Bình Định: Heo hơi rớt giá quá nhanh, nông dân nuôi heo "đau đầu, nín thở"

Thăng Bình Thứ bảy, ngày 23/10/2021 13:51 PM (GMT+7)
Giá heo rớt nhanh chưa từng thấy. Người nuôi heo ở huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định), nơi được mệnh danh là vựa heo lớn nhất miền Trung đang đau đầu bởi giá heo hạ “sát đáy”.
Bình luận 0

Thực trạng giá heo hơi rớt nhanh khiến nông dân nuôi heo thua lỗ. Điều này còn khiến việc tái đàn phục vụ thực phẩm cho thị trường cuối năm tại tỉnh Bình Định có dấu hiệu chững lại.

Thua lỗ vì giá heo hơi rớt quá nhanh

Nhiều ngày qua, nông dân Nguyễn Văn Bình (42 tuổi) ở thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) "đỏ mắt" mời gọi thương lái đến mua 20 con heo thịt khi đã đạt trọng lượng 80kg/con.

Heo ế ẩm nhưng giá heo hơi lại hạ thấp chưa từng thấy, hiện heo nuôi trong nông hộ có giá dưới 35.000 đồng/kg hơi, heo siêu nạc nuôi trang trại theo hướng an toàn sinh học có nhỉnh hơn chút đỉnh nhưng cũng không quá 40.000 đồng/kg. 

Tại thời điểm này, nếu ai nuôi đàn heo càng lớn thì lỗ càng nhiều, thực trạng này đã khiến nhiều nông dân rơi vào cám cảnh đau xót.

Anh Bình cho biết, với giá heo hơi 35.000 đồng/kg như hiện nay, 1 con heo nuôi trong nông hộ với giống lai giữa heo móng cái và giống heo siêu nạc đạt trọng lượng 80kg/con. Sau khi xuất chuồng người nuôi sẽ bị lỗ 1,6 triệu đồng/con.

Bình Định: Người chăn nuôi “choáng váng”... vì heo rớt giá - Ảnh 1.

Nhiều nông dân nuôi heo ở tỉnh Bình Định đợi qua năm sau mới dám tính đến chuyện tái đàn. Ảnh: TB.

Riêng heo siêu nạc nuôi trong các trang trại theo hướng an toàn sinh học đạt 100kg/con sau khi xuất chuồng người nuôi sẽ bị lỗ đến 2 triệu đồng/con, do giống heo siêu nạc có giá cao hơn giống heo nuôi trong nông hộ.

Theo anh Bình, lứa heo này gia đình anh nuôi lúc con giống còn giá 1,4 triệu đồng/con (6kg/con), nuôi đến lúc đạt 80kg/con, mỗi con heo phải ăn hơn 8 bao cám (25kg/bao).

Với giá cám bình quân 350.000 đồng/bao như hiện nay, từ lúc thả giống đến khi xuất chuồng, chi phí thức ăn chăn nuôi cho mỗi con heo hết 3 triệu đồng. Cộng với tiền con giống, mỗi con heo có chi phí đầu vào là 4,4 triệu đồng.

Thế nhưng với giá bán heo hơi 35.000 đồng/kg heo hơi như hiện nay, mỗi con heo đạt trọng lượng 80kg/con chỉ bán được có 2,8 triệu đồng, như vậy mỗi con heo nuôi trong nông hộ anh chịu lỗ 1,6 triệu đồng.

"Đó là chưa kể công chăm sóc, thuốc thú y cho đàn heo suốt 3-4 tháng trời. Tôi nuôi heo mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ lâm cảnh lỗ thê thảm như lúc này", anh Bình buồn bã nói.

Chị Ánh Thành, 1 người vừa có trang trại nuôi heo quy mô 1.000 con, vừa là thương lái chuyên cung cấp heo thịt cho thị trường Đà Nẵng, chăn nuôi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ mà vẫn lỗ.

2 lứa heo 1.000 con chị Ánh Thành vừa bán, 1 lứa bán cách nay 1 tháng, 1 lứa bán cách nay nửa tháng chị mất 1,4 tỷ đồng vì thua lỗ.

"Lứa heo bán cách nay 1 tháng còn có giá 55.000 đồng/kg, lứa heo bán cách nay nửa tháng giá heo đã hạ xuống còn 50.000 đồng/kg. Với mức giá này mà 1.000 con heo của tôi đã bị lỗ mất 1,4 tỷ đồng. Hiện heo siêu nạc chỉ còn giá 38.000-40.000 đồng. Nếu bây giờ mới xuất chuồng thì mức lỗ còn cao hơn, mỗi con heo cầm chắc khoản lỗ 2 triệu đồng/con", chị Ánh Thành cho hay.

Bình Định: Người chăn nuôi “choáng váng”... vì heo rớt giá - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) rầu rĩ vì giá heo hơi hạ thấp, sức mua rất yếu. Ảnh: TB.

Hiện ở Hoài Ân có 4 trang trại chăn nuôi heo công  nghiệp công nghệ cao, 62 trang trại chăn nuôi heo có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, 1.926 gia trại và trên 8.000 hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ lẻ.

Với giá heo hạ "sát đáy" như hiện nay, từ trang trại nuôi heo quy mô lớn đến hộ nuôi heo nhỏ lẻ đều chao đảo vì thua lỗ.

Giá heo hơi hạ thấp đã đành, sức mua heo hơi cũng giảm mạnh nên thị trường tiêu thụ heo trở nên ế ẩm.

Theo chị Ánh Thành, hiện nay các địa phương đã nới lỏng giãn cách, thông thương được khôi phục, thế nên thị trường Đà Nẵng hiện tràn ngập heo từ các tỉnh miền Nam đưa ra tiêu thụ.

Do đó, dù Đà Nẵng là thị trường truyền thống của heo của Hoài Ân, thế nhưng hiện heo Hoài Ân đưa ra vẫn rất khó tiêu thụ.

Trong khi đó, nhiều hộ chăn nuôi ở Hoài Ân có heo đến lứa xuất chuồng, nhưng vì không tiêu thụ được, nên đàn heo vẫn cứ phải còn lưu chuồng.

Đàn heo còn nằm trong chuồng ngày nào là các chủ nuôi phải đối mặt với nhiều rủi ro ngày ấy, nhất là mối lo dịch tả lợn châu Phi vẫn còn rình rập gây hại đàn heo. 

Heo đến lứa bán mà chưa xuất chuồng được, cứ nằm đó ăn thì chủ nuôi càng thêm tiêu tốn mà khi heo lớn quá cỡ cũng rất khó tiêu thụ.

Ông Nguyễn Thanh Vương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân cho hay, hiện nay lượng heo nhập khẩu nhiều quá, các siêu thị đều bán heo nhập nên heo nuôi nội địa trở nên ế ẩm.

"Nuôi heo lỗ nên thời gian gần đây phong trào tái đàn nhằm cung ứng cho thị trường cuối năm trên địa bàn bị chững lại. Do tốc độ tái đàn chậm lại nên hiện tổng đàn heo trên địa bàn dừng lại ở mức dưới 200.000 con, trong khi trước đây Hoài Ân luôn ổn định tổng đàn heo trên 300.000 con", ông Vương cho biết.

Cần biệp pháp hỗ trợ nông dân khi giá heo hơi lao dốc

Heo hạ giá thê thảm đúng thời điểm tái đàn chăn nuôi để phục vụ thị trường cuối năm đã khiến người chăn nuôi heo ở tỉnh Bình Định khựng lại, nhiều hộ đã bán trống chuồng nhưng không dám thả giống tiếp tục nuôi vì sợ thua lỗ.

Bình Định: Người chăn nuôi “choáng váng”... vì heo rớt giá - Ảnh 3.

Giá heo hạ khiến nhiều nông dân ở tỉnh Bình Định lâm cảnh lao đao vì thua lỗ. Ảnh: TB.

Nông dân Trần Thị Lệ (ở thôn Lương Lộc, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định) đã bán sạch đàn heo 700 con cách đây 2 tháng, lúc giá heo còn mức 60.000 đồng/kg nhưng vẫn không gỡ được vốn.

"Do lứa heo ấy tôi mua con giống an toàn sinh học nuôi trại đến 3,3 triệu đồng/con, nên dù giá heo 60.000 đồng/kg vẫn bị lỗ. Hiện giá heo bấp bênh quá, lại dịch bệnh rình rập nên tôi dừng nuôi, chỉ còn để trong chuồng 70-80 con, đợi qua năm mới dám tính chuyện tái đàn lớn", chị Lệ nói.

Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Đào Văn Hùng, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo, bởi trên địa bàn có huyện Hoài Ân là địa phương được mệnh danh là vựa heo lớn nhất miền Trung. Gần như 100% hộ dân ở huyện Hoài Ân đều lấy nghề nuôi heo làm nguồn thu chính trong nông hộ.

Đứng trước thực trạng giá heo lên tục giảm mà giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến người chăn nuôi ở Bình Định "quay mặt" với chăn nuôi.

"Giá heo giảm là do thị trường, một phần là vì thời gian qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ thịt heo bị ách tắc, lượng heo tồn đọng chồng chất, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Hiện nay, dù các địa phương đã nới lỏng giãn cách, nhưng các thành phố lớn như TP.HCM và Đà Nẵng sinh hoạt vẫn chưa thật sự hồi phục, hàng quán, các bếp ăn tập thể của cơ quan, nhà trường chưa tái lập được hoạt động như trước đây, nên mọi thứ lương thực thực phẩm trong đó có thịt heo chưa được tiêu thụ mạnh", ông Hùng cho hay.

Tình hình trên dẫn tới tốc độ tái đàn heo trên địa bàn tỉnh Bình Định bị chững lại, thậm chí yếu hẳn đi. Để khắc phục, Bình Định đang tập trung động viên các trang trại, gia trại chăn nuôi heo lớn trên địa bàn duy trì tốc độ tái đàn để có sản phẩm cung ứng cho thị trường dịp cuối năm, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

"Chúng tôi hướng dẫn cơ sở chăn nuôi tiết kiệm chi phí đầu vào bằng cách tiết kiệm triệt để. Trước đây trong chuồng nuôi có 4 quạt hút gió hoạt động liên tục thì trong giai đoạn này chỉ sử dụng 1 máy quạt để hút mùi để tiết kiệm điện. Đồng thời hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi tự phối trộn thức ăn cho heo để giảm chi phí.

Nếu trước đây cám cho heo ăn mua nguyên bao thì nay mua mua nguyên liệu ngô, sắn về tự phối trộn rồi pha thêm khoáng, chất can-xi vào cho heo ăn, chắc chắn chất lượng cũng không thua kém mấy so với cám mua nguyên bao. Tích cực tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp chế biến thịt gia súc để mở rộng thị trường tiêu thụ", ông Hùng dẫn chứng.

Bình Định: Người chăn nuôi “choáng váng”... vì heo rớt giá - Ảnh 4.

Giá heo hạ nên việc tái đàn cuối năm ở Bình Định đang bị chững lại. Ảnh: TB.

Bên cạnh đó, Bình Định cũng làm việc với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam đóng trên địa bàn đẩy mạnh thu heo để cấp đông, dự trữ, nhằm góp phần giải quyết đầu ra cho heo trên địa bàn.

Trong bối cảnh khó khăn hiện hữu, ngành chức năng Bình Định đang tiến hành làm việc với các ngân hàng để yêu cầu ngân hàng giãn nợ cho những cơ sở, hộ chăn nuôi heo, cho vay thêm để hộ dân có điều kiện tái đàn.

Đồng thời làm việc với hơn 10 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi đang đóng trên địa bàn xem xét giảm giá bán nhằm chia sẻ với người chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn này.

"Trước tình trạng này, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Bộ NNPTNT làm việc với Bộ Công thương, đề nghị Bộ Công thương hạn chế nhập khẩu heo và sản phẩm heo để cân bằng thị trường trong nước.

Đề nghị Bộ Công thương tháo gỡ rào cản về kỹ thuật đông lạnh để các doanh nghiệp Việt Nam thoải mái thu mua thịt heo của nông dân cấp đông để góp phần bình ổn thị trường; hệ thống ngân hàng có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi để tạo điều kiện duy trì chăn nuôi heo trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Đặc biệt, chúng tôi đề nghị ngành chức năng đưa thịt heo vào danh mục được bảo trợ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến mặt hàng thịt heo", ông Hùng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem