Bình Phước: Gạo sạch An Khương theo túi an sinh làm ấm lòng người dân vùng dịch

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 29/09/2021 16:00 PM (GMT+7)
Ít ai biết rằng trong số 15 tấn gạo mà Hội Nông dân tỉnh Bình Phước gửi hội viên nông dân TP.HCM và Bình Dương phần lớn là gạo sạch miền cao của đồng bào dân tộc thiểu số ủng hộ bà con chống dịch.
Bình luận 0

Gạo sạch miền cao

Bà Phạm Thị Yến Linh – Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (thuộc Hội Nông dân tỉnh Bình Phước) cho biết, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, cuộc sống của nhân dân trong các khu vực bị phong tỏa còn gặp rất nhiều khó khăn.

Với tinh thần"tương thân, tương ái", Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đã phát động chương trình 3.000 túi an sinh hỗ trợ hội viên nông dân đang gặp khó ở TP.HCM và Bình Dương.

Đây là hoạt động hưởng ứng Chương trình "Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình cùng cả nước vượt qua dịch bệnh Covid-19" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động.

Chuyến xe chở nhu yếu phẩm từ Hội Nông dân Bình Phước gửi tặng hội viên nông dân TP.HCM và Bình Dương. Ảnh: Hội Nông dân Bình Phước.

Chuyến xe chở nhu yếu phẩm từ Hội Nông dân Bình Phước gửi tặng hội viên nông dân TP.HCM và Bình Dương. Ảnh: Hội Nông dân Bình Phước.

Ngày 26/9 vừa qua, 3.000 túi quà an sinh được trao cho các hội viên nông dân ở TP.HCM và Bình Dương.

Gạo sạch là một trong số các mặt hàng nhu yếu phẩm trong các túi quà an sinh này.  

Bà Linh kể, sau 10 ngày vận động, Hội Nông dân các huyện thị đóng góp trung bình 250 túi quà.

Trong mỗi túi quà chừng 10kg nhu yếu phẩm sẽ có 5kg gạo. Vì thế, trong 3.000 túi an sinh có tổng cộng 15 tấn gạo.

Cánh đồng lúa ở ở xã An Khương, huyện Hớn Quản. Ảnh: Trần Khánh

Cánh đồng lúa ở ở xã An Khương, huyện Hớn Quản. Ảnh: Trần Khánh

Theo bà Linh, lúa gạo ở Bình Phước hiện nay do phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số canh tác.

"Vì thế cùng với mì, trứng, rau củ quả; số gạo ủng hộ lần này còn gửi gắm cả tấm lòng của đồng bào miền cao, san sẻ chút lòng thơm thảo, gửi về bà con nông dân đang gặp khó nơi thành thị", bà Linh nói.

Đặc sản gạo An Khương của đồng bào dân tộc S'tiêng bản địa ở xã An Khương, huyện Hớn Quản là một trong số này.

Diện tích trồng lúa ở xã An Khương không lớn, chỉ 260ha. Tuy nhiên gạo An Khương nổi tiếng từ lâu vì canh tác theo phương thức truyền thống, chỉ dùng phân chuồng mà không dùng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học.

Già làng Điểu Đum ở ấp 2, xã An Khương kể, chẳng biết giống lúa ở An Khương có từ bao giờ. Cả làng đều ăn gạo tự trồng từ rất lâu rồi; cho đến bây giờ vẫn chỉ ăn loại gạo này.

Trước đây, mỗi năm đồng bào chỉ trồng 1 vụ. Nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, kênh mương dẫn nước nội đồng thuận lợi hiện nay đã trồng 2 vụ mỗi năm, năng suất cũng đạt cao hơn

Gạo An Khương nấu lên mềm, thơm, nhiều dinh dưỡng và bảo đảm an toàn sức khỏe.

Bà con xã An Khương đồng lòng góp gạo, gửi quà an sinh gửi ủng hộ TP.HCM và Bình Dương. Ảnh: Nông nghiệp Hớn Quản

Bà con xã An Khương đồng lòng góp gạo, gửi quà an sinh gửi ủng hộ TP.HCM và Bình Dương. Ảnh: Nông nghiệp Hớn Quản

Già làng Điểu Đum cho biết, khi được chính quyền và các cấp Hội Nông dân vận động, của ít lòng nhiều, mỗi người cố gắng gom góp gửi xuống cho bà con còn gặp khó.

Trước đó, trong đợt kêu gọi hỗ trợ thực phẩm cho TP.HCM hồi cuối tháng 8, cũng đã có rất đông bà con đồng bào trong xã chung tay.  

Đồng bào dân tộc thiểu số ủng hộ bà con thành thị chống dịch

Tại huyện Bù Đăng, xã vùng sâu Đăng Hà cũng có 75% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng, Dao từ các tỉnh phía Bắc di cư vào lập nghiệp, và mang theo cả nghề trồng lúa nước.

Sản phẩm gạo sạch Đăng Hà của huyện Bù Đăng. Ảnh: Trần Khánh

Sản phẩm gạo sạch Đăng Hà của huyện Bù Đăng. Ảnh: Trần Khánh

Ông Bàn Văn Lưu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăng Hà cho biết, cùng với lợi thế nguồn nước dồi dào từ sông Đồng Nai; thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa khiến nghề trồng lúa nước trở thành kinh tế chủ lực của người dân nơi đây.

Cũng như ở An Khương, những năm trước, với giống lúa dài ngày, tập quán canh tác truyền thống, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, nông dân Đăng Hà chỉ trồng từ 1-2 vụ lúa/năm với năng suất thấp.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh Bình Phước khảo sát vùng trùng gạo sạch xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh. Ảnh: Hội Nông dân Bình Phước.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh Bình Phước khảo sát vùng trồng gạo sạch xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh. Ảnh: Hội Nông dân Bình Phước.

Trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo Đăng Hà, Hội Nông dân đã vận động bà con bỏ dần lối canh tác truyền thống. Đồng thời đưa các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt vào gieo trồng để góp phần nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho người dân.

Hiện nay, Hội Nông dân xã Đăng Hà cùng với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng đang tiếp tục hỗ trợ bà con trồng lúa gạo theo hướng hữu cơ, trên tổng diện tích 600ha.

Ngoài ra, tại huyện biên giới vùng cao Lộc Ninh, gạo sạch từ 300ha lúa của bà con xã nghèo Lộc Quang cũng đóng góp vào chương trình này.

Bà Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM (thứ 2 từ phải sang) trao tặng những phần quà nghĩa tình của Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đến hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hội Nông dân TP.HCM

Bà Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM (thứ 2 từ phải sang) trao tặng những phần quà nghĩa tình của Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đến hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hội Nông dân TP.HCM

Bà Yến Linh cho biết, các xã An Khương, Đăng Hà hay Lộc Quang... là những vùng chuyên canh trồng lúa sạch, đang định hướng xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình.

"Của ít lòng nhiều, những hạt gạo sạch mà đồng bào gom góp mang ý nghĩa thiết thực, góp phần hỗ trợ, động viên hội viên nông dân TP.HCM và Bình Dương vượt qua giai đoạn khó khăn, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19", bà Linh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem