phương còn giúp doanh nghiệp Việt có thêm lợi thế cạnh tranh đối với cả thị trường Việt Nam và thị trường quốc gia đối tác nói riêng, châu Âu nói chung. Về nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đây là việc buộc phải làm, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư châu Âu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.