Giá mủ cao su tăng mặc cho dịch Covid bùng phát, nông dân Bình Thuận đi cạo mủ kiếm tiền đều tay
Bình Thuận: Trồng thứ cây cạo chảy ra nước trắng, thời Covid-19 ai ngờ lại có giá, nông dân được đón tiếp niềm nở
Thứ ba, ngày 28/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Năm 2021, giá mủ cao su tăng và giữ mức ổn định hơn. Điều này mang niềm vui cho nhiều bà con dân tộc thiểu số ở xã Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận).
Từ sáng sớm, người dân bắt đầu cạo mủ cao su. Khoảng 8g30 giờ sáng trở đi, mỗi người chở 2 - 3 can mủ cao su trắng (loại 30 lít/can) trên xe máy đến các điểm thu mua.
Tại các điểm thu mua, các thương lái luôn niềm nở, liên tục tiếp đón nhà vườn để cân, đo mủ nước lẫn mủ bèo.
Tất cả tạo không khí mua bán nhộn nhịp. Trong thu mua, cân đo độ mủ cao su là khâu quan trọng để tính hàm lượng mủ cao su.
Khi thu mua, các thương lái cân 10 gram nước mủ đổ vào chảo chống dính, phủ đều mặt chảo và đặt lên bếp. Khi mủ ngã màu vàng, thì tắt bếp lấy mủ ra cân lại để tính hàm lượng mủ cao hay thấp.
Theo các thương lái, giá mủ cao su năm nay giữ mức ổn định. Tại thời điểm này, giá mủ nước là 320 đồng/độ, cao hơn so với năm 2020 (200 đồng/độ).
Giá mủ bèo 13.000 - 14.000 đồng/kg, cao hơn 3.000 - 4.000 đồng so với năm 2020. Thu nhập cùa người trồng cao su phụ thuộc vào hàm lượng mủ cao hay thấp.
Tính bình quân, mỗi hộ có 5 sào cây cao su, thì thu được 4 - 5 triệu đồng/ tháng. Hộ nào vườn trồng tầm 1 ha trở lên, thu nhập hơn 9 triệu/tháng.
Được biết, toàn xã Đông Giang có 790 ha cao su đang trong giai đoạn thu hoạch.
Trong đó, có 415 ha do nhà nước đầu tư hỗ trợ cho bà con dân tộc thiểu số, 375 ha do bà con mở rộng diện tích trồng từ năm 2013.
Giá mủ cao su tăng giúp nông dân trồng cao su xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận phấn khởi vì tăng thu nhập. Video: Báo Bình Thuận.
Dẫu chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19, nhưng gía mủ cao su năm 2021 có chiều hướng tăng lên. Từ đó giúp người trồng có nguồn thu trang trải cuộc sống và mua lại phân, thuốc tái đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.