Mâm cao cỗ đầy nhiều, người ta kêu ngấy dầu mỡ, hay ăn con đặc sản do dân Ninh Bình đi bắt trên núi?

Thứ năm, ngày 17/08/2023 11:19 AM (GMT+7)
Khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, người ta đã ngán ngấy với những món ăn lắm mỡ màng muốn thử qua một món tự nhiên, sạch sẽ thì ốc núi trở thành đặc sản. Săn bắt ốc núi từ lúc 6 giờ sáng, vợ chồng chị Dịu, thôn Quảng, xã Quảng Lạc (huyện Nho Quan, Ninh Bình) về nhà khi trời đã tối nhọ mặt người...
Bình luận 0

Khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, người ta đã ngán ngấy với những món ăn lắm mỡ màng muốn thử qua một món tự nhiên, sạch sẽ thì ốc núi trở thành đặc sản. 

Cũng bởi vậy, mà ở một số địa phương đã nở rộ phong trào đi săn ốc núi. "Lộc" của núi rừng đã mang lại cho người dân khoản thu nhập thêm đáng kể, nhưng đi cùng nó là những nhọc nhằn lẫn hiểm nguy.

Khởi hành chuyến săn ốc từ lúc 6 giờ sáng, vợ chồng chị Bùi Thị Dịu ở thôn Quảng, xã Quảng Lạc (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) trở về nhà khi trời đã tối nhọ mặt người. 

Một ngày nắng nóng, không phải là điều kiện thuận lợi để săn bắt ốc núi, nhưng hôm nay vợ chồng chị Dịu cũng thu hoạch được kha khá. '

"Để có thành quả chừng 15 kg ốc này, vợ chồng tôi đã phải tìm kiếm miệt mài ở các thung núi của huyện các Yên Mô, Gia Viễn.

Hôm nay trời nắng, ốc núi lặn nên không bắt được nhiều. Nhưng như tôi là may mắn, nhiều người đi cùng cũng chỉ được vài kg thôi. Khi vừa mang ốc xuống núi đã có khách tới mua, tôi bán trước một nửa số ốc với giá 100 nghìn đồng/kg"- chị Dịu nói. 

Chị Dịu bảo rằng, dù cùng quê ở xã Quảng Lạc, nhưng phải đến khi lấy chồng chị mới biết đến cái công việc đi bắt ốc núi này. Dẫu mới có mấy năm học việc bắt ốc đặc sản này từ chồng, nhưng chị Dịu cũng đã là tay săn ốc có nhiều kinh nghiệm.

Mâm cao cỗ đầy nhiều, người ta kêu ngấy dầu mỡ, hay ăn con đặc sản do dân Ninh Bình đi bắt trên núi? - Ảnh 1.

Từ những con ốc núi béo tròn bắt được ở các huyện có núi ở Ninh Bình, có thể chế biến được nhiều món ăn dân dã, độc đáo.

Theo chia sẻ của chị Dịu, mùa săn bắt ốc bắt đầu từ tháng 4 dương lịch. Khi những trận mưa rào rước mùa hạ sang, ấy là lúc ốc núi xuất hiện nhiều nhất. 

Bởi vậy, cứ sau mỗi trận mưa bà con lại rủ nhau đi vào thung lũng, lên núi tìm ốc đặc sản. Trước đây, bà con chỉ bắt ốc núi để phục vụ bữa ăn gia đình nên lượng ốc còn nhiều. 

Ốc núi bám trĩu cây, bắt con này, con khác thấy động đã nhả miệng rơi lộp bộp mà không sợ bị vỡ vì nó được trang bị một lớp vỏ dày rất đặc biệt. 

Bắt ốc núi vài năm, chị Dịu thuộc từng hang đá, hốc cây, bờ khe…Kinh nghiệm bắt ốc núi cho thấy, cứ những nơi sạch, có nhiều cây thuốc quý là nơi ốc sinh trưởng tốt. 

Vả lại, ốc núi ở những nơi này thường dày ruột, có hương vị đặc trưng do ăn các loại rong rêu, lá dược liệu, rễ cây thuốc. 

Nhưng bây giờ, khi người đi săn ốc nhiều hơn thì lượng ốc cũng ít đi. Có những buổi đi từ sớm tới tối muộn cũng chỉ đủ một bữa cho gia đình ăn. 

Để tranh thủ mưu sinh được từ mùa ốc núi, vợ chồng chị Dịu phải mở rộng địa bàn tìm kiếm qua huyện Gia Viễn, thành phố Tam Điệp rồi xuống huyện Yên Mô. 

Việc đi bắt ốc núi khá vất vả, người đi săn ốc phải men theo hết núi nọ rồi vượt sang núi kia, chẳng nhớ nổi đi hết bao đoạn đường, chỉ khi chiếc bao tải khoác trên vai nặng trĩu thì họ mới trở về nhà. 

Trời mưa và buổi đêm tối mới là điều kiện thuận lợi để bắt được nhiều ốc núi. Nhưng đây cũng là điều kiện thời tiết ưa thích của rắn, của rết.

Người bắt mải kiếm ốc đôi khi quên đi những nguy hiểm khác đưa lại từ những con vật đáng sợ này. Chưa kể, trời mưa, dốc núi thẳng, người bắt ốc núi rất dễ bị trượt ngã, nhẹ thì trầy xước, nặng hơn thì gẫy chân gẫy tay. 

Mâm cao cỗ đầy nhiều, người ta kêu ngấy dầu mỡ, hay ăn con đặc sản do dân Ninh Bình đi bắt trên núi? - Ảnh 2.

Chị Bùi Thị Dịu ở thôn Quảng, xã Quảng Lạc (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) trong một chuyến đi săn bắt ốc núi. Ốc núi có hình dạng trông giống như ốc bươu nhưng mình dẹt, dẹp và nhỏ xoăn thành nhiều vòng (nên người ta còn gọi chúng là ốc bằng). 

Ốc núi có bề ngoài nhỏ nhắn, tròn trịa giống hình đồng xu. Chúng có trọng lượng nhẹ nhưng phần thịt ốc rất đầy, giòn, có độ dai, vị ngọt thanh, độ đạm cao và có chút hương thuốc quý do thức ăn chủ yếu của chúng là các loại cây thuốc mộc trên núi cao.

Từ ngày có con nhỏ, vợ chồng chị Dịu chỉ đi săn bắt ốc núi vào ban ngày. Miệt mài thì mỗi chuyến cũng được chừng một yến ốc. 

Với mức giá ốc núi là 100 nghìn đồng/ kg như hiện nay thì mỗi chuyến đi chị Dịu cũng lời được 1 triệu đồng. 

Khoản thu nhập này đủ để vợ chồng chị Dịu quên đi những nhọc nhằn, nguy hiểm trên hành trình bắt ốc. Ở nơi chị Dịu đang sinh sống, cũng nhiều người đi bắt ốc núi. Ốc núi thu hoạch được bán cho nhà hàng, khách du lịch, các gia đình… nên thu hoạch được bao nhiêu cũng chẳng lo ế bao giờ. 

Anh Đinh Văn Thắng, chủ một nhà hàng ăn ở xã Cúc Phương cho biết: Những năm gần đây, ở Cúc Phương và những xã lân cận, các nhà hàng ăn mở ra nhiều để phục vụ khách du lịch. 

Để hút khách, các nhà hàng đều tìm các món ăn "tủ" để tạo điểm nhấn về ẩm thực thu hút khách. Đối với nhà hàng của anh Thắng thì rất chú trọng việc sử dụng những nguyên liệu dân dã, đặc trưng truyền thống để chế biến thành những món ăn độc đáo, mới lạ, ví như như các món ăn được chế biến từ ốc núi. 

Anh Thắng cho biết, ốc núi được nhà hàng thu mua đều là những con béo tròn. Khi chế biến, chỉ cần nhúng xuống nước ít phút, ốc đang khát nước sẽ mở miệng ra uống, đám lá cây đang ngậm trong miệng cũng được nôn ra cho bằng hết. Sau đó rửa sạch lớp đất cát bên ngoài vỏ là ốc đã sẵn sàng đưa vào sử dụng để nấu ăn theo nhu cầu của khách. 

Có nhiều món ngon, hấp dẫn được chế biến từ ốc núi, từ đơn giản như luộc chấm mắm để thưởng thức trọn vị béo, thơm của ốc cho đến món cầu kỳ hơn như nộm với hoa chuối rừng. 

Ăn miếng ốc núi béo ngậy, nhấm nháp một chút hoa chuối rừng vị chát, ngọt nhẹ thanh mát, nhấp ngụm rượu nếp cái hoa vàng… chỉ chừng ấy thôi đã đủ để du khách nhớ thương về nơi này. 

Đào Hằng (Báo Ninh Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem