Bình Định: Nợ ngân hàng 225 tỷ, chủ tàu 67 bị tố có lãi mà chây ì

Dũ Tuấn Thứ bảy, ngày 07/12/2019 16:31 PM (GMT+7)
Nợ quá hạn gốc và lãi ngân hàng khi vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của ngư dân Bình Định đã lên đến con số 225 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho rằng, đã xuất hiện trường hợp ngư dân làm ăn có lãi nhưng ỷ lại, chây ì không chịu trả nợ.
Bình luận 0

Ngày 7/12, UBND tỉnh Bình Định xác nhận, vừa tổ chức họp giải quyết những vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ tại địa phương này.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hiện có 47 chủ tàu bị nợ quá hạn gốc và lãi ngân hàng với tổng số tiền là 225 tỷ đồng (gốc 108 tỷ đồng và lãi 117 tỷ đồng). Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định Trần Văn Phúc cho biết, việc thu hồi nợ đang gặp khó bởi nhiều nguyên nhân như: ngân hàng thương mại cho vay không quản lý được nguồn thu của chủ tàu, tàu hoạt động khai thác di chuyển ngư trường về bán cá tại các cảng cá ngoài tỉnh nên việc kiểm tra doanh thu khai thác gặp khó.

Trong khi đó, chủ tàu cung cấp thông tin về hiệu quả đánh bắt không chính xác, luôn báo lỗ mặc dù sản xuất có hiệu quả, làm ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ vay.

img

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chủ trì cuộc họp giải quyết vướng mắc hoạt động tàu 67.

“Các chủ tàu sau khi vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 có ý định chây ì, không có thiện chí trả nợ vay ngân hàng và cho rằng đây là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nên có ý định trông chờ, có ý tưởng ỷ lại không trả nợ ngân hàng, khi khai thác không có hiệu quả sẽ làm đơn giao lại tàu cho cơ quan có thẩm quyền”, ông Phúc cho hay.

Theo ông Phúc, cũng có trường hợp chủ tàu so bì, lôi kéo số đông các chủ tàu khác không trả nợ ngân hàng vì có một số chủ tàu làm ăn có hiệu quả, không trả nợ ngân hàng nhưng vẫn hoạt động bình thường. Các ngân hàng chưa xử lý các trường hợp chủ tàu sản xuất hiệu quả nhưng không trả nợ theo quy định để răn đe, giáo dục.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Phù Cát Trần Văn Hương, ngoài những tàu cá nằm bờ thua lỗ thực sự không có khả năng trả nợ, thì từ giữa năm 2018, nhiều chủ tàu ở địa phương hoạt động hiệu quả nhưng có tâm lý ỷ lại, không chịu trả nợ ngân hàng.

“Công ty bảo hiểm cần sớm bán lại bảo hiểm cho tàu hết hạn bảo hiểm để ra khơi, nếu không họ sẽ lấy cớ không bán bảo hiểm để tiếp tục chây ì không trả nợ. Đồng thời, khi đánh giá lại giá trị con tàu yêu cầu các chủ tàu phải bổ sung vào tài sản thế chấp để ngư dân có trách nhiệm hơn. Chủ tàu cứ ỷ lại là tiền của ngân hàng, tiền Nhà nước, chủ tàu không có tài sản thế chấp thì khi xử lý nợ sẽ rất khó khăn”, ông Hương kiến nghị.

img

Nhiều rỉ sét, hư hỏng trên tàu hậu cần nằm bờ của ngư dân Bình Định.

Đại diện Agribank chi nhánh Bình Định mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Định có đề xuất, kiến nghị Chính phủ sửa đổi cơ chế bảo đảm tiền vay theo Nghị định 67, nghĩa là hộ vay phải bổ sung tài sản.

“Hộ vay phải bổ sung tài sản bảo đảm là bất động sản thì ngân hàng mới an tâm hơn. Bởi khi con tàu xuống cấp mà hộ vay thì không trả nợ theo đúng quy định thì tương đương với giá trị tiền vay không thu về được nữa. Thực tế, nhiều hộ vay có nhà cửa rất to, khang trang nhưng không đưa vào bảo đảm cho giá trị khoản vay”, vị đại diện Agribank chi nhánh kiến nghị.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, ngoài 3 tàu dịch vụ hậu cần không hoạt động nên không có tiền trả nợ ngân hàng, còn lại các tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 vẫn hoạt động có lãi.

“Những tàu khai thác có lãi nhưng cố tình lấy lý do thua lỗ để chậm trả nợ cho ngân hàng cũng vì tư tưởng ỷ lại, cứ nghĩ còn tàu là của Nhà nước”, ông Châu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem