Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Libya và các nước lân cận để tính phương án đưa lao động về nước, chủ yếu bằng đường hàng không. Ưu tiên trước mắt là đưa lao động ở vùng chiến sự ra khỏi Libia, phấn đấu trong tháng 8 sẽ cơ bản đưa tất cả số lao động này về nước. Bộ trưởng Hải Chuyền cũng khẳng định sẽ hỗ trợ lao động bằng nhiều biện pháp như: Cho vay vốn, hỗ trợ việc làm cho người lao động. Tiến hành xác minh, sử dụng Quỹ Hỗ trợ lao động ngoài nước, hỗ trợ cho các lao động trở về tùy từng trường hợp cụ thể.
Chiều cùng ngày, ông Lương Thanh Quảng - Trợ lý Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nêu rõ: Khó khăn lớn nhất khi đưa lao động Việt Nam về nước là lao động của ta làm việc rải rác ở nhiều vùng. Tuy nhiên, hầu hết các lao động đều ở khu vực an toàn, không có chiến sự xảy ra nên chưa có vấn đề gì phát sinh. Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐTBXH để có các phương án sơ tán lao động.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên diện rộng, lao động Việt Nam sẽ được sơ tán qua cửa khẩu các nước lân cận. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo cơ quan đại diện thường xuyên liên hệ với cơ quan sở tại, trong trường hợp khẩn cấp sẽ giải quyết ngay.
Giải đáp thông tin về vụ 3 lao động VN hiện đang mất tích, ông Lương Thanh Quảng chia sẻ: Hiện Bộ Ngoại giao và Bộ LĐTBXH đang tiến hành xác minh vấn đề này. Theo tin của các cơ quan đại diện, 3 lao động này đã tự ý bỏ ra ngoài. Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại và chủ sử dụng lao động để tìm 3 lao động trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.