Bộ Công an chỉ đạo làm rõ tổ chức, cá nhân đã bao che hoặc bảo kê vụ án Đường Nhuệ

Thứ năm, ngày 21/05/2020 15:01 PM (GMT+7)
Kinh nghiệm đấu tranh với các băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp hoạt động theo kiểu "xã hội đen" mà lực lượng công an đã rút ra trong những năm qua là: Phải chủ động phát hiện, làm tan rã băng nhóm "ngay từ trong trứng" không để hoạt động phức tạp rồi mới triệt phá.
Bình luận 0

Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đã trả lời phỏng vấn báo chí một số nội dung liên quan đến vụ án Đường Nhuệ ở Thái Bình.

Ðến thời điểm này, theo đồng chí, vai trò của lãnh đạo Bộ, Công an tỉnh, Tỉnh ủy và chính quyền địa phương trong việc phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo mở chuyên án đấu tranh với Ðường - Dương và băng nhóm như thế nào?

Ổ nhóm tội phạm do Nguyễn Xuân Ðường (Đường Nhuệ) cầm đầu hoạt động trên phạm vi địa bàn tỉnh Thái Bình, do Công an tỉnh Thái Bình chủ động lập án, thu thập tài liệu và điều tra theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, đây là vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm nên lãnh đạo Bộ Công an (trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng và đồng chí Thứ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an) đã thường xuyên chỉ đạo, trực tiếp làm việc với Ban Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình để chỉ đạo quyết liệt công tác điều tra vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cũng rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo vụ án này. Hằng tuần, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, các vụ việc, vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 1593) của tỉnh Thái Bình họp, nghe và cho ý kiến chỉ đạo.

Ðồng chí Giám đốc và Phó Giám đốc phụ trách công tác Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã trực tiếp chỉ đạo chuyên án và các vụ án liên quan đến Ðường - Dương.

Như vậy vụ án Ðường - Dương có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, thống nhất của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình.

Vì sao trong thời gian dài, việc tội phạm hoạt động vi phạm pháp luật công khai, đánh người tại cả trụ sở công an, đã được nhân dân, cán bộ đảng viên - kể cả cán bộ trong ngành - phát hiện, tố cáo, nhưng chưa được xử lý triệt để?

Báo cáo bước đầu của Công an tỉnh Thái Bình cho thấy, hoạt động của ổ nhóm Ðường - Dương đã được lực lượng công an theo dõi, phát hiện và đấu tranh.

Từ năm 2010 đến nay, lực lượng công an tỉnh Thái Bình đã xử lý 20 vụ, 15 đối tượng có mối quan hệ với Nguyễn Xuân Ðường (có đối tượng bị xử lý nhiều lần).

Tuy nhiên, thủ đoạn hoạt động của Ðường rất tinh vi, phần lớn vụ việc, Ðường không ra mặt mà chỉ đạo đàn em thực hiện nên việc xử lý Ðường rất khó khăn, nhất là trong việc thu thập chứng cứ chứng minh liên quan của Nguyễn Xuân Ðường.

Tháng 1/2020, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình đã chủ động chỉ đạo xác lập chuyên án hình sự để đấu tranh với ổ nhóm này. Kết quả đến nay đã phục hồi điều tra 1 vụ án, khởi tố mới 3 vụ án và khởi tố 13 bị can, trong đó có vợ chồng Ðường - Dương.

Như vậy, mặc dù Công an tỉnh Thái Bình đã chủ động phát hiện và triệt phá ổ nhóm tội phạm Ðường - Dương, nhưng việc để ổ nhóm này hoạt động trong thời gian dài ở địa phương, ngoài những khó khăn khách quan nêu trên và vai trò của hệ thống chính trị, có trách nhiệm về mặt công tác nghiệp vụ phòng, chống tội phạm của Công an tỉnh Thái Bình.

Bộ Công an đã chỉ đạo các Cục nghiệp vụ kiểm tra lại công tác nghiệp vụ đấu tranh với băng nhóm Ðường - Dương; đồng thời thẩm định lại một số vụ án liên quan Ðường - Dương trước đây điều tra chưa triệt để (như vụ cố ý gây thương tích tại Công an phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình năm 2014; vụ việc anh Nguyễn Văn Hà tố cáo Nguyễn Xuân Ðường có hành vi chiếm, đập phá tài sản của Công ty Lâm Quyết…).

Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 1593 của tỉnh Thái Bình cũng đã chỉ đạo tập trung điều tra, xác minh làm rõ để sớm có kết luận có hay không và đó là tổ chức, cá nhân nào đã bao che hoặc bảo kê, "chống lưng" cho vợ chồng Ðường - Dương hoạt động vi phạm pháp luật.

Thưa đồng chí từ vụ việc này, bài học kinh nghiệm đối với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Công an tỉnh trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi xã hội đen mà dư luận cho rằng, có dấu hiệu thâm nhập, mua chuộc, thao túng một số cán bộ, cơ quan nhà nước, kể cả cán bộ ngành công an, là như thế nào?

Hiện nay, vụ án liên quan ổ nhóm tội phạm Ðường - Dương đang được khẩn trương tích cực điều tra mở rộng.

Bộ Công an cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Ban Bí thư về kết quả điều tra ban đầu vụ án. Việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoặc xử lý trách nhiệm sẽ được thực hiện sau khi có kết quả điều tra các vụ án và kết luận của các cơ quan chuyên môn của Bộ Công an và tỉnh Thái Bình.

Tuy nhiên, kinh nghiệm đấu tranh với các băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp hoạt động theo kiểu xã hội đen mà lực lượng công an đã rút ra trong những năm qua là: Phải chủ động phát hiện, làm tan rã băng nhóm "ngay từ trong trứng" không để hoạt động phức tạp rồi mới triệt phá.

Ðồng chí Bộ trưởng Công an đã chỉ đạo tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 75: "Nơi nào còn băng nhóm tội phạm thì lực lượng công an ở nơi đó không hoàn thành nhiệm vụ. Trách nhiệm của lực lượng công an là phải triệt xóa bằng được, triệt xóa bằng hết các băng nhóm tội phạm"; đồng thời phải chú ý làm tốt công tác xây dựng lực lượng, làm trong sạch đội ngũ, xử lý nghiêm các trường hợp bảo kê, "chống lưng" cho tội phạm.

Qua kết quả xử lý bước đầu các vụ việc kéo dài ở Thanh Hóa, Ðồng Nai, Thái Bình… liên quan tới thay đổi vị trí Giám đốc Công an tỉnh, về phía ngành công an, bài học lớn nhất về công tác cán bộ, theo ông là gì?

Thời gian qua, Ðảng ủy Công an Trung ương trên cơ sở đánh giá yêu cầu công tác và năng lực trình độ của cán bộ, đã tập trung phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy thực hiện chủ trương bố trí Giám đốc Công an tỉnh không phải là người địa phương.

Về cơ bản, các đồng chí được bổ nhiệm Giám đốc Công an tỉnh đều là cán bộ được lựa chọn, có phẩm chất và năng lực tốt, bước đầu đều đã phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương; nhiều đồng chí có dấu ấn nổi bật trong quyết liệt chỉ đạo giải quyết các vụ việc nổi cộm, bức xúc tại địa phương như Thanh Hóa, Ðồng Nai, Ðắk Lắk, Thái Bình…

Tuy nhiên, bên cạnh dấu ấn cá nhân thì vai trò của tập thể là rất quan trọng. Các chuyên án, vụ án lớn được điều tra khám phá là công sức của tập thể cán bộ, chiến sĩ với tinh thần không quản ngại hy sinh, sắc bén về nghiệp vụ, kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm.

Vì vậy, bài học lớn nhất về công tác cán bộ là bố trí đúng người đứng đầu và đoàn kết phát huy trí tuệ và sức mạnh của tập thể, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, tâm huyết, trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cảm ơn ông!

P.V (Báo Chính phủ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem