Phía sau loạt bài của Dân Việt về kinh doanh thú rừng: Bộ mặt thật của những trùm buôn chỉ… giỏi “hứa”!

Lam Anh - Văn Hoàng Thứ năm, ngày 23/02/2023 13:46 PM (GMT+7)
Sau tuyến bài điều tra đoạt Giải A, Giải Báo chí Quốc gia về “Kinh hoàng các chiêu trò tàn sát thú rừng” của Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, khu vực huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) được biết đến như một vùng trọng điểm chống lại nạn săn trộm, bẫy bắn, buôn bán thịt thú rừng.
Bình luận 0

Loạt bài của chúng tôi điều tra dọc các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn… rồi sang tận Lào. Lãnh đạo và phụ trách nhiều ban ngành của Con Cuông đã làm một việc đáng cảm động và rất hiếm gặp ở Việt Nam: họ cho dựng pa nô với ảnh của họ, chức vụ, và lời tuyên truyền nói không với triệt phá linh vật của rừng. 

Hàng loạt nhà hàng "có tiếng" đều ký cam kết, thậm chí phát biểu trên truyền hình về một lời hứa quyết tâm: không buôn bán, giết mổ thú rừng dưới mọi hình thức. Luật được tuyên truyền đến từng thôn bản và cả các… thợ săn. Cả nước đã ghi nhận và trân trọng điều này.

Tinh vi theo dõi ngược những người hóa trang điều tra

Tuy nhiên, qua khảo sát của các tổ chức bảo tồn, huyện Con Cuông là "trái tim" của Vườn Quốc gia Pù Mát - lá phổi xanh rừng đặc dụng rộng lớn thứ 3 ở Việt Nam, "điểm sáng" thực hiện mô hình thả động vật quý hiếm về lại tự nhiên và tuyên truyền sâu rộng không săn bắt, mua bán, tiêu thụ thú rừng lại vẫn có những kẻ lọc lõi tiếp tục vi phạm.

Nhóm phóng viên Dân Việt tham gia “phá án”: Bộ mặt thật của những trùm buôn thú rừng chỉ… giỏi “hứa”! - Ảnh 2.

Các dấu hiệu phạm tội của các đối tượng ở nhà hàng Châu Liên 2 khá rõ trong tài liệu điều tra của nhóm PV Dân Việt - trước khi chúng tôi gửi tố cáo tới PC05 Nghệ An. Ảnh: Lam Anh

Quả thật, thời buổi công nghệ và truyền thông trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Dân trùm buôn lậu thú rừng, vì có siêu lợi nhuận từ hoạt động phi pháp, nên khả năng đối phó với việc điều tra của báo chí và cơ quan chức năng của họ tinh vi thêm từng ngày. 

Mặc dù là địa phương có sự quan tâm đặc biệt đến việc chống buôn bán và sử dụng động vật hoang dã trái phép, cũng như có sự đồng hành của nhiều đơn vị bảo tồn tâm huyết, sẵn sàng bỏ nhiều kinh phí và nhân lực ra để chăm sóc, tái thả động vật rừng quý hiếm về lại thiên nhiên miền Tây xứ Nghệ, cũng như giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, nhưng nạn buôn bán động vật hoang dã vẫn tiếp diễn ở Con Cuông. Điều này đã gây bức xúc và đôi lúc tuyệt vọng cho những người yêu thiên nhiên. Trước tình trạng đó, nhóm phóng viên chúng tôi quyết định vào cuộc một lần nữa.

Từ nguồn tin của người buôn nhỏ, thợ săn lẻ tẻ đi vào rừng, chúng tôi biết nhà hàng Châu Liên 2 và một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống khác vẫn phục vụ các đặc sản thú rừng, cả các loài quý hiếm với giá chợ đen đắt đỏ. Bất chấp họ đã từng ký cam kết nói không với điều trên. Đại diện Nhà hàng Châu Liên 2 còn lên truyền hình địa phương nói về việc họ từ bỏ kinh doanh "đặc sản" làm hại đến bảo tồn và các nỗ lực tử tế "dốc cạn mình" của các chuyên gia tử tế với thiên nhiên.

Khi chúng tôi giả là thực khách hỏi thăm dò, chủ nhà hàng hết sức thận trọng, cơ bản là tỏ ra… "chúng tôi đã nói không với việc kinh doanh các sản phẩm từ động vật hoang dã". Họ thăm dò chúng tôi rất kĩ.

Sau khi thấy khách đến ăn nghỉ và không có gì là… cán bộ điều tra "hoá trang" (chắc thế), các đối tượng bắt đầu bộc lộ bộ mặt thật.

Nhóm phóng viên Dân Việt tham gia “phá án”: Bộ mặt thật của những trùm buôn thú rừng chỉ… giỏi “hứa”! - Ảnh 3.

Thú rừng bị Công an tỉnh Nghệ An thu giữ của đối tượng vi phạm. Ảnh: CANA

Chúng tôi sẽ không kể rõ các chi tiết điều tra ra đây vì sợ lộ "kĩ năng" của cơ quan điều tra và nhà báo, để rồi các đối tượng sẽ dần tinh vi hơn. Tuy nhiên, có lẽ họ cũng cần tỉnh ngộ để biết rằng: tất cả đối tượng mà họ cung cấp dịch vụ phi pháp đều có thể là các nhà điều tra (các lực lượng), để rồi sẵn sàng tố cáo, xử lý, bắt giữ sai phạm bất cứ lúc nào. Họ chỉ an toàn, kê cao gối mà ngủ khi… làm đúng, khi thượng tôn long nhân ái và luật pháp.

Các đối tượng kinh doanh thịt thú rừng rất tinh ý. Họ theo dõi ngược lại lái xe, nhân viên của đoàn chúng tôi (là những người "điều tra hóa trang", khi ăn ngủ tại đó. Ví dụ, thuê phòng ngủ thì có ngủ không, giới thiệu là vợ chồng thì có… nằm chung không? Có vụ việc, chúng tôi làm cardvisit nói mình là chủ nhà hàng kinh doanh đặc sản rừng, các đối tượng còn nửa đêm gọi vào số máy trong card hỏi bừa: "Anh có phải ở nhà hàng Trống Cơm không?", "Dạ phải", "Em đặt đồ rừng làm tiệc tiếp khách". "Chúng tôi luôn sẵn sàng, vừa lấy hàng ở Con Cuông ra đây, sắp tới họ gửi tiếp…". Nhóm điều tra ngược chính là người "cài cắm" của đối tác sắp gửi hàng tiếp thật, nên họ nghe và có cảm giác họ tin 100% rồi. Có khi, họ cho người dọn phòng, xem chăn chiếu có được "vợ chồng" nhà kia sử dụng không, hay chỉ thuê phòng "làm bình phong" ngồi bàn thảo…

Sau thời gian có đủ cơ sở về việc: các đối tượng vẫn tiếp tục mua cầy cáo, cả tê tê đông lạnh rồi tê tê sống nguyên con phục vụ giết mổ, chế biến "đặc sản" với giá cắt cổ phục vụ khách hiếu của lạ, chúng tôi quyết định làm việc với Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Nghệ An (PC05). Các trinh sát lão luyện vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với chúng tôi. Trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường còn có lãnh đạo PC05.

Nhóm phóng viên Dân Việt tham gia “phá án”: Bộ mặt thật của những trùm buôn thú rừng chỉ… giỏi “hứa”! - Ảnh 5.

Đối tượng Minh bị bắt với tang vật là 2 cá thể tê tê còn sống. Ảnh: CANA

Vì đã bị kiểm tra, xử lý nhiều lần; vì đã ký cam kết không buôn bán, giết mổ, chế biến sản phẩm từ động vật hoang dã, thế nên người tham gia điều hành ở nhà hàng Châu Liên 2 rất thận trọng. Anh ta tiết lộ dần, mình có hàng gì, thịt cầy tươi sống, đông lạnh, nguyên con hoặc… lên mâm. Từ loài thông thường đến loài quý hiếm, anh ta "ném đá dò đường" rất thận trọng. Rào trước đón sau, kiểu "tin tưởng" nhau thì tiết lộ và cho "mục sở thị" hàng thôi. Có khi anh ta giả vờ gọi điện cho ai đó hỏi xem có hàng không, ý là nhà hàng không có sẵn "hàng nhạy cảm"; nhưng thực chất trong tủ đông "cả núi đồ rừng". Đặc biệt, chúng tôi có tài liệu về các đối tượng mà anh ta hay liên lạc, từ đó bước đầu nhận định về một "trùm" lớn hơn.

Đối tượng Lê Tuấn Minh, người từng học đầu bếp, thay phụ huynh tham gia điều hành nhà hàng Châu Liên 2 đã dần hiện nguyên hình là một người vẫn đều đặn tiêu thụ động vật rừng hoang dã, quý hiếm. Các trinh sát nhận định: anh ta rất tinh vi. Ai ướm hỏi "đặt hàng", thậm chí anh ta bắt trả một nửa tiền trước; rồi tìm hiểu các khía cạnh về "thực khách", yêu cầu giao nốt tiền rồi mới cam kết sẽ chuyển cho khách bằng đường… xe khách. Anh ta xác định, nếu bị "sa lưới" khi giao dịch kiểu kia, thì cùng lắm mất một tí tiền nhỏ. Mất chỗ hàng đã thu tiền của khách. Chứ nhà xe (xe khách đường dài) sẽ phủi tay bảo là tôi chở hàng mà không biết hàng gì, tôi không biết người gửi là ai, cái địa chỉ họ gửi đến cũng chỉ nhận ở bến xe, với tên và số điện thoại sim rác thế này.

Hy vọng các trùm buôn thú rừng sẽ tỉnh ngộ trước khi quá muộn

Bằng mọi giá, Lê Tuấn Minh phải bộc lộ gương mặt thật của anh ta, tại địa bàn! Sau thời gian mật phục, đường dây buôn bán thú rừng quy mô không hề nhỏ đã lộ diện. Vào 4/1/2023, tại khu vực Nhà hàng Châu Liên 2, với tư cách là người điều hành nhà hàng, Lê Tuấn Minh (SN 1991) bị bắt quả tang đang vận chuyển, giao hàng cho khách 2 cá thể tê tê còn sống. Loài này, chỉ vi phạm buôn bán 01 cá thể đã đủ để khởi tố hình sự, vì chúng là loài đặc biệt nguy cấp, được pháp luật bảo vệ ở mức rất "cao".

Nhóm phóng viên Dân Việt tham gia “phá án”: Bộ mặt thật của những trùm buôn thú rừng chỉ… giỏi “hứa”! - Ảnh 7.

Động vật quý hiếm được thu giữ, chăm sóc tại VQG Pù Mát để tái thả vào tự nhiên. Ảnh: SVW

Minh là con trai ông Lê Đình Ch., chủ hai nhà hàng Châu Liên 1 và Châu Liên 2, trên địa bàn Khu phố số 4, thị trấn huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Họ kinh doanh nhà hàng từ nhiều năm trước, được thực khách biết đến tương đối nhiều, song cũng có lịch sử… "liên quan" đến các loài động vật hoang dã rất nhiều. Và cuộc bắt giữ đầu năm 2023 là một ví dụ.

Việc "vi phạm các quy định về quả lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm" chỉ là "giọt nước tràn ly" cho các hành vi của Lê Tuấn Minh và các đối tượng liên quan. Theo tài liệu, Minh thường mua trút (tê tê) từ các đối tượng ở khắp các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, đặc biệt là các khu trọng điểm mà các tổ chức bảo tồn danh tiếng đã chăm sóc, tái thả vào tự nhiên nhiều loài hoang dã quý hiếm. Khi mà số lượng cá thể động vật quý như tê tê tăng lên trong tự nhiên, nếu không có biện pháp bảo vệ tốt, sẽ vô tình biến khu vực màu mỡ này trở thành "điểm đến lý tưởng" cho các thợ săn hám lợi và coi thường luật pháp. Đó cũng là lý do chúng tôi quyết tâm ngăn chặn các sai phạm kiểu như của Tuấn Minh để làm gương.

Lê Tuấn Minh bị PC05 Nghệ An phối hợp với Công an huyện Con Cuông bắt giữ, thu tang vật là 02 cá thể tê tê còn sống, nặng 5,9kg và một điện thoại di động. Ngay lập tức, Trung tâm cứu hộ đặt tại Vườn Quốc gia Pù Mát có mặt, cứu hộ hai cá thể tê tê về chăm sóc, trước khi thả lại tự nhiên. Đáng chú ý, qua đấu tranh mở rộng, cơ quan điều tra còn phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Sơn - một "trùm sò" chuyên cung cấp hàng cho Lê Tuấn Minh. Anh ta có biệt danh là "Sơn" cá, người ở xóm Đỉnh Hùng, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn kế bên với huyện Con Cuông. Sơn mới ra tù sau thời gian thụ án vì chính hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm.

Nhóm phóng viên Dân Việt tham gia “phá án”: Bộ mặt thật của những trùm buôn thú rừng chỉ… giỏi “hứa”! - Ảnh 8.

Mở rộng điều tra, đối tượng cung cấp hàng cho Minh sa lưới với tang vật là 30 cá thể cầy trong tủ đông (đáng chú ý, người này vừa thụ án với tội danh tương tự trở về). Ảnh: CANA

Tại nhà Sơn, cơ quan công an thu giữ 30 cá thể nghi là cầy (chồn). Sơn không xuất trình được bất cứ một giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc số hàng trên. Việc thu giữ và chia 30 cá thể cầy từ tủ đông ra một sân rộng, đánh số, chụp ảnh "chân dung" từng nạn nhân bị tàn sát nhằm phục vụ điều tra thật… ám ảnh. Các thi thể động vật rừng nằm la liệt, thê thảm.

Trong tài liệu điều tra của chúng tôi, vi phạm dạng này không phải chỉ diễn ra ở khu vực nhà hàng Châu Liên 2, cũng không chỉ buôn bán cầy hay tê tê. Việc bắt giữ, xử lý họ không phải là quá dễ dàng, song, chắc chắn không quá khó khăn. Vì đây là dịch vụ ăn uống, buôn bán, có kẻ cung cấp, có kẻ điều hành, có kẻ ăn uống sử dụng; nếu cơ quan chắc năng nhập vai tìm hiểu, có thể nói là rất dễ để phát hiện ra. Thực khách biết, giữa ban ngày ban mặt họ nấu nướng thơm lừng cả một góc bờ sông Lam, có khi gọi điện thoại đến đặt hàng họ đã ỡm ờ nói "nửa có nửa không". Có quá khó để phát hiện ra không?

Một khi chủ đề này đã được lãnh đạo huyện và các ban ngành cam kết với pa nô đưa hình ảnh từng đồng chí với khẩu hiệu tâm huyết dựng ở nơi công cộng; khi các chủ nhà hàng còn lên cả truyền hình địa phương cam kết "nói không với thịt thú rừng"… - thì có nghĩa là: để tái diễn tình trạng coi thường luật pháp như mô tả ở bài này, là một sự đáng trăn trở.

Cần sự chung tay của cả xã hội và nâng cao ý thức cộng đồng, nâng cao vấn đề thực thi luật pháp ở lĩnh vực này từ cơ sở mới là mấu chốt của vấn đề. Công an tỉnh đã giao đối tượng bị bắt cho công an Con Cuông xử lý. Xin nhấn mạnh, qua khảo sát, dấu hiệu buôn bán thịt thú rừng ở không ít quán ăn, nhà hàng đã "ký cam kết" trên địa bàn vẫn còn không hề ít. Hy vọng "án điểm" này sẽ phát huy tác dụng như mong muốn, giúp các thợ săn, tay buôn, các nhà hàng và điểm kinh doanh sớm… tỉnh ngộ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem