Hồi ức kinh hoàng của lao động Việt trở về từ Lybia: Ở ranh giới giữa sống và chết

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 11/08/2014 09:07 AM (GMT+7)
“Đó có lẽ là những khoảnh khắc kinh hoàng nhất cuộc đời tôi. Suốt 2 tuần kể từ ngày Lybia xảy ra chiến sự, không đêm nào anh em tôi ngủ được. Có đêm, bom nổ rung cả container nơi chúng tôi ngủ. Anh em ai cũng lo, chỉ sợ trúng bom thì tất cả chết mất xác” - lao động Nguyễn Đình Sang, người vừa từ “điểm nóng” Benghazi (Lybia) trở về Việt Nam chiều 10.8, sợ hãi nhớ lại.
Bình luận 0

Bảy ngày chạy loạn

Đúng 13 giờ 30 ngày 10.8, 184/682 lao động của Công ty Vinamex, đơn vị cung ứng lao động cho nhà thầu Hyundai Amco ở Lybia, đã đặt chân xuống sân bay Nội Bài. Toàn bộ số lao động này đã được Hãng hàng không Vietnam Airlines đón từ Ai Cập theo hợp đồng với Tập đoàn Hyundai - Hàn Quốc.

Trước đó, tối 9.8, 25 lao động của 2 doanh nghiệp là Vinaconex và Simco Sông Đà sống trong “điểm nóng” cũng đã về tới sân bay Nội Bài. Toàn bộ số lao động đã được công ty hỗ trợ xe về với gia đình. Không may mắn được Vietnam Airlines đón về, họ phải trải qua hơn 20 giờ bay, quá cảnh tại 3 sân bay. Trước đó họ đã phải trải qua những giờ phút kinh hoàng. Đó là 7 ngày đêm di tản liên tục, phải đối mặt với bom đạn, nạn cướp bóc, phải xin ăn và sống cảnh màn trời chiếu đất.

Lao động Nguyễn Đình Sang (Nghệ An) kể lại những thời khắc khó quên đó: 9 giờ sáng 1.8, chúng tôi nhận được lệnh di tản. Toàn bộ lao động đã gấp rút thu dọn đồ đạc rồi chạy về phía biên giới Ai Cập.

“Chúng tôi phải di chuyển bằng xe bus suốt 10 giờ đồng hồ, vượt qua quãng đường 800km đến cửa khẩu Sodium (Ai Cập). Toàn bộ sân bay tại Lybia đã bị đóng cửa, các của khẩu giáp ranh cũng vậy. Tại biên giới Lybia - Ai Cập khung cảnh cũng nháo nhào, quân chính phủ, cảnh sát, dân thường... đều đi cướp bóc. Nhiều đoàn người di tản chạy loạn đều bị kẹt lại đây, riêng đoàn lao động Việt Nam bị kẹt tới 4 ngày, 3 đêm vì Ai Cập không cho nhập cảnh. Sau khi được nhập cảnh, chúng tôi phải rời Ai Cập bằng đường bộ sang Qatar, từ đây mới có vé máy bay về nước”.

Ngừng lại chút để lấy hơi, anh Sang kể tiếp: “Chiến sự liên miên, bất kể ngày đêm. Các phe nhóm không chỉ dùng súng mà còn huy động trực thăng, máy bay ném bom. Trong khi người dân Lybia ẩn nấp trong nhà thì chúng tôi vẫn phải làm việc bình thường”.

>> Tận thấy cảnh “màn trời chiếu đất” của lao động Việt chạy loạn tại Lybia

“Mình làm bên này đường thì bên kia đường là quân phiến loạn đánh nhau. Tối đến, bom đánh rung cả nhà, tất cả anh em không ai ngủ được. Chỉ mong sao bom không rơi trúng nhà, nhiều khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc” – anh nhớ lại.

Lao động Đinh Hữu Thế (Bình Giang, Hải Dương), làm việc cho Công ty Simco Sông Đà, dường như vẫn chưa hết sợ hãi. Anh Thế kể: “Suốt 7 ngày chạy lánh nạn, anh em lao động gặp bao điều cơ cực. Ban ngày nắng nóng, nhiệt độ lên tới 40-45 độ C, nhưng ban đêm thì lạnh buốt. Vì phải chạy nạn lên biên giới nên anh em phải lấy chăn để căng bạt, nhặt bìa cứng để lót dưới đất nằm. Đồ ăn, nước uống thì thiếu nên toàn phải đi xin các đoàn chạy nạn khác”.

Chiều tối 7.8, toàn bộ 25 lao động tại “điểm nóng” Benghazi mới bắt đầu có vé máy bay để về Việt Nam.

Chưa nguôi nỗi lo

Thoát chết trở về, nhưng hàng trăm lao động vẫn chưa nguôi nỗi lo trả khoản vay trước khi đi xuất khẩu lao động. Bước xuống máy bay, cảm giác vẫn chưa hết lo sợ, anh Đỗ Mạnh Cường (Phú Kiên, Thạch Thất, Hà Nội) cho biết: “Tôi không thể tin được là mình vừa từ cõi chết trở về. Mặc dù bị kẹt giữa hai vùng chiến sự, nhưng giờ về tới nhà đoàn tụ với gia đình là tôi thấy mình may mắn quá rồi”.

Để chia vui cùng cậu con trai, ông Đỗ Văn Khanh (62 tuổi) cùng cháu trai (con anh Cường) đã ra sân bay đón con. Vui vì con trai trở về nhưng ông cũng đang lo lắng vì khoản nợ hơn 50 triệu tiền phí vay cho con đi xuất khẩu lao động, giờ chưa biết trả thế nào?

“Hợp đồng Vinamex ký với chúng tôi có thời hạn 2 năm, nay chưa hết hợp đồng mà chúng tôi phải về nước sớm, có anh em mới sang được 3-4 tháng nên đề nghị công ty, Chính phủ hỗ trợ anh em” – anh Cường nói. Lao động Nguyễn Thành Chung (Nghệ An) vừa tới Lybia được 3 tháng thì chiến sự nổ ra nên phải về nước. “Lúc đi mất 50 triệu tiền phí, lương chỉ được 380 USD/tháng nên làm 3 tháng rồi nhưng em vẫn chưa hoàn vốn ban đầu”- Chung buồn bã. Đón lao động tại sân bay, ông Byun Hun Jung- Ttrưởng Văn phòng đại diện Hyundai tại Hà Nội cho biết, công ty vẫn đang hợp tác với Vinamex, tạo điều kiện tìm kiếm việc làm mới cho lao động trở về từ Lybia. Nói về việc tồn động tiền lương trong tháng còn lại của lao động, ông Jung khẳng định: “Sẽ không có chuyện công ty chậm lương hoặc nợ lương của người lao động. Căn cứ vào thống kê cụ thể, công ty sẽ trả lương cho lao động đến ngày làm việc cuối cùng”. Về phía Công ty Vinamex, ông Nguyễn Việt Hải – Giám đốc công ty khẳng định: “Trước mắt sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng/lao động để họ có tiền về quê. Sau đó, công ty sẽ hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng và hỗ trợ cho các lao động”.

Cũng theo ông Hải, hiện công ty đang có một số đơn hàng từ Ai Cập và thị trường Bắc Phi, nếu lao động nào có nhu cầu đi tiếp thì doanh nghiệp sẽ hỗ trợ, miễn giảm chi phí đi.

3 lao động Việt Nam mất tích ?

Ông Lương Thanh Quảng - Trưởng phòng Hỗ trợ công dân và pháp nhân ở nước ngoài (Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao) cho biết: “Hiện chúng tôi đã ghi nhận thông tin này. Theo thông tin của Bộ LĐTBXH cung cấp cho Đại sứ quán, có 3 lao động tự ý bỏ ra ngoài trong lúc di tản nên nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan địa diện và công ty. Hiện tại chúng tôi vẫn đang xác minh và giữ liên lạc chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để tìm kiếm các lao động này”. 
Tình hình lao động Từ Lybia về nước từ 29.7 đến 10.8

Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) tính đến 17 giờ ngày 10.8, VN đã đưa được 453/1.750 lao động về nước an toàn. Cụ thể: Từ ngày 29.7 đến ngày 27.8 VN đã đưa được 216 lao  động về nước. Ngày 8.8 có 25 lao động của 2 doanh nghiệp là Vinamex, Simco Sông Đà về nước.  Ngày 10.8 có 184 lao động của doanh nghiệp Vinamex về nước. Cũng trong ngày này, có 28 lao động từ nhiều vùng của Lybia sang Thổ Nhĩ Kỳ lên máy bay về nước.

Theo kế hoạch, trưa nay (11.8) sẽ có thêm 254 lao động Việt Nam được Vietnam Airlines đón tại Cairo. Cùng ngày 11.8, sẽ có thêm 244 lao động Việt Nam trở về.  Hiện Ban quản lý lao động, Đại sứ quán, doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực đảm bảo an toàn và đưa người lao động Việt Nam về nước trong thời gian sớm nhất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem