Biến vườn tạp thành vườn mẫu trồng bưởi da xanh, nông thôn mới ở một xã của Quảng Bình đẹp hẳn
Biến vườn tạp thành vườn mẫu trồng bưởi da xanh, nông thôn mới ở một xã của Quảng Bình đẹp hẳn lên
Trần Anh
Thứ hai, ngày 21/11/2022 05:07 AM (GMT+7)
Những năm qua, chính quyền xã miền núi Hoá Hợp (huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình) đã hỗ trợ người dân triển khai mô hình cải tạo vườn tạp để trồng bưởi da xanh và bất ngờ thắng lớn. Vườn mẫu đẹp như phim giúp nông dân có việc làm, tăng thu nhập, làm giàu, nông thôn mới thêm sức sống.
Xã miền núi Hoá Hợp (huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình) về đích nông thôn mới năm 2019, tuy nhiên, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế đó, những năm gần đây, chính quyền địa phương đã nỗ lực trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân giảm nghèo, nâng cao đời sống. Trong đó, trồng bưởi là một trong những hướng phát triển kinh tế mới, đem lại hiệu quả rõ rệt.
Clip: Người dân xã Hóa Hợp (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi cho thu nhập cao.
Gia đình anh Đinh Thanh Tâm là một trong những hộ tiên phong trồng bưởi Da xanh tại xã Hóa Hợp, trò chuyện với PV, ông Tâm cho biết: "Gia đình tôi có diện tích đất vườn tương đối rộng nhưng trước đây chỉ dùng vào việc trồng các loại ngô, lạc, chuối, mít, keo tràm... hiệu quả kinh tế thu về không đáng kể".
Theo ông Tâm, năm 2017, UBND xã Hóa Hợp hỗ trợ, phát động các hộ dân trên địa bàn đẩy mạnh cải tạo vườn tạp để trồng bưởi da xanh, ông Tâm đã đăng ký tham gia.
Đến nay, gia đình ông trồng được 240 gốc bưởi da xanh trên tổng diện tích khoảng 3.500m2, trong đó có 40 cây bưởi cho thu hoạch năm thứ 2.
Còn gia đình bà Đinh Thị Ninh (ở thôn Tân Thuận, xã Hoá Hợp, huyện Minh Hoá) cho hay: "Ngay khi chính quyền địa phương phát động người dân cải tạo vườn tạp sang trồng bưởi là gia đình tôi hưởng ứng triển khai. Sau 3 năm thực hiện, đến nay gia đình trồng được 600 gốc bưởi da xanh, vụ vừa qua cho thu hoạch 400 quả, giúp gia đình lãi 8 triệu đồng".
Theo bà Ninh, cây bưởi rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nên sinh trưởng, phát triển tốt và cho quả nhanh, mang lại giá trị hàng hóa, thu nhập cao cho người dân, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.
"So với mức thu nhập của người dân miền núi Minh Hoá (Quảng Bình), cây bưởi mang lại nguồn thu nhập cao, gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Rất nhiều khách hàng khi mua bưởi của gia đình tôi về ăn, đều nhận xét chất lượng bưởi ngon, ngọt, múi dày mọng nước và có mùi thơm không thua kém gì bưởi da xanh bày bán tại các siêu thị...", bà Ninh nói.
"Nâng tầm" nông thôn mới từ những vườn mẫu
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Quyết - Chủ tịch UBND xã Hoá Hợp (huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Chứt theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2017, từ nguồn kinh phí của UBND huyện Minh Hóa phân bổ là 2,1 tỷ đồng, xã Hóa Hợp thành lập 7 tổ hợp tác trồng bưởi da xanh với 59 thành viên tham gia. Mức hỗ trợ mỗi mô hình từ 20 - 34 triệu đồng và mỗi tổ hợp tác không quá 300 triệu đồng.
Đến nay, bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, UBND xã Hóa Hợp đã thực hiện hỗ trợ cho 169 hộ với tổng diện tích 19,24ha để trồng 9.260 cây bưởi Da xanh.
Ngoài ra, địa phương còn có một số hộ gia đình tự bỏ kinh phí để trồng thêm giống cây bưởi Da xanh, bưởi Phúc Trạch với diện tích trên 0,5ha.
Nhằm giúp các hộ trồng bưởi trên địa bàn thực hiện có hiệu quả, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi Da xanh, bưởi Phúc Trạch.
Đặc biệt, hỗ trợ bà con về mua cây giống, đây là khâu rất quan trọng, đa phần cây giống trên địa bàn lấy từ Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vân Anh và đều đảm bảo chất lượng, cây sinh trưởng phát triển tốt.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn bố trí cán bộ phụ trách nông lâm xã thường xuyên về tận cơ sở để giúp đỡ người dân cách trồng, chăm sóc bưởi.
Thời gian tới, xã Hóa Hợp sẽ chú trọng xây dựng sản phẩm bưởi thành chuỗi hàng hóa có thương hiệu để được công nhận VietGAP; tạo liên kết sản xuất giữa người trồng với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nhằm giải quyết việc làm tại chỗ và đầu ra của sản phẩm cho bà con nhân dân.
Đặc biệt, xã tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng bưởi mới trên địa bàn, từng bước xây dựng các vườn bưởi thành vườn mẫu để "nâng tầm" nông thôn mới ...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.