Doanh nghiệp sẽ trả tiền cho nhà báo để làm gì? Để im lặng, để viết sai sự thật. Chỉ cần vài phút lướt mạng, bạn sẽ đọc được hàng chục tin tức như thế. Nhưng ở một hội thảo về trách nhiệm của nhà báo do CLB Nhà báo nữ Việt Nam và Hội nữ Trí thức Việt Nam tổ chức mới đây, ngay trước thềm ngày báo chí cách mạng 21.6, một nữ doanh nhân ném vào giữa diễn đàn một quan điểm chưa từng có.
Nữ doanh nhân này tuyên bố rằng doanh nghiệp nên “mua” báo chí, nhưng là mua để... làm việc tốt. Bà Thư Kỳ, giám đốc phát triển dự án của một tập đoàn bất động sản, nói trong tham luận của mình: “Doanh nghiệp có thể hỗ trợ báo chí, quyền lực thứ 4 của xã hội, để thúc đẩy họ phụng sự cho minh bạch”. Nói cách khác, là doanh nghiệp trả tiền cho nhà báo để họ đấu tranh cho xã hội.
Vị doanh nhân này thừa nhận rằng với nhiều doanh nghiệp hiện nay, sự bất minh là có lợi. Môi trường kinh doanh Việt Nam hiện nay dường như đang “cổ xúy” cho sự bất minh, với việc hơn một nửa doanh nghiệp thừa nhận rằng mình phải chi tiền "bôi trơn" để hoạt động, theo một điều tra của Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam năm 2015.
Một bài báo với phóng viên chỉ có giá trị vài trăm nghìn đồng nhuận bút, nhưng với doanh nghiệp có thể trị giá cả tỷ đồng. Một vài chục triệu đưa cho nhà báo để họ im lặng hay viết khác, là bài toán kinh tế dễ dàng với bất kỳ ai. Nhưng nữ doanh nhân kia tuyên bố rằng nếu doanh nghiệp có thể giúp báo chí đấu tranh cho sự thật, thì “những người làm ăn chân chính sẽ không còn phải vẫy vùng trong một môi trường mà tất cả cùng phải lách luật, phải bôi trơn, ai không làm sẽ bị phân biệt đối xử. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi, một cái lợi lâu dài không dễ nhìn thấy nhưng chắc chắn tồn tại”.
Ở Mỹ, vẫn có những nhà đại tư bản tài trợ cho các nhóm nhà báo để họ phục vụ xã hội. Như nhóm nhà báo độc lập ProPublica, nổi tiếng với các phóng sự điều tra, từng giành giải Pulitzer, cũng nhận tài trợ của trùm tư bản George Soros.
Đó là một mô hình phổ biến tại các quốc gia phát triển, khi doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm bằng việc tài trợ cho Sự Thật. Cái lợi ấy không dễ nhìn thấy. Bây giờ thay vì đưa ngay 10.000 USD cho nhà báo dưới gầm bàn, để yên ổn thực hiện một vụ làm ăn 10 triệu USD có nhiều "lắt léo", lại phải chi tiền cho họ đấu tranh, để chờ 10 năm, 20 năm hay thậm chí lâu hơn để toàn bộ môi trường kinh doanh được trở nên minh bạch. Một mệnh đề rất khó chấp nhận với nhiều người.
Đề xuất của vị nữ doanh nhân kia là một ẩn dụ về tầm nhìn. Nó cũng giống như là kêu gọi ai cũng hành xử như vị giám đốc người Nhật ở khu công nghiệp Tân Đức, thà hy sinh công việc làm ăn chứ không thỏa hiệp với những gì mình cho là không phải. Tầm nhìn ấy xa đến mức trong xã hội chúng ta ít người muốn... nhìn.
Một vị quan chức chỉ có nhiệm kỳ 5 năm, thanh liêm trong thời gian ấy có thay đổi được cả xã hội hay không? Một hộ kinh doanh chỉ có thời, không chặt chém khách du lịch ngay lúc này thì liệu có làm cho cả cái bãi biển ấy tốt đẹp lên hay không? Một doanh nghiệp may mắn lắm mới giành được dự án, cứ làm theo đúng trình tự pháp luật thì liệu đến đời con cháu mình có được sống tốt hơn hay không? Quan điểm lúc này dường như là làm mọi cách để rồi có món lợi trước mắt, con cháu mình... đi định cư nước ngoài là tốt nhất.
Ý tưởng mà vị nữ doanh nhân kia nêu lên có thể sẽ rơi tõm vào hư không và chỉ được phép tồn tại ở... nước Mỹ.
Nó tương đương với câu hỏi: Nếu hệ thống có lỗ hổng, thì chúng ta lợi dụng nó kiếm lợi hay bỏ công sức ra để lấp khoảng trống ấy để tất cả cùng được lợi?
Chờ đợi một ngày mà tất cả cùng nhìn, cùng hành động vì tương lai, cùng sống vì một xã hội tốt (dù có thể không được hưởng nó), rất đáng suy nghĩ, nhưng để thực hiện, cần một thái độ sống khác từ nhiều người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.