Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều "đáng tiếc và thiệt thòi"

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 09/01/2024 09:19 AM (GMT+7)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khoe với các nhà khoa học quốc tế, từ khi ông đến Bình Định, thì ít nhất, ông có nói với 5 tỉnh, thành phố trên cả nước rằng: "Bình Định có một trung tâm khám phá khoa học như vậy. Nhưng các nơi lại không có, thật là điều đáng tiếc và thiệt thòi, cho người dân".
Bình luận 0

Nói lời chia xa Bình Định, ông Chủ tịch tỉnh rơi nước mắt

Ngẫm về Bình Định, tôi nghĩ ngay đến cụm từ "thương dân, trọng dân", bươn chải thoát khỏi gian khó, là trăn trở đau đáu của nhiều thế hệ. Những công bộc có khát vọng phụng sự, dám dấn thân vì hạnh phúc của dân, kiên định, gan góc, luôn giữ chữ tín và đúng kỷ luật.

Hầu hết lãnh đạo chủ chốt của Bình Định bây giờ, vốn có gốc gác nông thôn, sinh ra ở các làng quê nghèo, lam lũ tại 'xứ cát' Phù Cát, Phù Mỹ hay 'xứ dừa' Hoài Nhơn.

Vì xuất thân cơ cực, lãnh đạo phải là người hiểu rõ nhất, nỗi khổ của dân. Từ khát vọng phụng sự của lãnh đạo, cộng với đồng lòng thoát nghèo trong dân, mới biến điều không thể, thành có thể.

Lãnh đạo gặp dân, được tay bắt mặt mừng, chào hỏi bằng nụ cười, đấy là sự hãnh diện thiêng liêng. Còn nếu gặp dân mà họ buồn bực, phàn nàn thì cần nhắc nhở, soi xét lại mình.

Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều "đáng tiếc và thiệt thòi"- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh ân cần thăm hỏi sức khoẻ, trao thiếp mừng thọ cho cụ Nguyễn Thị Hường (SN 1933) ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát.

Khi tôi "lạm bàn" về trách nhiệm của lãnh đạo với dân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh nói rằng, nhiều thế hệ lãnh đạo Bình Định vẫn luôn đau đáu, vất vả nghĩ cách để tỉnh tự chủ ngân sách, phát triển vươn lên top đầu miền Trung.

Cao cả hơn, chăm lo cho người nghèo, bà con có công ăn việc làm, bớt tha phương cầu thực. Sống no ấm, hạnh phúc, thanh bình trên chính mảnh đất quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn.

Lãnh đạo đau xót, nhìn cảnh bà con tay xách, nách mang ở bến xe, bến tàu, bịn rịn chia xa, rời quê xuôi Nam, ngược Bắc tha phương cầu thực, khi chỉ vừa xong 3 hôm Tết.

Từ đó, Bình Định tạo ra nhiều Khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị, xây dựng điện đường trường trạm, cơ sở hạ tầng hiện đại, thu hút đầu tư, giải quyết công ăn việc làm, lo cho dân.

Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều "đáng tiếc và thiệt thòi"- Ảnh 2.

Lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bình Định qua nhiều thế hệ, với khát vọng phụng sự nhân dân, hướng đến sự hạnh phúc của người dân.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng tâm sự: "Ít ai dám nghĩ, quy mô kinh tế của Bình Định đang lọt vào top 5 trong 14 tỉnh miền Trung và duyên hải Nam Trung bộ. Kỳ tích tự hào, vun vắn từ mồ hôi, công sức của rất nhiều thế hệ".

Không sai, Bình Định đi lên từ khó nhọc, từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, lòng dân "không yên" vì cái nghèo đeo bám, ngân sách không thu được, thiếu thốn trăm bề.

Nhưng, đã vững bước trước thăng trầm, bằng chính nội lực, cố gắng không ngừng nghỉ, đúng với cốt cách quyết đoán, tự lực, tự cường của người Bình Định.

Ngoài yếu tố hạ tầng, cơ chế thông thoáng, môi trường thanh bình, không có "sóng gió" chính trị, thì tâm và tầm của lãnh đạo, đã tạo nên khác biệt tích cực, khi nhắc về Bình Định.

Càng vui hơn, khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tương lai Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, trung tâm lớn của cả nước về kinh tế biển, trọng điểm du lịch.

Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều "đáng tiếc và thiệt thòi"- Ảnh 3.

Mùa lũ lớn năm 2021, người cha đang bồng con thoát khỏi dòng lũ chảy xiết tại xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, nhanh chóng bế cháu bé lên ca nô đưa đến nơi an toàn.

Nghĩ về chính khách nghĩa tình với Bình Định, tôi chợt nhớ đến hình ảnh ông Nguyễn Phi Long - Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình, bỗng dưng rơi nước mắt, khi đang phát biểu ở hội trường lớn, đông người, trong những ngày chờ hoàn tất bàn giao công việc tại Bình Định, nhận công tác ở Hoà Bình.

Đây là khoảnh khắc hiếm gặp, khác với sự mạnh mẽ, rắn rỏi thường thấy ở người lãnh đạo.

Một số cộng sự, bạn bè thân của ông Long kể lại rằng, khi nhắc đến kỷ niệm về Bình Định, ông thường rất dễ xúc động.

Rơi lệ giây phút chia tay, tôi không nghĩ là sự yếu đuối của chính trị gia, càng không phải giọt nước mắt giả tạo, mà chính là cảm giác thật về "sự biết ơn, món nợ ân tình, dự định dang dở và nhớ thương về Bình Định".

Ông Long có 4 năm 7 tháng công tác tại Bình Định, kinh qua nhiều vị trí quan trọng Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND tỉnh.

Xa vợ con, ông nhậm chức khi Bình Định ở giai đoạn cam go, bởi dịch Covid-19 rồi bão lũ vồ vập kéo đến, nó làm người dân có lúc, tưởng chừng "nghẹt thở".

Bất kể ngày nghỉ, ông Long đều xuống dân. Chiếc áo sơ mi đẫm mồ hôi, vết khẩu trang in hằn khuôn mặt, lãnh đạo này tất tật ra sân bay vào đêm muộn, lo đón bà con về quê chu toàn. Đến tận nơi các ổ dịch bị phong toả, rồi bồn chồn, thấp thỏm dời dân, khi bão lũ ập đến.

"Cán bộ nhàn hạ, dân khổ, cán bộ vất vả, dân được nhờ", ông Long tự nhắc mình.

Tôi tin, vị Bí thư 48 tuổi - quê Yên Bái, sẽ luôn trân quý ơn nghĩa, ân tình, điều tử tế mà Bình Định đối đãi với riêng ông và người Bình Định, cũng nhớ về ông với ký ức chân thành.

Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều "đáng tiếc và thiệt thòi"- Ảnh 4.

"Cung đường ven biển nghìn tỷ" khát khao, ước vọng của người Bình Định, đang dần hình thành.

Người kế nhiệm ông Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn có học vị tiến sĩ Tài chính ngân hàng, rời ghế Thứ trưởng Bộ TTTT về nhậm chức tháng 9/2022.

Ông Tuấn mong được xem là người con của Bình Định và hứa rằng, sẽ luôn cầu thị, lắng nghe, cùng góp sức xây dựng tỉnh, phát triển thuộc top đầu miền Trung.

Được đánh giá là "người quyết liệt, có tầm nhìn, tư duy đổi mới, sáng tạo", từ ngày nhậm chức, ông Tuấn xoắn tay ngay vào công việc điều hành, với những đột phá rất mới, đòi hỏi hiệu quả.

Điểm nhấn, dần chuyển tư duy từ chính quyền "quản lý sang phục vụ", giao chỉ tiêu xuyên suốt từ cấp tỉnh về tận xã, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, đạo đức công vụ, quan tâm môi trường sống và đầu tư…

Lần đầu, tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cả nghìn cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách tận cấp xã, thôn, khu phố.

Đây là cấp gần dân nhất nên cần kỹ năng, kinh nghiệm để "nghe dân, giúp dân và làm dân hài lòng".

Đứng lớp là các Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, người có chuyên môn về quản lý, lãnh đạo. Tất nhiên, ông Chủ tịch tỉnh cũng có mặt, trao đổi tâm tư, gửi gắm thông điệp vì dân phục vụ.

Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều "đáng tiếc và thiệt thòi"- Ảnh 5.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ, Chánh văn phòng Tỉnh uỷ Nguyễn Trung Kiên, tham dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại làng Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh.

Chính vì cái mới, cái khó và đòi hỏi tiến độ, khối lượng công việc của cán bộ, công chức ở Bình Định, rất nặng nề, áp lực. Ban đầu, một bộ phận nhỏ xuất hiện sóng ngầm, tâm lý "than thở, nao núng".

Nhiều cơ quan có lúc phải họp, chỉ đạo công việc đến đêm, quá giờ làm. Có thời điểm cán bộ tất bật vì việc chung, mà tạm bỏ dở việc riêng tư lo gia đình, lỡ hẹn đón con, nhờ người đón hộ.

Minh chứng cho sự hy sinh và đồng lòng, UBND tỉnh Bình Định đã hoàn thành đúng hạn 100% nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao. Hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,9%, điểm luỹ kế chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của Bình Định, đứng đầu cả nước.

Còn về "thước đo" uy tín của lãnh đạo, lấy phiếu tín nhiệm HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, cùng cấp phó - ông Nguyễn Tuấn Thanh, đều thuộc tóp đầu những cán bộ có tín nhiệm cao, không có tín nhiệm thấp.

Nhưng, 1 năm là thời gian quá sớm để nói về công lao, dấu ấn thực sự của ông Phạm Anh Tuấn, ít nhất cũng phải chờ hết nhiệm kỳ.

Và tôi tin, ông sẽ là lãnh đạo "nói được, làm được, dám dấn thân, dám chịu trách nhiệm vì Bình Định - nơi mà ông xem là nhà".

Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều "đáng tiếc và thiệt thòi"- Ảnh 6.

Đến Quy Nhơn, du khách không chỉ "ăn, chơi, ngủ" mà còn trải nghiệm khoa học tri thức, hưởng thụ giá trị cuộc sống "thanh bình, nhẹ nhàng, thư thái và hạnh phúc".

"Chức vụ, quyền lực là cái đã qua, như cởi chiếc áo đẹp thay vào chiếc áo mới, để tiếp tục cống hiến"

Tâm thế nhẹ nhàng, ông Nguyễn Tấn Hiểu rời ghế Phó Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định và quyết định tiếp tục dấn thân, gác lại thú vui điền viên tuổi già, để đến với người nghèo.

Bước sang tuổi 78, ngót nghét 10 năm làm Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định, thời đương chức là lãnh đạo sâu sát, lăn lộn trong dân nên ông thấu hiểu, nỗi khổ người nghèo.

Bảo trợ bệnh nhân nghèo là công việc vất vả, lấy đi sức khoẻ, thời gian nhưng nhìn những mảnh đời được tiếp sức vượt qua bệnh tật, khốn khó, ông Hiểu tự cảm nhận sự hy sinh ấy, xứng đáng vô cùng.

Chưa bao giờ mệt mỏi, ông chờ đợi hàng giờ chỉ để gặp được nhà hảo tâm. Đưa họ đi nghiệm thu hồ bơi, nhà tình nghĩa đến xuyên trưa, tạm quên cả bữa ăn, với sự chu đáo, vẹn toàn.

Thành lập năm 2014 và đến nay có gần 1.900 hội viên, nhưng con số đóng góp của Hội, khiến nhiều người không khỏi trầm trồ. Chỉ riêng năm 2023, tổng giá trị kêu gọi hỗ trợ người nghèo, gần 90 tỷ đồng.

Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều "đáng tiếc và thiệt thòi"- Ảnh 7.

Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định Nguyễn Tấn Hiểu gác lại thú vui điền viên tuổi già, dấn thân vì người nghèo.

Ông Hiểu kể, ngày 7/6/2016, ông rất lo lắng khi nhận được lời cầu cứu từ cháu Phạm Thanh Tùng (8 tuổi, ở phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn), có người cha bị mù, phải mổ thận nhưng không có tiền.

Cậu bé diễn tả, nhà mình phải đi ngoằn ngoèo, nằm sâu trên hốc núi. Nghe tin, ông Hiểu kêu gọi tặng tiền lần thứ nhất nhưng vẫn bị thiếu. Lần sau, ông đến tận nơi, lại tặng tiền và căn dặn: "Mong cháu mổ thành công, để đến trường như cháu ao ước".

Chỉ nửa tháng sau, nhấc máy từ số điện loại lạ, ông Hiểu vỡ oà cảm xúc, khi nghe giọng nói của cậu bé mình giúp đỡ.

"Ông ơi ông, nhờ số tiền ông giúp, con đã mổ và khỏe lại rồi. Con xin cảm ơn ông, nhiều nha", Tùng nghẹn ngào biết ơn, còn khoé mắt ông Hiểu cay cay, thương cậu bé hiếu thảo, hiểu chuyện.

Ông Hiểu nói rằng, Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng nhận lời làm Chủ tịch danh dự của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, chỉ vì cái tâm luôn đau đáu, trăn trở với người nghèo, đối tượng yếu thế, mà bệnh nhân nghèo lại thuộc diện "kiệt quệ, đáng thương nhất".

Tết đến, dù bận việc đến đâu, ông Dũng cũng ưu tiên dành thời gian vào viện, cẩn trọng đến tận giường bệnh, thăm hỏi từng bệnh nhân, không thể về nhà đón Tết.

Chính hình ảnh ông Bí thư luôn có tâm tư lặng lẽ, tận tâm nghĩ đến người nghèo, không vì đánh bóng tên tuổi, đã lan toả tình nhân ái rất lớn.

Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều "đáng tiếc và thiệt thòi"- Ảnh 8.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng thăm hỏi các bệnh nhân nhi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tại Bệnh viện đa khoa Bình Định.

Tôi nhớ, lúc còn là Chủ tịch tỉnh, ông Dũng nhận được lời cầu cứu từ một xóm nghèo, khi thành phố ra quyết định cưỡng chế nhà không phép.

Mặc dù rất sốt ruột và bận công việc, thế nhưng ông không lệnh cấp dưới kiểm tra báo cáo để quyết định, mà đích thân rời phòng lạnh, về tận nơi đi thực tế.

Khi đến nơi, ông chứng kiến cả xóm đều là dân lao động nghèo, làm nghề xách nước cơm, xe thồ, thợ hồ, bán vé số, bà con cũng là nạn nhân của việc mua bán sang tay, đất không sổ.

Chỉ có chỗ ở duy nhất để mưu sinh, nếu làm mạnh tay, cưỡng chế ngay thì bà con chỉ còn nước ra đường nằm, vì không có chỗ nương thân.

Lãnh đạo này bàn với thành phố, người dân sai rồi nhưng trước mắt, tạm để lại cho bà con có chỗ ở, rồi tìm cách xử lý thấu đáo.

Về lý cưỡng chế là đúng luật nhưng về tình, để bà con tạm có chỗ ở thì cứu được bao nhiêu người, việc này cần phải tính. Nếu bây giờ, đẩy một hộ dân ra đường, sẽ kéo theo con cháu học hành dở dang. Làm như vậy, có tội và hổ thẹn với dân.

Pháp luật - không có vùng cấm, nhưng vẫn có tính nhân văn khi thực thi, nhất là lúc chạm vào người nghèo, đối tượng yếu thế.

"Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều đáng tiếc và thiệt thòi"

Bình Định chọn phát triển khoa học - công nghệ với sự khác biệt nhưng đầy chông gai.

Tư duy mới, tầm nhìn xa và cái cách mà lãnh đạo Bình Định, giữ chân nhà khoa học, chắc chắn là phong cách chưa từng xuất hiện, ở bất kỳ nơi nào của Việt Nam.

Nó xuất phát từ một phần tố chất gan góc của nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vũ Hoàng Hà - người có dấu ấn để đời, "khai sinh" cầu Thị Nại - cầu vượt biển lớn nhất Việt Nam cách đây 18 năm, mở ra vận hội mới của Bình Định.

Ngược về quá khứ, tháng 8 năm 2008, tiếp xúc với vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân, ông Vũ Hoàng Hà khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - một lãnh đạo táo bạo, phát ngôn sốc nhưng đầy nhiệt thành, nói: "Giáo sư cần, có thể lấy trụ sở của Văn phòng UBND tỉnh để làm trung tâm, chúng tôi sẽ dời trụ sở đi nơi khác. Nếu lắm tiền, tôi cũng không biết tìm mua ở đâu và cũng không mua nổi cái mà 2 giáo sư mang lại. Đó là chất xám. Bình Định ủng hộ hết mình, mong giáo sư làm được điều có ích cho Việt Nam, cho dân Bình Định".

Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều "đáng tiếc và thiệt thòi"- Ảnh 9.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp kiến GS Trần Thanh Vân, GS Lê Kim Ngọc và các nhà khoa học quốc tế tham dự hội thảo khoa học quốc tế "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ", nhân kỉ niệm 30 năm "Gặp gỡ Việt Nam" và 10 năm hoạt động của Trung tâm ICISE.

Từ câu nói kiên định của ông Vũ Hoàng Hà, giáo sư Vân đã quyết định và tin tưởng tuyệt đối, dồn toàn lực để xây dựng ICISE với số tiền hàng triệu USD ở Quy Nhơn.

Bình Định lúc đấy vẫn còn là tỉnh nghèo, kinh tế khó khăn, giao thông không thuận tiện, mỗi tuần từ thủ đô Hà Nội vào Quy Nhơn, chỉ có vỏn vẹn 3 chuyến bay nên quyết định xây dựng Trung tâm gặp gỡ khoa học quốc tế, là rất mạo hiểm.

Nhưng, chính con người xứ nẫu chân tình, trọng khoa học, yêu tri thức, đã khiến vợ chồng giáo sư phải lòng và quyết định gieo mầm, để khoa học Việt Nam phát triển ở đây.

Câu chuyện của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân (gốc Quảng Bình) và giáo sư Lê Kim Ngọc (quê Vĩnh Long, cùng tròn 90 tuổi), khiến nhiều lãnh đạo Bình Định xúc động, xen lẫn biết ơn.

Đôi vợ chồng yêu khoa học mãnh liệt, nói tiếng Việt khó khăn, nhưng có tấm lòng nhân ái rất lớn, tận tâm với công việc.

Từ những năm 1970, lúc chiến tranh Việt Nam đang vào giai đoạn cuối, hai nhà khoa học gốc Việt đã thấu hiểu sự mất mát, gây ra bởi chiến tranh cho các trẻ em mồ côi Việt Nam. 

Sẵn sàng đứng giữa thành phố Paris, cạnh nhà thờ Đức Bà ở đất nước Pháp xa xôi lạnh buốt, bán từng chiếc thiệp mừng Noel, lấy quỹ trao học bổng cho học sinh nghèo, xây dựng 3 làng trẻ em SOS Đà Lạt (1974), Huế (2000) và Đồng Hới (2006). 

Cả cuộc đời làm khoa học, sáng lập và tổ chức các cuộc gặp gỡ khoa học "Gặp gỡ Moriond" từ 1966, "Gặp gỡ Blois" từ 1989, giáo sư Trần Thanh Vân và phu nhân luôn vận động các nhà khoa học, tìm kiếm các nguồn kinh phí, không nghĩ tới tận hưởng tuổi già, mà tiếp tục xây dựng dự án mơ ước: Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn.

Chọn ở lại Bình Định, với tâm niệm duy nhất tạo ra một điểm gặp gỡ, giao lưu khoa học để thế hệ trẻ khoa học Việt Nam có cơ hội tiếp cận với khoa học thế giới.

Đáp lại ân tình, Bình Định không hề hẹp hòi, luôn có niềm trăn trở lớn với món nợ nghĩa tình. Vậy nên, cá nhân Bí Thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng, cùng lãnh đạo tỉnh đã kiên định đeo đuổi, đề nghị Trung ương có quyết định miễn tiền thuê đất với diện tích phục vụ khoa học của giáo sư Vân và kết quả, rất ấm lòng.

Những ý kiến tâm huyết của ông Hồ Quốc Dũng có lần, được Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nhắc đến tại Hội nghị toàn quốc học tập, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII, khi quán triệt nội dung Nghị quyết 45 về xây dựng, phát huy đội ngũ trí thức: "Đồng chí Bí thư Bình Định phát biểu như muốn khóc, về chính sách đất đai".

Bình Định "hào phóng" đến mức, hình hài Khu đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam ở thung lũng Quy Hòa, là quyết định "liều mạng", khi tỉnh dùng quỹ đất đẹp nhất để xây dựng dựa trên đề xuất Quy hoạch của Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, từ hạt nhân cốt lõi là Trung tâm ICISE.

Mang hàng trăm hécta đất ở vị trí "một bên núi, một bên biển" Quy Hoà phân lô bán nền, làm resort, khách sạn thì tỉnh thu ngân sách "khủng". Không, Bình Định chọn cách khác biệt, dùng cho khoa học.

Những quyết định nhân văn và táo bạo này, cũng đã đưa về quả ngọt. Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hoà đã và đang là điểm đến của các công ty, tập đoàn công nghệ công nghệ cao về quần tụ, từng bước hình thành nên cái mà nhiều người hay ví von là "Thung lũng Silicon" của Bình Định.

Vào chiều thu Hà Nội tháng 8/2023 rất đẹp, gặp mặt các nhà khoa học thế giới và Việt Nam (ở Phủ Chủ tịch), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho hay, lúc còn là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông đã đến thăm Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ở Bình Định (ngày 27/7/2022) và được gặp, giáo sư Trần Thanh Vân, giáo sư Lê Kim Ngọc.

Ông ấn tượng về nơi mà hàng trăm hội nghị quốc tế chất lượng cao được tổ chức, quy tụ hàng ngàn nhà khoa học.

Trong đó, có những nhà khoa học quốc tế danh tiếng trên thế giới, từng đoạt giải Nobel, giải Fields... cùng nhiều tổ chức nghiên cứu, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đến với Việt Nam.

Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều "đáng tiếc và thiệt thòi"- Ảnh 10.

Vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và giáo sư Lê Kim Ngọc hạnh phúc với dự án mơ ước ICISE, tại Quy Nhơn thành hiện thực. Duyên nợ của họ với Bình Định là sự hy sinh, thấu hiểu, chân thành và gắn kết bền bỉ hơn cả thập kỷ.

Theo lời kể của Chủ tịch nước, lúc về, ông hỏi lại một số Bộ trưởng: "Bây giờ nếu tôi thuyết phục Đảng, Nhà nước giao cho mấy ông kinh phí khoảng vài trăm tỷ trong 10 năm, thì mấy ông mời được bao nhiêu nhà khoa học nổi tiếng như thế đến Việt Nam? Được phân nửa số này không? Thì các Bộ trưởng của tôi lắc đầu nói rằng là: Không thể!".

Và ông Thưởng nói ngay: "Mình không thể làm được, mà các thầy làm được. Tại sao, không nghiên cứu tối đa để tạo điều kiện cơ chế, cho Trung tâm hoạt động hiệu quả và thiết thực".

Vẫn theo Chủ tịch nước, sức hút của Việt Nam có thể đến từ văn hóa, từ những nụ cười, từ niềm lạc quan, bằng lòng hòa hiếu mến khách, sự cầu thị học hỏi và đến từ những con người yêu nước nồng nàn, coi trọng các giá trị bền vững như vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc.

"Và tôi biết rằng, nếu không có sự thuyết phục của giáo sư Vân, giáo sư Ngọc thì chắc Việt Nam, cũng không có được vinh hạnh đón tiếp nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, như vừa qua", lời ông Thưởng.

Chủ tịch nước khoe với các nhà khoa học quốc tế, từ khi ông đến Bình Định, thì ít nhất, ông có nói với 5 tỉnh, thành phố trên cả nước rằng, Bình Định có một trung tâm khám phá khoa học như vậy, nhưng các nơi lại không có, thật là điều đáng tiếc và thiệt thòi cho người dân.

Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều "đáng tiếc và thiệt thòi"- Ảnh 11.

Quy Nhơn là thành phố biển yên bình rất khác biệt ở Việt Nam, không có rào chắn lối xuống biển, không khí trong lành, ít bê tông hoá, quỹ đất phục vụ cộng đồng rất lớn. Cách ứng xử của người dân là nét văn hoá thân thiện, bất kể ai đến Bình Định, đều được đối đãi tử tế, chân tình, hào sảng và hiếu khách.

"Lãnh đạo không tròn trách nhiệm với dân, tự họ cảm thấy không an lòng"

Bình Định - khắc nghiệt, mùa nắng 'cháy da', mùa mưa như tát nước vào mặt, bão lũ, sạt lở…chẳng buông tha trận nào.

Thiên tai khiến làng quê kiệt quệ, ám ảnh thường trực trong dân. Thương dân, dù đồng sâu hay núi cao, hễ nơi nào dân gặp hiểm nguy nhất, lãnh đạo đều đến tận nơi để kiểm tra, đã dời dân đi chưa, dân có an toàn không?

Bổn phận của người lãnh đạo, không làm tròn trách nhiệm với dân, tự họ cảm thấy không an lòng.

Không phải cán bộ ở dưới không tận tâm nhưng có những việc "ngay tức khắc", cần lãnh đạo có mặt, nếu muộn sẽ nguy cho dân.

Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng kể, trước đây sông Dinh ở Quy Nhơn bị xâm lấn nghiêm trọng, không thể thoát lũ, mưa lớn khiến nhiều khu vực ở Nhơn Bình, Nhơn Phú, chìm trong biển nước.

Thảm cảnh dân leo lên ngọn cây, nóc nhà để kêu cứu, lãnh đạo thì bất lực, đọng lại nỗi ám ảnh.

Không thể ngồi yên, Bí thư Tỉnh uỷ bàn với Bí thư Thành uỷ Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh Tô Tấn Thi, bằng mọi cách phải bắt tay vào việc nạo vét, trả lại hệ thống tiêu thoát lũ cho sông Dinh. Chỉ vậy, dân Quy Nhơn, mới thoát cảnh chạy lụt.

Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều "đáng tiếc và thiệt thòi"- Ảnh 12.

Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng cùng Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc, kiểm tra công tác di dời dân, phòng chống lũ. Mùa bão lũ, lãnh đạo Bình Định rất "siêng" về với dân, thực tế cho thấy, lãnh đạo "đi càng nhiều, chỉ đạo càng sát", thì bà con đỡ thiệt hại.

Thành phố lo mặt bằng, tái định cư, còn về kinh phí xây dựng dự án, do tỉnh chịu. Bí thư Thành uỷ và ông Tô Tấn Thi gật đầu, công việc giải phóng mặt bằng tức tốc giao về UBND TP.Quy Nhơn.

Giải toả 360 hộ dân, 12 tổ chức, 126 ngôi mộ ở dọc sông Dinh - chuyện "khó như lên trời". Nguyên thuỷ dòng sông rộng hàng chục mét, có đoạn bị xâm lấn chỉ còn 1 mét.

Nhắc đến, ai cũng lắc đầu "ngao ngán", không dám "đụng" vì sợ rắc rối. Bởi đất đai có nguồn gốc khá phức tạp, chủ yếu lấn chiếm, do lịch sử để lại.

Căng thẳng, bế tắc. Đơn thư khiếu nại trong dân, thậm chí đến cả bàn làm việc của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

Sai sót là điều khó tránh khỏi, đã có vài "hạt sạn" nhưng đi kèm là quyết định "sửa sai" kịp thời.

Dân hy sinh, khi chấp nhận rời bỏ mảnh đất ông bà, nhường chỗ cho công trình phục vụ cộng đồng. Và rồi, Quy Nhơn đã làm được kỳ tích, mà ít ai ngờ được.

Vừa nhậm chức Phó Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn hồi tháng 3/2023, ông Nguyễn Đức Toàn được giao ngay trọng trách trực tiếp chỉ đạo, đốc thúc giải toả mặt bằng, ở giai đoạn "xương xẩu", nhọc nhằn nhất.

Vì chủ yếu là đất lấn chiếm nên việc áp chế độ đền bù, giải toả rất khó. Dân chưa đồng ý, nhiều cán bộ trực tiếp xuống dân, kiên trì vận động, mong bà con chia sẻ vì lợi ích chung, vì công trình phục vụ cộng đồng.

"Mưa dầm thấm lâu, bà con hiểu ý nghĩa quan trọng của dự án, nên mọi việc được suôn sẻ. Đây không phải là thành quả cá nhân, mà là sự đồng lòng của tập thể, cả cán bộ lẫn trong dân", lời ông Toàn.

Về phía Thành uỷ, Bí thư Nguyễn Văn Dũng cứ tần suất, 2 tuần họp chỉ đạo 1 lần, chưa kể đốc thúc tiến độ bằng điện thoại, tin nhắn. Tất cả, đều lao vào công việc.

"Chưa bao giờ, tôi thấy bức tranh giải phóng mặt bằng phức tạp như thế, một kỳ tích xứng đáng, của Quy Nhơn. Nếu không có sự quyết đoán, tận tâm của cá nhân Bí thư Thành uỷ, tập thể cán bộ và sự đồng thuận, hy sinh của người dân, tôi dám chắc, không thể làm được. Việc thi công đang ở tiến độ tốt, dự án sẽ đưa vào sử dụng trong 2024, phục vụ cộng đồng", ông Tô Tấn Thi nói.

Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều "đáng tiếc và thiệt thòi"- Ảnh 13.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn xúc tiến đầu tư, tại Hoa Kỳ. Năm qua, hầu hết lãnh đạo chủ chốt của Bình Định, đều sang nước ngoài, cầu thị tìm nhà đầu tư.

Công trình vì dân, đang dần hiệu hữu. Tận mắt nhìn sông Dinh lúc này, nhiều người chưa dám tin, bởi sự "lột xác" kinh ngạc.

Lòng sông mở rộng, kè kiên cố, hiện ra không gian đô thị khang trang. Không còn cảnh nhà ọp ẹp, nhếch nhác ven sông, dân tất bật với cuộc sống, tái định cư mới.

Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng, ấn tượng với công tác giải phóng mặt bằng của dự án, vì có những việc tưởng chừng quá khó, không thể làm được, nhưng vẫn xong.

Bí thư Bình Định nói rằng, nếu lãnh đạo chọn việc dễ để làm, việc khó bỏ lại thì đầu óc 'thảnh thơi'. Nhưng lại thiếu trách nhiệm đối với dân, với xã hội và những người đã bầu ra mình.

Còn đương chức, cần làm hết trách nhiệm, để lại thành quả cho con cháu mai này. Lúc về hưu nghĩ lại, không có gì áy náy vì đã làm việc, dấn thân hết mình.

"Gặp việc khó không làm, sau này ai sẽ làm? Khó đến mấy cũng làm, nếu không sẽ có lỗi với dân", Bí thư rút lời, từ tâm can.

Cái đức, cái tài là gốc của cán bộ. Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành bại, đều do cán bộ tốt hay kém.

Người cán bộ đứng đắn, cần hướng đến hạnh phúc của dân. Việc có lợi cho dân, có khó mấy, cũng quyết tâm làm, còn việc hại dân, đừng bao giờ làm.

Soi vào thực tiễn, ở đâu cũng có một bộ phận cán bộ biểu hiện "cơ hội, thực dụng, xa dân". Nhưng, Bình Định luôn quyết liệt, nghiêm trị "thói hư, tật xấu" chốn công quyền, công tâm tìm chọn lớp cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ khát vọng, phụng sự nhân dân.

Bình Định có trung tâm khoa học, các tỉnh thành khác lại không có - là điều "đáng tiếc và thiệt thòi"- Ảnh 14.

Qua các nhiệm kỳ, Bình Định quy hoạch hướng về giá trị cộng đồng, ưu tiên dành những khu đất "vàng" ở vị trí mặt biển, dọc các tuyến đường lớn của Quy Nhơn xây quảng trường, trồng cây xanh. Hướng đến là nơi đáng sống đáng đến, bệnh nhân chạy thận có nhà lưu trú, đối tượng yếu thế, người nghèo, thu nhập thấp sở hữu căn hộ riêng.

Tâm tình trước nguyên lãnh đạo tỉnh nhiều thế hệ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định Lê Kim Toàn nói, ở thời điểm có những việc trăn trở, khó khăn đến mức, chỉ muốn "chùn bước, nhụt ý chí".

Nhưng, anh em và tập thể luôn bảo ban, động viên nhau, quyết tâm làm. Bằng thực tâm, ý chí quyết đoán của người lãnh đạo. Dù "có ý kiến này, ý kiến nọ", thậm chí ảnh hưởng đến uy tín của mình, nhưng chấp nhận, vì công việc chung.

Không phải nhắm mắt làm bất chấp, mà hết sức thận trọng, soi xét thấu đáo, đáp ứng tất cả nguyên tắc, quy định.

"Kiên định vì sự phát triển quê hương, lo cho dân. Lấy hạnh phúc, sự hài lòng, chất lượng cuộc sống của dân, làm thước đo uy tín, hiệu quả của lãnh đạo", ông Toàn hứa.

Nỗi day dứt, khát vọng phụng sự, của thế hệ ông Hồ Quốc Dũng, Lê Kim Toàn…bây giờ, cũng là nỗi day dứt khôn nguôi của những người tiền nhiệm, từ các thế hệ trước, ông Tô Tử Thanh, Mai Ái Trực, Nguyễn Xuân Dương, Vũ Hoàng Hà, Nguyễn Duy Quý… và cả của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Định.

Quê Quảng Nam, tá túc và làm báo ngót 1 thập kỷ, tôi đã sống cùng hơi thở "thăng trầm, thịnh suy", ở nơi nghĩa tình này.

Bình Định đang thiếu dự án đủ "trọng lực", tạo sức bật cho nền kinh tế vĩ mô, bền vững - niềm trăn trở lớn, hoài bão đau đáu, mà xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ, chưa trọn vẹn.

Khó khăn, trắc trở bủa vây. Nhưng, bằng thực tâm của người lãnh đạo, tôi tin Bình Định, sẽ biến điều "không thể", thành "có thể".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem