Bình Định: Quốc lộ hơn 5.000 tỷ “tạo lũ” phá ruộng, nông dân kêu cứu

Dũ Tuấn Thứ sáu, ngày 15/06/2018 18:50 PM (GMT+7)
Việc thi công dự án Quốc lộ 19 (đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ 1A, Bình Định) đã khiến hàng nghìn hộ dân chịu cảnh di dời, mất đất... Trong khi dự án còn đang dang dở, nhiều nông dân vùng “rốn lũ” bức xúc phản ánh việc xây dựng QL vô tình “tiếp tay” cho nước lũ phá nát nhiều hecta ruộng lúa, dẫn đến 3 năm liền canh tác thất thu, phải bỏ ruộng.
Bình luận 0

Tan hoang ruộng lúa

Theo quy hoạch do UBND tỉnh Bình Định phê duyệt, dự án Quốc lộ 19 (đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ 1A) có chiều dài 17,8 km đã được khởi công từ tháng 12.2012 với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 5.279 tỷ đồng. Tuy nhiên, người dân khu vực xung quanh dự án cho rằng việc đầu tư xây dựng QL không tính đến lợi ích của dân, khiến họ phải gồng mình gánh chịu hậu quả.

Chỉ tay về con đường QL 19 to đùng, xẻ ngang vùng lũ vẫn dang dở, bà Nguyễn Thị Phước (55 tuổi, trú thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) bức xúc: “Trước đây, dù các trận lũ lớn như thế nào thì ruộng lúa chúng tôi cũng chả hề hấn gì cả, nếu có thì thiệt hại rất ít. Nhưng từ khi khi họ làm QL 19, ruộng đồng ven đường bị sa bồi thủy phá, tan hoang hết. Cứ thế 3 năm liền, lũ đã phá nát 2 sào ruộng của gia đình tôi, chẳng còn lại gì. Giờ thiếu đất canh tác, ở miền quê như chúng tôi thì coi như trắng tay”.

img

Sau 6 năm, dự án QL 19 ở Bình Định vẫn còn dang dở, gây bức xúc cho người dân

Theo bà Phước, trước kia vùng ruộng của 2 thôn Quảng Vân, Phổ Quang (xã Phước Thuận) trồng lúa rất tốt, năm nào cũng được mùa. Nhưng từ năm 2016 đến nay lũ hoành hành dữ dội, phá tan hoang ruộng lúa, vậy nên nông dân đành nhờ bộ đội đắp đê tạm để ngăn lũ.

“Lặp đi lặp lại riết thành thử bộ đội họ cũng nản, thôi đành bỏ ruộng. Giờ thì chỗ nào chưa bị bồi cát chúng tôi khoanh lại, xin lúa con về cấy tạm. Trời thương thì được ăn, chứ ngồi nhà nóng ruột lắm, nông dân bữa đói bữa no thì tiền đâu mà mua gạo”, bà Phước cho hay.

img

Nhiều khoảnh ruộng ven QL 19 phải bỏ hoang vì sa bồi thủy phá

Tại vùng ruộng thôn Quảng Vân (xã Phước Thuận), nông dân tất bật vừa khắc phục hậu quả của lũ, vừa cấy lúa để theo kịp vụ mùa. Nhiều người tìm cách đào cát sa bồi ra khỏi vùng ruộng để lấy chỗ cấy lúa, trong khi đó địa phương đang triển khai lực lượng dùng tre đan, chặn đất đá làm quai đê tạo bờ, ngăn lũ.

“Ruộng của gia đình tôi bị lũ phá 2 sào rồi, không canh tác được. Nhiều lúc, tôi phải tự bỏ tiền ra mướn người thuê bò kéo cát ra khỏi ruộng. Nhưng vừa cấy lên, thì lúa cứ chết cong queo vì ruộng bị cát bồi, nổi váng sì phèn. Tình trạng khốn khổ trên xuất hiện từ khi họ xây dựng tuyến đường QL 19 này”, bà Nguyễn Thị Thanh Liêm (61 tuổi) than vãn.

Dự án chậm tiến độ, “hành” dân

Dự án QL 19 được kỳ vọng sẽ giảm thiểu gánh nặng lưu thông cho tuyến QL 19 cũ, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh Bình Định. Khi khởi công, lãnh đạo UBND tỉnh rất sốt sắng, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, hàng nghìn hộ dân phải chịu cảnh di dời, mất đất... để nhường mặt bằng cho dự án.

Thế nhưng, thực tế nhiều năm qua, dự án này lại mang đến nỗi ám ảnh cho người dân vùng lân cận, họ phải chịu cảnh bụi bặm, nứt nhà, ruộng muối bỏ hoang… Đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của chúng tôi, sau 6 năm kể từ ngày khởi công, dự án vẫn ngổn ngang trì hoãn và gây bụi bặm, không thấy bóng dáng đơn vị thi công. Một lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Bình Định xác nhận, dự án bị chậm tiến độ, nguyên nhân chính là do hết vốn.

img

Nhiều nông dân ở xã Phước Thuận tận dụng khoảnh ruộng chưa bị hư hỏng để gieo sạ

Ông Lê Công Minh (65 tuổi, trú thôn Quảng Vân) cho rằng, trước khi thi công QL 19, mở 1 tuyến đường lớn qua vùng lũ, chính quyền, cơ quan chức năng cần tính toán công khai, quan tâm đến lợi ích của người dân. Bởi, không chỉ ruộng đồng mà các công trình giao thông cũng bị lũ cuốn phá.

“Sự thật là 3 năm rồi, chúng tôi và các thôn khác đều rất bức xúc vì QL 19 làm quá cao, chưa tính toán đến dòng chảy của lũ, vô tình đã làm tăng sức lũ tàn phá. Trước đây, ngọn lũ tràn về đổ sang xóm Chợ Mới (xã Phước Sơn) rồi từ từ rải đều khắp cả đồng theo quy luật. Dòng chảy êm hơn, ruộng đồng nằm dưới không bị hư hỏng gì. Bây giờ bị cản bởi QL 19, lũ bị ép, tức nước đổ ào về đây toàn bộ, chạy xiết nên gây sa bồi thủy phá nặng nề”, ông Minh cho biết.

Trước nỗi lo của người dân vùng dự án, ông Nguyễn Đình Thuận - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước (Bình Định) cho biết: “Dự án QL 19 do UBND tỉnh phê duyệt, nguồn ngân sách Trung ương, không phải thẩm quyền của huyện. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi đã có ý kiến với tỉnh để xin cơ chế hỗ trợ cho bà con có đất nông nghiệp bị sa bồi thủy phá, không sản xuất được. Còn về lâu dài phải tìm phương án hoặc sẽ thu hồi để hoán đổi lại diện tích sản xuất khác cho người dân”.

Theo ông Lê Đức Quang - Phó chủ tịch UBND xã Phước Thuận, từ năm 2016 đến nay có trên 5,12ha đất sản xuất nông nghiệp của 115 người dân ở 2 thôn Quảng Vân, Phổ Quang bị sa bồi thủy phá, không thể khắc phục, bỏ hoang không canh tác được.

“Chúng tôi đã trích, xin kinh phí trên 500 triệu để khắc phục cho người dân, nhưng chỉ ứng phó tạm thời. Về lâu dài, phía xã đề xuất cần phải xây đê, kè kiên cố mới ngăn chặn được sức tàn phá của lũ”, ông Quang kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem