Bình minh thung lũng Hồng

Thứ sáu, ngày 18/05/2012 18:16 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cánh đồng Ayun Hạ trải ra trước mắt tôi một biển lúa vàng rực. Khói đốt đồng từng đụn lơ lửng dưới vòm trời xanh ngắt. Nghe đậm đặc trong khứu giác những mùi bùn, mùi rạ rơm nồng ấm...
Bình luận 0

Quốc sử quán triều Nguyễn “Đại Nam liệt truyện chính biên” nhị tập - quyển 32 có một đoạn ghi chép khá thú vị về vùng đất “Hỏa xá”. Vùng đất ấy chính là thung lũng Ayun Pa (Gia Lai) ngày nay. Từ quá khứ đói nghèo của lịch sử, Ayun Pa ngày nay là một thị xã đang trên đà phát triển với những cung cách làm ăn mới...

Cánh đồng Ayun Hạ trải ra trước mắt tôi một biển lúa vàng rực. Khói đốt đồng từng đụn lơ lửng dưới vòm trời xanh ngắt. Nghe đậm đặc trong khứu giác những mùi bùn, mùi rạ rơm nồng ấm. Cái mùi ấy gặp lại chợt ngỡ mình như đang ở đồng bằng… Công trình đại thủy nông Ayun Hạ đã cho cao nguyên một vựa lúa 6.770ha hai vụ không kể phần thuộc huyện Ia Pa (Gia Lai), trở thành một cây gậy thần mang phép lạ xua đi cái đói cố hữu ngàn đời vẫn đè nặng lên cuộc sống đồng bào dân tộc…

img
Mùa vàng trên đồng Ayun Pa.

Người cho tôi cuộc tham quan đầy ấn tượng hôm đó là Rơma Dương. Trở về ngồi trên “thủy tạ” giữa cái ao lộng gió rộng hơn 5 sào của Dương nhắm rượu với cá vớt từ ao lên, nghe Dương kể chuyện, càng thấy mình được chứng minh thêm bằng những điều “vi mô” của sự thay đổi kì diệu trên: với 5,2 sào ao nuôi cá, 100 con vịt và lúa, anh chàng này mỗi năm thu nhập từ vườn, ao, chuồng (VAC) khoảng 200 triệu đồng.

Căn nhà của Dương lừng lững bên bờ ao nhìn chẳng kém bao nhiêu các tỷ phú thời mới. Vậy mà Dương bảo: “Vợ chồng em đều là công chức nhà nước nên chỉ có thời gian làm tay trái thôi. Em đưa anh đi tham quan cơ ngơi của 2 nhân vật này, anh sẽ thấy cung cách làm ăn hôm nay của người nông dân Ayun Pa…”.

Gia đình thứ nhất là vợ chồng Hoàn- Phương: Một trang trại rộng tới 10ha với cây ăn trái, chuồng trại nuôi hươu nai nối tiếp nhau trông chẳng kém gì một điền chủ Nam Bộ… Người thứ hai là Vũ Tình. Ông này thì không kham cả VAC mà chỉ chọn phương cách làm giàu từ “A”.

Vũ Tình quê ở Bắc Lý (Hà Nam), vào lập nghiệp ở Ayun Pa năm 1984. Tình kể: “Lúc mới vào gia đình em đói đến mức gọi là “chờ chết”. Mãi sau vay mượn được bạn bè mấy chỉ vàng, em sắm cái máy bơm nước thuê. Được mấy năm máy phải dẹp vì Ayun Hạ hoàn thành, em xoay sang nghề xay xát. Nhưng rồi máy xay xát lại mọc ra như nấm, lỗ cả tiền dầu. Dành dụm được ít tiền qua mấy năm xoay xở, bán luôn cả cái nhà trong thị trấn, em ra đây mua đất.

Hồi đó khu này hoang hóa lắm, đất lại toàn ụ với gò, em thuê máy ủi san đất cải tạo, vừa trồng lúa vừa đào ao nuôi cá. Không biết kỹ thuật nên em nuôi bừa, mấy vụ đầu chỉ có huề vốn. Thất bại làm em sáng ra một điều: Thời buổi bây giờ làm ăn không phải dựa vào cơ bắp mà phải dựa vào cái đầu. Em bỏ tiền lang thang vào tận Tây Ninh, Cần Thơ để học kinh nghiệm. Đúng là “đi một bước đàng học một sàng khôn”, không chỉ học được cách nuôi cá, em còn học được nghề nuôi ba ba. Đủ tự tin rồi, em bắt tay làm lại từ đầu…”.

“Nuôi ba ba ai cũng nói ra nói vào nhưng em quyết chí làm. Mỗi con ba ba trừ chi phí, bán rẻ cũng có lãi 100 ngàn đồng – có nghĩa là riêng ba ba, em sẽ lãi chừng ba trăm triệu. Các nguồn khác như cá 30 triệu, 4ha lúa khoảng 18 tấn; tính gộp mỗi năm gia đình sẽ có thu nhập trên 350 triệu đồng…” - Tình chia sẻ.

Từ chuyến đi đầy ấn tượng ấy, tôi đã có một ý niệm nhất quán rằng, cũng là đất ấy, vị thế ấy mà Ayun Pa có một sự đổi thay kì diệu của ngày hôm nay ấy là bởi thể chế xã hội đã cho mảnh đất này những con người dám sống hết mình, cháy hết mình…

Mấy năm gần đây một sự kiện khiến người dân Ayun Pa hết sức quan tâm – ấy là thị trấn Ayun Pa được “nâng cấp” lên thành thị xã. Và dường như là một sự kiện tất yếu trong suy nghĩ của mọi người, Ayun Pa đã có một sự chuyển mình lặng lẽ mà đầy quyết liệt…

Và còn những gì nữa sẽ thành hiện thực khi Ayun Pa có một tiềm năng còn lớn hơn tất cả mọi tiềm năng – ấy là những con người dám sống, dám cháy hết mình cho mảnh đất này mà tôi đã gặp?

Đã có một thời người ta cứ mặc nhiên coi Ayun Pa là thị xã. Điều này có lẽ hàm chứa cả một sự mong đợi. Nhưng là một đô thị hình thành cưỡng bức bởi nhu cầu của chiến tranh, nó không giữ một vai trò đáng kể lắm trong sự phát triển kinh tế – văn hóa cho một vùng đất. Sự tiềm tàng về tiềm năng kinh tế – văn hóa của một vùng đất cần một đầu máy đầy sức mạnh để dịch chuyển cái tiềm năng ấy đến bến đỗ mới …

… Có một ngày – dường như cũng đã khá lâu, tôi được một anh bạn rủ ra Thung lũng Hồng. Cá lăng tươi ngoay ngoảy đánh dưới sông lên, nướng tại chỗ nhắm với rượu cần. Trong cái quán tranh vi vút gió ở bờ sông nhìn ra Thung lũng Hồng đang mùa đổi lá, tôi ngẩn ngơ trước bức tranh thiên nhiên đẹp như kiệt tác “Mùa thu vàng” của danh họa Lêvitan… Bạn tôi ước giá mà nơi đây trở thành một khu du lịch… Nhớ chuyện cũ, giờ tôi bỗng thấy cái mong ước này đã gần quá ư là hiển nhiên. Chẳng riêng gì Thung lũng Hồng mà cả Suối Đá, Bến Mộng – những thắng cảnh nổi tiếng của Ayun Pa đều sẽ là như thế. Sắc thổ cẩm và những đặc sản của vùng đất này sẽ điểm tô cho những thắng cảnh này, níu chân khách du lịch gần xa…

Và còn những gì nữa sẽ thành hiện thực khi Ayun Pa có một tiềm năng còn lớn hơn tất cả mọi tiềm năng – ấy là những con người dám sống, dám cháy hết mình cho mảnh đất này mà tôi đã gặp?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem