Bình luận của độc giả trên báo điện tử: Đặc sản và “dao hai lưỡi”

Vinh Hải – Nguyễn Hòa Thứ hai, ngày 20/06/2016 06:24 AM (GMT+7)
Không chỉ là sự bày tỏ cảm xúc với bài báo, những bình luận (comment – còn hay được gọi là “còm”) của độc giả đang dần trở thành một “đặc sản” trên các tờ báo điện tử.
Bình luận 0

Comment hay hơn bài viết

Bàn về những bình luận của độc giả dưới các tin, bài trên báo điện tử, một đồng nghiệp của chúng tôi đã phải thốt lên: “Nhiều lúc đọc comment ở dưới bài còn hay và thú vị hơn cả bài viết”.

Quả thật đúng như vậy, bình luận của độc giả ngày càng được các báo điện tử coi trọng. Dưới mỗi tin tức, bài báo được quan tâm là hàng trăm bình luận, kèm theo đó là hàng nghìn độc giả bấm nút “like” các bình luận đó.

img

Ảnh minh họa: Hãy suy nghĩ kỹ trước khi comment hoặc đăng comment của độc giả. Ảnh:   I.T

Như ở mục thể thao của Báo điện tử VNExpress, có những độc giả tạo được thương hiệu cho chính mình với những bình luận bằng thơ. Ngay dưới các bình luận đó, có độc giả khác đã viết rằng: “Tôi bấm vào bài chỉ để xem comment của anh”.

Một vị quan chức đã nhận xét về hiệu quả khi các dự thảo văn bản cần lấy ý kiến nhân dân được đưa lên báo chí: “Chúng tôi lấy ý kiến rộng rãi người dân về dự thảo, đăng tải công khai trên Cổng thông tin của bộ nhưng mãi không có ai góp ý. Trong khi đó, chỉ đăng một phần nội dung dự thảo lên báo điện tử, trong một buổi sáng đã nhận được hàng nghìn ý kiến đóng góp của người dân”.

Bình luận dưới bài viết cũng đã trở thành một kênh tương tác hữu hiệu giữa các tòa soạn điện tử với người đọc. Ông Nguyễn Hà Thành – biên tập viên một tờ báo điện tử tại Hà Nội cho biết: “Trước đây, độc giả phải viết thư để bày tỏ cảm xúc hay góp ý về một bài báo, rồi chờ đợi được phản hồi. Giờ đây những ý kiến của độc giả có thể xuất hiện trên báo điện tử ngay sau khi sản phẩm báo chí được đăng tải”.

Bên cạnh đó, thông tin từ những bình luận do độc giả đem lại có thể là gợi ý cho tòa soạn triển khai các đề tài tiếp theo. Nhà báo Hà Thành cho hay: “Trong số hàng nghìn độc giả, có không ít người có kiến thức chuyên sâu về vấn đề nêu trong bài viết, hoặc cả những người dân sinh sống ở nơi bài viết đề cập đến. Đối với những vấn đề nóng được phản ánh trên báo, những bình luận, phản hồi của họ rất có giá trị, có thể gợi mở để thực hiện các bài viết tiếp theo”.

Thậm chí, với những báo điện tử hàng đầu, phần bình luận của mỗi độc giả còn được bố trí mở ra một trang riêng. Ở đó, có chia ra các mục bình luận mới nhất, được quan tâm nhất, trả lời nhiều nhất, hay nhất. Nói cách khác, hoạt động bình luận, đưa ý kiến của độc giả trên báo điện tử gần như trở thành việc sản xuất một sản phẩm trên báo điện tử.

Để làm được việc đó, phải có một bộ phận dành riêng để “chăm sóc” phản hồi, “còm” của độc giả gửi đến. Một chuyên gia truyền thông đánh giá: “Việc chăm sóc bình luận độc giả của các tòa soạn điện tử có thể so sánh như những dịch vụ hậu mãi của doanh nghiệp với khách hàng. Anh chăm sóc, o bế khách hàng tốt từ sản phẩm cho đến dịch vụ sau đó thì sẽ có càng nhiều khách hàng trung thành”.

Hạn chế những “còm sỹ” kích động

Bên cạnh những độc giả trung thành hay những bạn đọc có góp ý khách quan với bài viết, có không ít những “còm sỹ” để lại những nhận xét, bình luận mang tính chất phiến diện, có ý công kích người khác hay thậm chí là đưa ra những thông tin mang tính chất sai lệch.

Trưởng ban Thời sự một báo điện tử chia sẻ: “Cùng với việc tờ báo tăng trưởng, chúng tôi cũng phải dành nhiều thời gian hơn để xử lý bình luận, nhận xét của độc giả. Vì chưa có bộ phận chuyên trách riêng nên biên tập viên lĩnh vực, chuyên mục nào phải phụ trách bình luận của độc giả gửi đến bài viết thuộc chuyên mục đó”.

Vị này cho hay, với số lượng khoảng 50 – 100 bình luận gửi đến một chuyên mục một ngày, chưa phải là con số lớn đối với nhiều tờ báo điện tử khác nhưng cũng là vấn đề đối với người trực. Bởi có những lúc, khi căng thẳng vì công việc, biên tập viên có thể sơ suất duyệt đăng bình luận có nội dung không tốt.

Tôi đã gặp những trường hợp độc giả gửi nhận xét dưới bài viết về một doanh nghiệp với lời lẽ, ý đồ “dìm” doanh nghiệp đó mà không có bằng chứng nào cả. Nếu chẳng may để những nhận xét kiểu này được đăng tải thì rất nguy hại”.

Nhà báo Nguyễn Hà Thành

Về vấn đề này, luật sư Vũ Thái Hà – Văn phòng Luật sư Youme, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng: “Chúng ta phải nhớ rằng, mọi nội dung xuất hiện trên bất kỳ ấn phẩm nào, dưới hình thức nào của cơ quan báo chí đều thuộc sự quản lý của cơ quan báo chí đó. Chính vì vậy, cơ quan báo chí phải có trách nhiệm kiểm soát nội dung trước khi xuất bản, kể cả là các nhận xét của bạn đọc. Các cơ quan báo chí phải tự có quy trình và biện pháp kỹ thuật để xử lý vấn đề này”.

Trên thực tế, với việc chỉ cần đăng nhập bằng email hay tài khoản Facebook, một người có thể gửi bình luận, nhận xét dưới mỗi tờ báo để chờ duyệt. Trong trường hợp chẳng may những “còm” có nội dung không tốt được xuất bản, luật sư Hà cho rằng đối tượng bị ảnh hưởng bởi những nhận xét đó hoàn toàn có thể kiện tòa soạn báo. “Nếu cơ quan báo chí cho đăng tải những thông tin không đúng sự thật gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì phải là đơn vị chịu trách nhiệm đối với hành vi đó, việc cho đăng tải các nhận xét của độc giả cũng không phải là ngoại lệ” - ông Hà nói.

Còn đối với những độc giả nhận xét, bình luận nội dung không đúng sự thật, vu khống, ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác, Luật sư Hà cho rằng họ cũng phải chịu trách nhiệm: “Một cá nhân A có nhận xét vu khống dưới bài báo về doanh nghiệp B thì doanh nghiệp B hoàn toàn có thể kiện cá nhân A về hành vi vu khống và yêu cầu cá nhân A phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có) về hành vi đó...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem