Bình Phước bổ sung gần 10.000 ha đất cho phát triển khu công nghiệp

Cao Hùng Thứ bảy, ngày 03/10/2020 10:08 AM (GMT+7)
Phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những điểm sáng nhất của tỉnh Bình Phước trong thời gian gần đây. Bình Phước đã lên kế hoạch bổ sung gần 10.000 ha đất đai, nhằm phát triển các khu công nghiệp, gắn với phát triển cơ sở hạ tầng…
Bình luận 0

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước thể hiện: Giai đoạn 2016-2020, chương trình phát triển công nghiệp - xây dựng của Bình Phước đạt kết quả cao, đóng góp 43% giá trị trong cơ cấu kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 95% toàn ngành công nghiệp.

Hiện tỉnh có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha; trong đó có 5 khu đã lấp đầy. Chính sách thu hút đầu tư và công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm, nên ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn có năng lực đến đầu tư tại tỉnh.

Bình Phước bổ sung gần 10.000 ha đất cho phát triển khu công nghiệp - Ảnh 1.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước đang diễn ra, chỉ tiêu phát triển cơ sở hạ tầng được xem là yếu tố quan trọng để Bình Phước "cất cánh". Ảnh: C.H

Chuẩn bị điều kiện cho thu hút đầu tư phát triển công nghiệp giai đoạn tới, Bình Phước phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam điều chỉnh quy hoạch sử dụng thêm 9.992 ha giai đoạn 2021-2030, để mở rộng các khu công nghiệp hiện có và phát triển các khu, cụm công nghiệp mới.

Theo bà Trần Tuệ Hiền – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước: "Xác định tiếp tục tái cơ cấu kinh tế theo hướng "tăng tỷ lệ công nghiệp - xây dựng", gắn với vùng nguyên liệu, thì việc đẩy mạnh các đột phá về hạ tầng kèm theo chú trọng các yếu tố cụ thể, cần thiết khác là việc phải làm. Việc chuẩn bị quỹ đất cho mục tiêu này, chúng tôi xem là yếu tố hết sức quan trọng trong nhiệm kỳ tới".

Bình Phước bổ sung gần 10.000 ha đất cho phát triển khu công nghiệp - Ảnh 2.

Bình Phước sẽ làm việc với Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam , chuyển đổi gần 10.000 ha đất cao su sang xây dựng khu công nghiệp, cải thiện cơ sở hạ tầng . Ảnh: T.L

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, trước hết, muốn đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cần có nguồn lực. Nếu cứ trông chờ vào đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, thì cần có thời gian dài và không bao giờ là đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đến lúc phải tìm cách huy động mọi nguồn lực cho hạ tầng, kể cả việc mạnh dạn đề xuất, xin chủ trương từ Trung ương để đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Có thể kêu gọi các doanh nghiệp từ ngoài tỉnh đầu tư hạ tầng trong tỉnh. Hoặc kêu gọi chính các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại tỉnh đầu tư cho hạ tầng trong khu vực hoạt động của mình, đảm bảo hai bên đều có lợi và theo đúng quy định pháp luật.

Bình Phước đã chú trọng phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu để hướng đến bền vững, giảm thiểu thiệt hại do biến động thị trường cả nội địa lẫn xuất khẩu.

Bình Phước bổ sung gần 10.000 ha đất cho phát triển khu công nghiệp - Ảnh 4.

Nhu cầu phát triển các khu công nghiệp ở Bình Phước đang rất cần quỹ đất sạch cho việc thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Ảnh: C.H

Cụ thể, nông nghiệp Bình Phước đang hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn trái, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp gắn với chuỗi giá trị, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Trình độ sản xuất, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng lên.

Liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mở rộng; đã hình thành thương hiệu Hồ tiêu Lộc Ninh, được cấp Chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước... Tỉnh đã thành lập 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai quy hoạch vùng an toàn sinh học theo tiêu chuẩn quốc tế; nghiên cứu, thử nghiệm thành công các mô hình như: trồng các giống hoa lan nhiệt đới, dưa lưới, rau thủy canh trong nhà màng và ứng dụng công nghệ thông minh chăm sóc tự động.

Chuyển giao hàng chục mô hình trồng cà phê ghép, cải tạo vườn điều già cỗi, xây dựng và phát triển vườn rau an toàn... Các mô hình hợp tác kinh tế và hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi sản xuất - chế biến đem lại hiệu quả và thu nhập cao hơn cho người nông dân. Đây không chỉ là phát triển bền vững mà là hướng đi đúng xu thế.

Bình Phước bổ sung gần 10.000 ha đất cho phát triển khu công nghiệp - Ảnh 6.

Năm 2020 cũng la năm Bình Phước xây dựng hạ tầng đô thị và phát triển mạng lưới giao thông phủ . Ảnh: C.H

Đặc biệt, hệ thống giao thông được chú trọng đầu tư, đảm bảo các tuyến giao thông huyết mạch (Quốc lộ 13, 14, ĐT 741) lưu thông thuận lợi, kết nối giữa Tây Nguyên với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh và kết nối TP. HCM đến các nước Campuchia, Lào, Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.

Hoàn thành xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới kết nối lưu thông giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh Đắk Nông, Tây Ninh. Tỉnh đã kêu gọi và huy động vốn của doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT, BT, hoàn thành một số dự án trọng điểm như: dự án BOT quốc lộ 13 đoạn An Lộc - Chiu Riu, dự án BOT mở rộng đường tỉnh 741 đoạn Bàu Trư - Đồng Xoài và đoạn Đồng Xoài - Phước Long; dự án BT đường Minh Hưng - Đồng Nơ kết nối giao thông liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế.

Bình Phước bổ sung gần 10.000 ha đất cho phát triển khu công nghiệp - Ảnh 7.

Khởi công xây dựng một số tuyến đường giao thông trong nội ô TP. Đồng Xoài. Ảnh: T.L

Giai đoạn 2016-2020, Bình Phước xây dựng được 6.900km đường giao thông. Trong đó, giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư với trên 3.900km đường bê tông triển khai theo cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Đặc biệt, từ năm 2019, Tỉnh ủy ra chỉ tiêu mỗi năm xây dựng 1.000km đường nông thôn theo cơ chế đặc thù, góp phần chuyển biến tích cực đời sống của người dân vùng nông thôn.

Trong 12 dự án trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra, đến nay đã có 6 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo cơ sở, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, gồm: dự án nâng cấp đường ĐT 759; dự án nâng cấp đường tuần tra biên giới; dự án BOT quốc lộ 13 đoạn An Lộc - Chiu Riu; dự án BT đường Minh Hưng - Đồng Nơ; dự án Khu di tích lịch sử và du lịch sinh thái Căn cứ Bộ chỉ huy Miền - Tà Thiết; dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.

Bình Phước bổ sung gần 10.000 ha đất cho phát triển khu công nghiệp - Ảnh 8.

Năm 2020, tỉnh Bình Phước cũng tiến hành khởi công xây dựng tuyến đường nối Bình Phước với tỉnh Bình Dương. Ảnh: T.N.M.T

Có 4 dự án hoàn thành giai đoạn I gồm: dự án Becamex - Bình Phước; dự án BOT mở rộng đường tỉnh 741 đoạn Bàu Trư - Đồng Xoài; dự án BOT mở rộng đường tỉnh 741 đoạn Đồng Xoài - Phước Long; dự án Khu du lịch tâm linh núi Bà Rá. Có 2 dự án đang triển khai gồm: dự án Khu du lịch sinh thái kết hợp với phim trường trảng cỏ Bù Lạch; dự án Trung tâm thương mại tại Đồng Xoài, Phước Long, Chơn Thành.

Từ hệ thống này, việc vận chuyển nguyên vật liệu từ cảng, từ các nơi về Bình Phước và từ Bình Phước đi các nơi, ra cảng cho xuất khẩu không còn là trở ngại. Thời gian vận chuyển và cả chi phí vận chuyển đều được giảm, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem