Biệt thự nhà quan

Quốc Phong Thứ hai, ngày 21/05/2018 06:27 AM (GMT+7)
Chúng ta không phải không khuyến khích cán bộ có nhà cao cửa rộng. Một đất nước, nếu muốn nói đời sống đã được nâng cao thì đương nhiên nhà nhà cũng phải được nâng lên, không thể úi xùi mãi được. Song biệt thự nhà quan có được phải là từ nguồn nào, từ đâu mà có được? Tất cả đều cần được bạch hoá!
Bình luận 0

Chuyện nhà cửa của quan chức là cả câu chuyện dài với không ít việc bất hợp lý, “cười ra nước mắt”.

Có một chuyện có thật, tôi được nghe trực tiếp từ một vị cấp bộ trưởng của  nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13 kể rằng, khi bên các cơ quan Đảng có kế hoạch trình dự án xin Hà Nội cấp đất (chia lô) cho cán bộ cấp trưởng phó ban của Đảng trở lên gửi đến chính quyền Hà Nội, đề nghị tạo điều kiện giới thiệu khu đất thì bên các cơ quan Chính phủ cũng định đề xuất tương tự. Thế nhưng Thủ tướng nhiệm kỳ đó đã gạt đi rồi nói đại ý rằng không nên. Lý do thì theo ông là do bên Đảng các đồng chí đó họ có khó khăn hơn bên Chính phủ, vì thế để cho bên cơ quan Đảng làm...

Nếu nói như thế thì không lẽ những ai làm công tác bên chính quyền "là những người có điều kiện" hơn hay sao? Điều này thật khó nói và qua đó có gì đó không ổn về cách nhìn nhận một vấn đề khá nhạy cảm.

img

Căn biệt thự tại tỉnh Bên Tre được cho là một phần trong khối tài sản của cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền từng gây xôn xao dư luận (Ảnh IT)

Chúng ta đã xoá bao cấp về chế độ nhà ở cho cán bộ nhưng thi thoảng vẫn có những đợt phân phối nhà, đất theo giá rẻ cho cán bộ cấp cao để ở hoặc tự xây và có trách nhiệm trả tiền sử dụng đất cho nhà nước theo khung giá đã được địa phương điều chỉnh và phê duyệt thường niên. Nôm na là giá này khá mềm so với giá thị trường. Nhờ vậy, chỉ cần được mua rẻ khoảng 200m2 đất trở lên, người ta đã có khoản chênh lệch giá cả chục tỷ đồng. Về lý, đó cũng là tài sản đã được công khai và minh bạch ít nhiều . 

Có điều, chính sách này không ổn định, không nhất quán, có nhiệm kỳ thì thực hiện và có nhiệm kỳ lại không thực hiện. Rồi thì có khi chỉ thực hiện ở một khối Đảng/Chính quyền nhất định. Điều này dẫn đến những tâm tư không đáng nảy sinh trong nội bộ các cấp lãnh đạo. Đó là chưa nói quỹ đất rồi cũng có lúc sẽ hết thì tính sao đây?

Ngay như cùng cấp cao, cùng là thế hệ cán bộ tiền khởi nghĩa, thậm chí là lớp lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước cũng vậy. Có người thì được thanh lý biệt thự cũ, người thì ra khu đô thị mới hoặc ra khu chung cư thuộc Ban Tài chính quản trị trung ương quản. Nói chung là thiếu nhất quán, nảy sinh tâm tư thắc mắc.

Rồi trong đối tượng được thanh lý biệt thự, có gia đình còn đòi tiêu chuẩn "thêm" do vận dụng tiêu chuẩn khi thấy bản thân mình, tuy là cấp hàm thứ trưởng mà tại sao mình không được hưởng. Biệt thự mà gia đình bà đang ở, đó mới là tiêu chuẩn của chồng mình...

Nhiều chuyện rất tế nhị kiểu như thế đã xảy ra. Nó làm khổ các cơ quan có trách nhiệm phải đi giải thích với giới truyền thông mà bản thân tôi khi còn công tác cũng đã được phổ biến để định hướng tuyên truyền cho công bằng kẻo dư luận "bất bình" khi thấy tại sao Đảng, Nhà nước lại "đối xử bất công" như thế? Thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Tôi cũng từng biết một chuyện còn tệ hại hơn thế nhiều. Có vị lãnh đạo yêu cầu có nhà công vụ để tiện cho công tác bảo vệ vì ông phụ trách lĩnh vực nhạy cảm. Thế nhưng sau khi nghỉ công tác, tuy ông cũng đã về nhà cũ và chủ yếu ở quê hương nhưng vẫn giữ rịt đến cả một nhiệm kỳ, cứ để vườn không nhà trống mà không chịu trả ngay để người khác mới bổ nhiệm vào ở thì thật đáng buồn...

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lãnh đạo nào cũng đều có và không phải là ai cũng nhận tiêu chuẩn biệt thự. Nhiều vị lãnh đạo khi về nghỉ chế độ vẫn không hề nhận sự đãi ngộ này. Họ trở về nơi ở cũ trước khi lên nhậm chức ở trung ương.

Ví dụ như nguyên Bí thư trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Kiên, một cán bộ lão thành sống một đời thanh bạch, nổi tiếng thanh liêm. Khi về, ông trả lại biệt thự ở khu Trung Tự, Thủ đô Hà Nội rồi dọn đồ đạc gọn gàng trên một chiếc xe tải, đến mức hàng xóm thấy xe rỗng vì chẳng có gì đáng giá ngoài một chiếc ti vi và bộ bàn ghế rẻ tiền cũ kỹ để về sống tại Quảng Ngãi quê ông. Bộ chính trị, Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo địa phương xây nhà cho ông ở, ông cũng từ chối, dứt khoát không chịu...

Ví dụ như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gần đây cũng vậy. Ông nghỉ công tác là chuyển ngay về nơi ở cũ tại TP.HCM, đúng tại ngôi nhà cũ rộng hơn năm chục mét vuông mà ông từng sống khi còn làm bí thư huyện uỷ Bình Chánh.

Tôi nghĩ, trong xã hội cũng không phải ít những trường hợp cán bộ trả nhà về sống nơi chốn xưa như thế mà mình không nắm chắc nên không viết ra mà thôi.

Cuộc sống đạm bạc, thanh liêm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các bậc tiền bối như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và nhiều bậc "khai quốc công thần" khác đã cho thấy điều đó. Nhân cách sống đó chính là được khởi nguồn từ những nhà văn hoá lớn của đất nước.

Lúc mất đột ngột vì tai nạn ngã cầu thang tại nhà công vụ vào tháng 9.1988, gia đình ông Trường Chinh, nguyên Tổng bí thư Đảng ta trong nhiều giai đoạn cách mạng khác nhau đã lục tìm trong ngăn kéo bàn làm việc của ông thì thấy có một cuốn sổ tiết kiệm có khoảng 3 ngàn đồng. Để dễ hình dung, tôi xin lấy ví dụ để so sánh cho dễ hiểu, nó tương đương khoảng gần 8 tháng lương của một sỹ quan cấp bậc đại uý ngày đó của tôi (390 đồng ). Đây là số tiền tiết kiệm do ông viết các cuốn sách và được các nhà xuất bản trả nhuận bút như biết bao tác giả khác. Ông cũng đã trích từ khoản này trả thù lao cho vị thư kí riêng của mình và những người giúp ông ra cuốn sách cũng như đã phụ giúp phu nhân ông chi tiêu trong gia đình. Và đến lúc ông đi xa thì còn khoản tiền như thế. Ngoài ra, ông không còn khoản tiền gì khác.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng vậy. Ông là người có 32 năm đảm đương cương vị Thủ tướng nước nhà, thế mà ngày ông chuẩn bị đám cưới cho con trai ông là anh Phạm Sơn Dương, ông đã tâm sự với anh Trần Hà, người từng làm vụ trưởng vụ Tổng hợp Văn phòng Chính phủ suốt 20 năm rằng ông thấy buồn cười vì hoá ra trong nhà, muốn có chiếc nhẫn vàng độ 2 chỉ để tặng con dâu mà không có nổi. Chuyện này chính anh Trần Hà đã kể trực tiếp cho anh em chúng tôi nghe khi đến nhà thăm ông. Thật là cảm động đến trào nước mắt!

Báo chí từng đưa hồi cuối năm ngoái rằng: Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2017 số người đã kê khai tài sản, thu nhập và công khai đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Trong đó có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Con số này đã phản ánh sự tích cực hơn trong kê khai tài sản so với những năm trước đó. Nhưng nếu cứ nhìn vào thực tế thì chưa thể nói là một giải pháp hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng. Lý do, nó vẫn có gì đó rất hình thức. Nghe thì có vẻ minh bạch đấy nhưng thực tế, cũng chưa đủ nói lên điều gì.

img

Khu "biệt phủ" của ông Phạm Sỹ Quý khi làm Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái cũng từng khiến dư luận bất bình vì lý giải nguồn tiền do "buôn chổi đót", vay mượn mà có được (Ảnh Zing)

Một ông quan cấp sở như giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái có lẽ là một ví dụ điển hình gần đây nhất. Tuy chỉ là "quan" ở cái cấp như vậy nhưng có cả một biệt phủ hoành tráng. Đến khi bị thanh tra vào cuộc thì xem ra cũng tắc tị về đường hướng xử lý. Chỉ có thể phạt lấy lệ dăm trăm triệu vì vi phạm đất nọ chuyển sang đất kia chứ đâu có thể thu hồi nổi dù sự giải trình của vị "quan" nọ rất khó xuôi tai. Nào là nhờ công lao động chăm chỉ đi bán chổi đót mà kiếm được, do vay mượn để xây ...

Chúng ta không phải không khuyến khích cán bộ có nhà cao cửa rộng. Một đất nước, nếu muốn nói là đời sống đã được nâng cao thì đương nhiên nhà nhà cũng phải được nâng cao, không thể úi xùi mãi như trước kia được. Song phải là nguồn nào, từ đâu mà có được? Tất cả đều cần được bạch hoá! Như vậy, cái gốc rễ của vấn đề không chỉ truy đến cùng nguồn gốc hay đánh thuế tài sản bất minh như mới đây chúng ta đưa ra đề xuất mà phải làm thế nào không để phát sinh tài sản bất minh, tài sản tham nhũng của quan chức. Nghĩa là chúng ta phải kiểm soát cho được quyền lực, chống lại sự tha hoá từ quyền lực từ nguồn thu nhập của quan chức. Ai cũng hiểu, quyền lực dễ “đẻ” ra tài sản bất minh, đẻ ra tham nhũng.

Giám sát của toàn xã hội  (cơ quan làm việc cùng tổ dân phố nơi gia đình cán bộ nọ sinh sống) cộng thêm nhiều biện pháp nghiệp vụ trong thanh,  kiểm tra, như thực tế nộp thuế của họ và gia đình họ ra sao (nếu như kinh doanh) của các cơ quan có trách nhiệm? Nếu như chúng ta cùng làm hết sức mình, tôi tin rằng trong xã hội cũng sẽ giảm bớt được những cán bộ có chức có quyền ngông nghênh xài tiền không từ lao động nghiêm túc mà có. Từ đó, sẽ minh bạch được tài sản của họ hơn bây giờ nhiều, rất nhiều!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem