Bình Định: Tập trung đầu tư cây giống để trồng rừng

Thứ ba, ngày 09/10/2012 06:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - So với mọi năm, năm nay người trồng rừng ở Bình Định có xu hướng sử dụng các giống cây lâm nghiệp được sản xuất bằng phương pháp cấy mô để thay cho các giống cây được sản xuất bằng phương pháp giâm hom.
Bình luận 0

Bà Phan Thị Hạnh - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ giống cây trồng Nguyên Hạnh, có cơ sở sản xuất giống tại xã Phước Thành (huyện Tuy Phước), cho biết: “Năm nay, người dân tập trung chú trọng đến các giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao, như các giống keo lai, bạch đàn lai được sản xuất bằng phương pháp cấy mô. Cây giống cấy mô có giá thành cao gấp đôi, nhưng có ưu điểm là sạch bệnh, cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị đổ ngã khi gặp thời tiết bất lợi, hiệu quả kinh tế cao, chu kỳ khai thác ngắn hơn”.

img
Chăm sóc cây giống lâm nghiệp tại cơ sở Nguyên Hạnh.

Qua thực tế đưa vào trồng rừng thời gian qua cho thấy, các giống cây cấy mô có sức chống chịu trước gió bão tốt hơn các giống giâm hom, nên được người trồng rừng lựa chọn nhiều. Ông Nguyễn Thế Dũng- Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Bình Định cho biết: Nhờ thời tiết năm nay khá thuận lợi, thời điểm này thường xuyên có mưa vào ban đêm, người dân trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trồng được gần 2.000ha rừng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ các năm trước.

Ngành lâm nghiệp đã phối hợp với các địa phương tiến hành hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật trồng rừng cho các hộ dân, nhất là các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến, đến cuối tháng 11, Bình Định sẽ kết thúc vụ trồng rừng năm nay với diện tích rừng trồng trên 7.500ha.

Một trong những vấn đề quan trọng, nhiều người quan tâm là chất lượng cây giống. Hiện toàn tỉnh Bình Định có gần 60 đơn vị, cơ sở được cấp giấy phép sản xuất cây giống và đã đăng ký kế hoạch sản xuất gần 70 triệu cây các loại. Đến thời điểm này, các cơ sở đã sản xuất được hơn 52,5 triệu cây giống các loại, gồm 48 triệu cây keo lai giâm hom; 2,35 triệu cây keo lai cấy mô; 1,3 triệu cây bạch đàn cấy mô; 565.000 cây sao đen; 175.000 cây keo lá tràm…

Tuy nhiên, dù nguồn cây giống phục vụ trồng rừng năm nay được đánh giá khá dồi dào so với mọi năm, nhưng thời gian gần đây, tại một số địa phương của huyện An Lão đã xuất hiện tình trạng thương lái vận chuyển nhiều loại giống cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc về tiêu thụ với giá khá rẻ. Một số hộ trồng rừng vì ham rẻ nên mua cây giống trôi nổi để trồng rừng, có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng và hiệu quả kinh tế sau này.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, từ đầu tháng 9 đến nay, Sở NNPTNT Bình Định đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, qua đó yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của Bộ NNPTNT về quy trình sản xuất giống, đảm bảo chất lượng cây giống. Ngành lâm nghiệp cũng đã khuyến cáo người dân không mua, sử dụng các giống cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc, xuất xứ để trồng rừng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem