Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương và HĐND TP.Thủ Dầu Một với cử tri phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) mới đây, nhiều cử tri cho biết không nhận được thẻ theo đúng thời hạn.
Cử tri Thái Lệ Thanh ở phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) kể, bà đã đi làm thẻ căn cước công dân đúng hẹn nhưng đến nay vẫn chưa có thẻ.
Cử tri Thanh lo ngại trường hợp người dân sử dụng thẻ chứng minh nhân dân hết hạn đến thời điểm nào đó sẽ bị phạt theo quy định. Mức phạt là 500.000 đồng.
"Nếu người dân bị phạt vì chứng minh nhân dân hết hạn thì ai sẽ bồi thường lại cho người dân khi ngành chức năng trả thẻ căn cước công dân sai hẹn", bà Thanh bức xúc.
Ngụ cùng phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một), cử tri Thái Việt Thủy kể trường hợp chồng bà đi làm căn cước công dân đã hơn 1 năm nhưng vẫn chưa nhận được.
Lần đầu tiên, chồng bà làm căn cước công dân từ tháng 4/2021. Chờ mãi không thấy, đến ngày 25/3/2022, chồng bà đi làm lại.
Từ đó đến nay, chồng bà Thủy đã 3 lần đi hỏi nhưng vẫn chưa nhận được căn cước. Công an TP.Thủ Dầu Một cũng không có câu trả lời chính xác cho chồng bà.
Vấn đề khiến bà Thủy bức xúc không chỉ chuyện trễ hẹn mà còn là thái độ phục vụ công dân của cán bộ giải quyết thẻ căn cước công dân.
Khi đi làm lại thẻ căn cước công dân lần 2 thì công an ghi sai tuổi của chồng bà thấp hơn 20 tuổi so với tuổi thực. Địa chỉ quê quán chồng bà từ xã, huyện, tỉnh này cũng bị ghi sai thành xã, huyện tỉnh khác.
Chồng bà Thủy yêu cầu chỉnh sửa lại thì bị công an hoạnh họe, đề nghị cung cấp giấy khai sinh.
Từ năm 1965, chồng bà Thủy đi kháng chiến. Vì sợ địch phát hiện trong gia đình có người đi tham gia cách mạng nên giấy khai sinh cùng nhiều giấy tờ khác đã bị hủy. Sau rất nhiều lần tới lui, đến nay, chồng bà vẫn chưa được cấp căn cước công dân.
Bà Thủy đề nghị HĐND các cấp cần có biện pháp đề nghị các ban ngành chấn chỉnh thái độ của viên chức khi trực tiếp làm việc với người dân. Đồng thời giải quyết sớm các trường hợp trễ hẹn trả thẻ căn cước công dân.
Cử tri Phạm Minh Tuấn ở khu phố Thống Nhất 1, phường Dĩ An (TP.Dĩ An) cho rằng, làm căn cước công dân là chủ trương đúng, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính. Thế nhưng việc cấp trả thẻ căn cước công dân có rất nhiều bất nhất.
Theo cử tri Tuấn, ngành chức năng thông báo thực hiện trả thẻ căn cước công dân qua đường bưu điện nhằm tiết kiệm chi phí, công sức. Tuy nhiên, có người được trả thẻ căn cước công dân đến tận nhà; có người thì phải ra bưu điện để nhận.
Gia đình ông Tuấn có 3 người cùng làm căn cước công dân. Hai người được trả tận nhà, một người còn lại phải ra bưu điện lấy. Người nhà ông Tuấn ra bưu điện lấy thẻ thì bưu điện đòi thu luôn chứng minh nhân dân cũ.
Với căn cước công dân được trả đến tận nhà, ông Tuấn thấy chứng minh nhân dân cũ bị cắt góc. Đây là điều khiến ông phân vân, khó hiểu.
"Bởi vì chứng minh nhân dân cũ vẫn hạn sử dụng, vẫn còn giá trị liên quan đến các thủ tục giao dịch trước đó. Cách trả thẻ căn cước công dân như hiện nay còn bất nhất, gây phiền hà cho người dân", cử tri Tuấn nói.
Ở phường Lái Thiêu (TP.Thuận An), nhiều cử tri cũng phản ánh, việc làm căn cước công dân và mã số định danh còn nhiều bất cập gây khó khăn cho người dân.
Có cử tri cho biết, họ đã đóng tiền phí nhận thẻ căn cước công dân tại nhà thông qua đường bưu điện. Tuy nhiên chờ lâu quá phải lên Công an TP.Thuận An tìm kiếm thẻ căn cước công dân nhưng cũng không có.
Tại buổi tiếp xúc với cử tri ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, ông Trần Đình Hoàng Long – Đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, với căn cước công dân là vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm hiện nay.
Theo đại biểu Long, những sơ suất trong quá trình thực hiện cấp và trả thẻ căn cước công dân không hẳn do lỗi ở lực lượng công an.
Thời gian qua, lực lượng công an quản lý hành chính đã chịu áp lực rất lớn để hoàn thành công việc cấp căn cước công dân. Có những đơn vị phải làm việc đến tận khuya, hoặc 1-2 giờ sáng hôm sau.
"Có cán bộ về nhà chỉ biết khóc với gia đình, có người còn xin nghỉ việc vì áp lực lớn", đại biểu Long kể.
Về việc phạt 500.000 đồng với chứng minh nhân dân trễ hẹn theo Nghị định 144 năm 2021, có hiệu lực từ đầu năm 2022, đại biểu Long cho rằng, công an địa phương không cứng nhắc đến mức xử phạt chỉ vì chưa kịp làm căn cước công dân thay thế chứng minh nhân dân.
"HĐND tiếp thu ý kiến của bà con cử tri và sẽ báo cáo đầy đủ đến các cấp ngành. HĐND cũng bà con cử tri chia sẻ cho khó khăn của ngành chức năng để cùng tìm hướng xử lý công việc được tốt hơn", đại biểu Long chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.