"Câu chuyện cổ tích" giữa đời thường ở miền đất đỏ bazan

Thứ năm, ngày 20/04/2023 14:02 PM (GMT+7)
Về miền đất đỏ bazan nơi cuối dải Trường Sơn hùng vĩ, chúng tôi được nghe và chứng kiến một "câu chuyện cổ tích" giữa đời thường của một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam với 5 con nuôi mồ côi người dân tộc Mông. Anh là Thiếu tá Phạm Nam Huân, hiện đang là Đội trưởng Đội sản xuất 6, Trung đoàn 720, Binh đoàn 16.
Bình luận 0

Người lính hải quân lên rừng

Rời ghế trường Phổ thông trung học, tháng 2-1994, Phạm Nam Huân tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Qua thời gian huấn luyện chiến sĩ mới và đào tạo khẩu đội trưởng tại Lữ đoàn 126-Vùng 4 Hải quân, anh vinh dự được ra công tác tại quần đảo Trường Sa. Biển đảo xa xôi, tin tức gia đình và người thân phải chờ biển lặng được các chuyến tàu mang đến những cánh thư, nhưng anh luôn yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Năm 1996, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh nộp đơn làm công nhân Binh đoàn 15. Hai năm sau, Binh đoàn 16 thành lập, anh là một trong những người của lớp công nhân đầu tiên xây dựng Binh đoàn 16, được biên chế về Trung đoàn 720. Trải qua nhiều cương vị như: Thủ kho, Bí thư chi đoàn, Đội phó thống kê, Đội trưởng Đội sản xuất, nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành tốt và được các cấp khen thưởng.

Bộ đội Huân-người cha của 5 con không cùng huyết thống - Ảnh 1.

Thiếu tá Phạm Nam Huân cùng các cháu đồng bào Mông trong địa bàn vào ngày nghỉ.

Năm 2010, anh nhận nhiệm vụ Đội trưởng Đội sản xuất 6. Đây là đơn vị có nhiều điểm khác so với các đội còn lại trong Trung đoàn 720.

Người lao động là đồng bào của 5 dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Mông từ các tỉnh phía Bắc du canh du cư vào Tây Nguyên được Chính phủ giao cho Binh đoàn 16, mà trực tiếp là Trung đoàn 720 đón về, tổ chức tái định cư. Với địa bàn quản lý rộng, nhiều sông, suối, hợp thủy chia cắt, độ dốc lớn, cây trồng đa dạng, khí hậu khắc nghiệt; trình độ dân trí của đồng bào chưa cao, phụ nữ ít biết tiếng phổ thông, phong tục tập quán lạc hậu, chưa quen với trồng, chăm sóc cây công nghiệp và đều theo công giáo nên để hoàn thành nhiệm vụ Phạm Nam Huân đã mất nhiều thời gian tìm hiểu về phong tục tập quán, tự học tiếng đồng bào Mông.

Qua 13 năm, Đội 6 từ chỗ khó khăn đã vươn lên đạt danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng". Năm 2010 bản Giang Châu (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) nơi đơn vị Đội 6 đứng chân là bản trắng đảng viên, nay đã có chi bộ với 5 đảng viên trong đó có 1 đảng viên là người đồng bào Mông. Không những vậy, tỉ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, 100% trẻ em được đến trường, người ốm được điều trị tại bệnh xá, bệnh viện, không có hiện tượng mê tín. 

Đơn vị phối hợp với các tổ chức chính trị địa phương, vận động nhân dân thực hiện nếp sống vệ sinh, khoa học, tu sửa đường giao thông, quyết tâm xây dựng bản làng văn hóa và thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng nông thôn mới".

Trở thành bảo mẫu

Tháng 5/2014, Đội 6 được lãnh đạo Binh đoàn 16 và Trung đoàn 720 giao nhiệm vụ tiếp nhận, ổn định cuộc sống cho 5 cháu nhỏ dân tộc Mông mồ côi cha mẹ từ xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk. Đó là các cháu: Sùng Thị Dinh (14 tuổi), Sùng A Giàng (12 tuổi), Sùng Thị Sùng (8 tuổi), Sùng Thị Nu (6 tuổi) và Sùng Thị Hìn (4 tuổi). Trực tiếp Thiếu tá Phạm Nam Huân làm "bảo mẫu" chăm sóc các cháu.

Khó khăn nối tiếp khó khăn, khi anh vừa phải tổ chức cho các hộ đồng bào lao động sản xuất, vừa tiếp nhận nuôi dưỡng 5 cháu mồ côi. Trong khi đó, vợ anh là Thiếu tá QNCN Nhữ Thị Dung-nhân viên văn thư lưu trữ của đơn vị-với đặc thù công việc nhiều nhưng chỉ được biên chế một người nên cũng rất bận rộn. Thiếu tá Phạm Nam Huân đã cùng vợ thu xếp công việc gia đình một cách khoa học, chăm sóc hai con, trong đó con lớn của anh chị sức khỏe yếu, thường xuyên phải điều trị tại bệnh viện…

Cách đây vài năm, con đường từ Quốc lộ 14A qua sở chỉ huy Trung đoàn về Đội 6 dài gần 20km với nhiều dốc đứng còn chưa đổ bê tông. Ngày ngày, trên con đường mùa mưa lầy lội, mùa khô bụi bay mù mịt, từ mờ sáng Thiếu tá Phạm Nam Huân đã lóc cóc trên chiếc xe máy cũ chở từng bó rau, miếng thịt, thùng mì tôm, chai nước mắm mang đến để hướng dẫn cho 5 cháu mồ côi nấu ăn sáng, hướng dẫn các cháu tự làm từ những việc nhỏ. Cháu nhỏ nhất chưa tự vệ sinh cá nhân, anh phải trực tiếp rửa mặt, chải đầu, cột tóc. Lúc các cháu ăn sáng, anh kiểm tra sách vở đồ dùng học tập ở mỗi cặp sách. Sau khi chở các con đỡ đầu đến trường gửi cô giáo, anh ghé qua nhà cùng vợ cho hai con của mình ăn uống rồi đưa đến lớp.

Bộ đội Huân-người cha của 5 con không cùng huyết thống - Ảnh 2.

Thiếu tá Phạm Nam Huân trên đường vào vườn cây hướng dẫn người lao động sản xuất.

Bộ đội Huân-người cha của 5 con không cùng huyết thống - Ảnh 3.

"Bố" Huân hướng dẫn các con mồ côi học bài năm 2023.

Nhiều hôm vội công việc anh quên cả ăn sáng, đến đơn vị cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn từng người lao động hiểu được quy trình sản xuất, kỹ thuật chăm sóc vườn cây để đạt năng suất, sản lượng cao, thu nhập ổn định. Khi bà con bắt tay vào sản xuất, anh lại quay về chuẩn bị bữa trưa cho các con nuôi và rồi tranh thủ kiểm tra kết quả học tập ở trường của các con. Khi các con đã ăn xong, anh mới về nhà cùng vợ dùng bữa trưa. Buổi chiều, trước khi đi kiểm tra sản xuất, anh không quên gọi các con dậy, dặn dò làm bài tập.

Chiều tối sau khi hướng dẫn các con chuẩn bị bữa tối, anh mới về với tổ ấm riêng của mình. Bên mâm cơm cùng vợ, không có gì vui hơn khi hai vợ chồng chia sẻ những công việc làm trong ngày; vui nhất là khi anh kể về những thành tích bước đầu của các con đỡ đầu và sự chăm ngoan của hai con anh chị. Vui vẻ bên vợ con một lúc, anh lại đến với các con đỡ đầu để dạy tập viết, tập đọc. Khi bản Mông chìm vào giấc ngủ là lúc anh tạm biệt các con về nhà chỉ huy Đội để kiểm tra sổ sách, làm công cho người lao động, ghi chép những công việc đã làm trong ngày cũng như xây dựng kế hoạch hôm sau…

Lên chức ông

Chín năm về với "bố" Huân, 5 cháu đồng bào Mông đã thay đổi nhiều, quần áo, đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ. Các cháu đã theo kịp chương trình ở trường, biết làm nhiều việc phù hợp với tuổi và rất chăm ngoan. Cuối năm 2018, Sùng Thị Dinh lập gia đình riêng, lễ cưới được tổ chức đúng quy định của pháp luật và phong tục địa phương. Sau đó Sùng Thị Dinh được tiếp nhận vào công tác tại nhà trẻ của đơn vị. Năm 2020, Sùng A Giàng được "bố" Huân kèm cặp, ôn và thi đỗ vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (tỉnh Đắk Nông) với số điểm cao, hiện đang theo học năm cuối. Anh Huân đang hướng cho "con Giàng" với phương châm "ly nông bất ly hương" bằng cách học nghề, tạo việc làm ổn định ngay tại quê hương mới, cùng "bố" chăm sóc các em.

"Mình rất vui và tự hào được làm con của bố Huân, giờ đã thành ông ngoại của con mình, mình cùng các em nghe lời "bố", dạy bảo các em chăm ngoan phấn đấu học tập để cả 5 chị em được trở thành công nhân quốc phòng của đơn vị bố", Sùng Thị Dinh chia sẻ. Già làng Giàng A Lừ - bản Giang Châu bày tỏ: "Tôi đã hơn 80 tuổi, đi nhiều nơi nhưng chưa gặp ai tốt như bộ đội Huân. Huân là người con tốt nhất của bản Mông mình, nó vừa lo cho dân bản no cơm, ấm áo, nay còn làm "bố" của 5 đứa con mồ côi, làm ông ngoại của con nó. Bản mình gọi là Giàng A Huân - người con của dân bản".

Bộ đội Huân-người cha của 5 con không cùng huyết thống - Ảnh 4.

Anh Huân kiểm tra thi công đoạn đường nông thôn mới tại bản Giang Châu.

Nơi cuối giải Trường Sơn hùng vĩ, mảnh đất cực nam Tây Nguyên, Thiếu tá Phạm Nam Huân, người con của quê hương Trực Chính, Trực Ninh, Nam Định đang từng ngày, từng giờ góp những việc làm nhỏ bé của mình tô thắm thêm truyền thống và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. 29 năm binh nghiệp, anh đã được nhận gần 100 bằng, giấy khen trong các phong trào thi đua, nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. 

Năm 2020 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân, được thăng quân hàm trước niên hạn. Năm 2022 được Tư lệnh Binh đoàn 16 tuyên dương "Lao động giỏi - lao động sáng tạo" giai đoạn 2017-2022. Anh là người chiến sĩ gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

*Bài có sự biên tập ở title.

LÊ QUANG SÁNG (Quân Đội Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem