Tại hội nghị Đề xuất ý tưởng dự án đầu tư và hỗ trợ phát triển ngành điều, tiêu và cây ăn quả, tổ chức tại Bình Phước ngày 13.3, đại diện UBND tỉnh Bình Phước đã đề nghị Bộ NNPTNT có biện pháp hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí cho người trồng điều trong tỉnh.
Trong đó, Bình Phước đặc biệt đề nghị Bộ hỗ trợ tỉnh tiếp cận các nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn khác để “giải cứu” ngành điều.
Lãnh đạo Bộ NNPTNT họp với tỉnh Bình Phước và một số tỉnh, thành về việc tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ phát triển ngành điều, tiêu và cây ăn quả
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Thị Hằng cho biết hiện tỉnh có gần 150 ngàn ha điều nhưng phần lớn đã già cỗi, năng suất thấp do trồng trên các vùng đất bạc màu. Có một thực trạng là các hộ vùng sâu vùng xa, các hộ dân tộc ít người không thâm canh, không tái canh để tăng năng suất vườn điều.
Để giúp ngành điều phát triển bền vững, tỉnh Bình Phước đề nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ, giúp tỉnh tiếp cận các nguồn viện trợ không hoàn lại giúp các hộ dân nhỏ lẻ tái canh, thâm canh vườn điều. Tỉnh Bình Phước cũng kiến nghị bộ cho tiếp cận nguồn vốn vay ODA để thực hiện đề án phát triển ngành điều bền vững.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước thông tin rõ hơn rằng tỉnh cần nguồn kinh phí rất lớn để phát triển điều. Bà dẫn chứng tỷ lệ điều già cỗi trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 80%. Trước đây cây điều được xem là cây xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi trọc nên người dân ít quan tâm đầu tư chăm sóc điều. Điều này khiến năng suất thấp, điển hình như năm 2017 năng suất điều giảm ½ so với các năm trước. Theo kế hoạch đến năm 2020 tỉnh sẽ tái canh khoảng 25.000ha với kinh phí 20 triệuđồng/ha, thâm canh khoảng 41.500ha, với kinh phí khoảng 10 triệu đồng/ha.
Phần lớn diện tích điều tại Bình Phước già cỗi, cho năng suất thấp
Ngoài ra tỉnh đề xuất Bộ NNPTNT hỗ trợ trong việc tổ chức lại sản xuất, trong đó có việc tái canh, thâm canh, xen canh các vườn điều, đồng thời liên kết thành lập các câu lạc bộ sản xuất điều, liên kết hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, thành lập các mô hình kinh tế năng suất cao… Bình Phước đưa ra phương án cho tỉnh tiếp cận vốn vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp. Việc ưu đãi thực hiện theo lộ trình với phương án vay tái canh lộ trình 3 năm, vay thâm canh lộ trình 10 năm.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh ghi nhận các ý kiến đề xuất này, đồng thời cho biết Bộ đang xem xét thêm các vấn đề như: xây dựng cơ sở hạ tầng giúp phát triển ngành điều, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tổ chức lại sản xuất trong ngành điều… Các phương án đề xuất tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ phát triển ngành điều, tiêu, cây ăn quả cũng như các giải pháp giúp phát triển ngành điều sẽ được Bộ NNPTNT tổng hợp trình Chính phủ xem xét.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.