Bình Dương: Tỷ lệ đấu nối hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt vẫn còn thấp

Trần Khánh Thứ tư, ngày 15/06/2022 09:00 AM (GMT+7)
Dù đã đầu tư hệ thống nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt khá bài bản, nhưng đến nay, số lượng các hộ dân được đấu nối vào hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn còn khá khiêm tốn.
Bình luận 0

Hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt

Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương là 1 trong những động thái tích cực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tỉnh Bình Dương.

Trong đó, việc đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt được coi là điểm sáng của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã có 4 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An và TX.Tân Uyên.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc lấy mẩu kiểm định tại Nhà máy xử lý nước thải Tân Uyên. Ảnh: Phương Lê

Cán bộ Trung tâm Quan trắc lấy mẩu kiểm định tại Nhà máy xử lý nước thải Tân Uyên. Ảnh: Phương Lê

Nhìn chung, hệ thống nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt được đầu tư khá bài bản. Bình dương cũng có chính sách miễn 100% phí xử lý nước thải sinh hoạt. Thế nhưng đến nay, số lượng các hộ dân được đấu nối vào hệ thống vẫn còn khá khiêm tốn.

Theo Ban quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương, tỷ lệ hộ dân đấu nối đường ống xử lý nước thải sinh hoạt vào hệ thống thu gom xử lý ở TP.Thủ Dầu Một chỉ mới đạt mức 55%. Trong khi đó, các địa phương còn lại chỉ dao động ở mức từ 18-20%.

Ông Phạm Minh Thuấn, người dân sống ở phường Dĩ An (TP.Dĩ An) cho rằng, việc vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt là chủ trương tốt. Tuy nhiên, ông Thuấn cho rằng hiệu quả xử lý hiện nay chưa cao.

Theo ông Thuấn, các công trình, nhà ở xây mới đều được yêu cầu xây dựng hệ thống đấu nối theo đúng quy định. Còn với các hộ dân cũ như nhà ông, nước thải sinh hoạt phải qua 3-4 hố lọc mới ra tới điểm đấu nối trực tiếp vào hệ thống thu gom.

"Tuy nhiên, nhiều hố lọc được làm từ rất lâu. Nước thải sinh hoạt khó tiêu thoát hết. Chúng tôi muốn được đấu nối trực tiếp đến tận nhà", ông Thuấn nói.

Nhà máy xử lý nước thải Dĩ An thuộc tiểu dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An, là một phần trong dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương. Ảnh: Trung Việt

Nhà máy xử lý nước thải Dĩ An thuộc tiểu dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An, là một phần trong dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương. Ảnh: Trung Việt

Ông Lê Tuấn Hiệp - Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP.Dĩ An đánh giá, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt ở Dĩ An hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, toàn thành phố có rất nhiều tuyến đường, 1.064 tuyến. Trong đó có nhiều tuyến do nhiều cấp quản lý.

Trên địa bàn TP.Dĩ An hiện còn phường Bình Thắng, phường Bình An là chưa có hệ thống thu gom xử lý nước thải. 4 phường còn lại, 1 số tuyến đường đã có, 1 số tuyến đường vẫn chưa đầy đủ.

Triển khai giai đoạn 2, TP.Dĩ An sẽ đầu tư hoàn chỉnh nhằm phủ kín toàn bộ các tuyến đường đều có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, thu gom đưa về nhà máy xử lý. 

Chung tay trách nhiệm

Phòng Quản lý đô thị TP.Dĩ An cho biết, địa phương đã tham mưu UBND tỉnh, và yêu cầu tất cả các hộ dân đều chừa đường hầm đấu nối hệ thống, chứ không phải tuyến đường nào có đường ống thu gom rồi mới yêu cầu đấu nối.

Phòng Quản lý đô thị TP.Dĩ An thường xuyên phối hợp với nhà máy xử lý nước thải Dĩ An để giải quyết theo nhu cầu chính đáng của người dân.

Cũng theo ông Hiệp, hiện nay ở một số địa bàn khác, đã có tình trạng sau khi mưa lớn, người dân tháo miệng nắp cống để nước mưa chảy vào. Đây là điều nguy hiểm vì hệ thống chỉ xử lý nước thải sinh hoạt chứ không xử lý nước mưa.

Hệ thống cống thoát nước thải sinh hoạt. Ảnh: Trần Khánh

Hệ thống cống thoát nước thải sinh hoạt. Ảnh: Trần Khánh

"Ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương, bà con trên địa bàn TP.Dĩ An cũng nên cùng chia sẻ trách nhiệm với nhà máy xử lý nước thải, đảm bảo lợi ích chung", ông Hiệp đề nghị.

Bà Nguyễn trình Cao Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương là 1 trong những động thái tích cực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tỉnh Bình Dương.

Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu năm 2025 sẽ nâng tỷ các hộ dân được đấu nối vào hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt.  

Trong đó, tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể cho từng huyện thị. Ví dụ như TP.Thủ Dầu Một phải đạt mục tiêu 85% tỷ lệ đấu nối,TP.Thuận An phải đạt tỉ lệ 50%...

Để đạt được những chỉ tiêu này, nganh chức năng sẽ có những giải pháp đi kèm. "Trong đó, Sở Tài Nguyên Môi Trường cùng với UBND các cấp huyện thị sẽ xây dựng các kế hoạch tuyên truyền, cũng như đề ra các giải pháp  kỹ thuật, giải pháp tài chính để hỗ trợ người dân", bà Sơn chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem