Bỏ ngô, trồng 2ha na trên đất dốc, mỗi mùa hái trái lãi 150 triệu đồng

Hà Hoàng Chủ nhật, ngày 25/08/2019 13:10 PM (GMT+7)
Anh Nguyễn Bá Long, bản Mé Nếch (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) chuyển đổi 2ha diện tích trồng ngô sang trồng na. Sau mỗi mùa thu hoạch na, anh Long thu lãi hơn 150 triệu đồng, cuộc sống của gia đình anh ngày càng dư giả và xây được nhà cửa khang trang.
Bình luận 0

Na là loại trái cây được rất nhiều người ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon. Ngoài ra, na còn có tác dụng bảo vệ mắt, cải thiện tiêu hóa, ngăn ngừa mệt mỏi, đặc biệt rất tốt cho phụ nữ mang thai.  Vì vậy trong nhiều năm trở lại đây, nhiều hộ sinh sống ở bản Mé Nếch, trong đó có gia đình anh Nguyễn Bá Long đã trồng na trên đất dốc mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình mỗi năm.

img

Anh Nguyễn Bá Long, bản Mé Nếch đang kiểm tra quá trình phát triển của vườn na.

Chia sẻ với PV Báo điện tử DANVIET.VN, anh Nguyễn Bá Long cho biết:  Tôi trồng na nhiều năm nay, tôi thấy đặc điểm của cây na không quá kén đất. Tuy nhiên muốn cây phát triển tốt nhất, thì phải trồng ở đất tơi xốp, dễ thoát nước. Trước khi tiến hành trồng na, tôi thường trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 - 10 ngày để xử lý các mầm bệnh có trong đất. Hố trồng cây na, tôi đào rộng và sâu khoảng 50cm, khoảng cách trồng cây na là 3 x 3m hay 3 x 4m. Vì vậy mà vườn cây của gia đình tôi luôn xanh tốt và ít bị sâu bệnh.

img

 Hiện nay anh Long có 1.600 cây na, trong đó có 460 cây đã cho thu hoạch quả.

Để đảm bảo cho vườn cây phát triển, anh Long đầu tư vốn liếng khoan giếng, lắp đặt ống dẫn nước khắp vườn tưới tiêu cho cây na. Nhờ cách chăm sóc tốt và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, năm 2018 vườn na của gia đình anh Long cho thu hoạch hơn 6 tấn, tăng đột biến so với mọi năm trước. Nhằm đảm bảo tính bền vững, mang giá trị cao, sản phẩm anh Long làm ra luôn hướng tới chất lượng hàng đầu: Sạch, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, dùng nhiều phân hữu cơ.

img

Anh Long khoan giếng, mua máy bơm và téc nước để bảo đảm nước tưới cho vườn cây.

Theo anh Long: Hàng năm cứ đến mùa thu hoạch na, các thương lái thường gọi điện trước rồi đánh xe tải vào tận vườn thu mua. Từ lúc tôi chuyển đổi cây trồng trên đất dốc đến giờ, cuộc sống của gia đình đã dư giả lên hẳn, đầu ra cho sản phẩm lúc nào cũng ổn định, có lúc gia đình còn thiếu hàng để cung cấp cho các thương lái. Năm nay tôi thấy vườn na cho quả rất sai và đều, hiện 1 kg na tôi bán tại vườn với giá 40.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi năm tôi lãi hơn 150 triệu đồng.

img

Nhờ cách chăm sóc tốt,vườn na của gia đình anh Long luôn cho sai quả và chất lượng quả ngon.

“Tới đây tôi sẽ mở rộng quy quy mô hơn, hy vọng sẽ đem lại nguồn thu nhập lớn hơn nữa cho gia đình. Điều tôi lo lắng nhất không phải là đầu ra ổn định, mà là bảo quản quả sau thu hoạch. Bởi loại cây này khá đặc thù, chỉ cần để kho 2 – 3 ngày không bán được là coi như vứt bỏ”, anh Long chia sẻ.

img

 Anh Long đang trao đổi cách chăm sóc vườn nà với cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Mai Sơn.

Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, ông Trần Đắc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết:  Nhiều năm trước đây, trên địa bàn huyện cây ngô, cây sắn được coi là cây chủ lực, giúp người dân thoát nghèo. Nhưng vào thời điểm này những đồi ngô, sắn đã được thay bằng những vườn cây ăn quả, nguyên nhân của sự thay đổi là do cây ngô, sắn mất giá, người nông dân bắt đầu bỏ hoang đất đồi. Trước thực trạng ấy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã có chủ trương chuyển đổi diện tích đất dốc sản xuất lương thực ngắn ngày sang trồng cây ăn quả lâu năm như na, xoài, nhãn, bưởi, cam... để người dân phát triển kinh tế.

img

Na là loại trái cây có tác dụng bảo vệ mắt, cải thiện tiêu hóa, ngăn ngừa mệt mỏi... nên được rất nhiều người ưa chuộng. Hiện 1 kg na được  anh Long bán tại vườn với giá 40.000 đồng/1kg.

“Hiện, trên địa bàn huyện Mai Sơn có trên 6.000 ha diện tích cây ăn quả. Tính hết tháng 7/2019, huyện đã tiêu thụ gần 7.000 tấn quả (xoài, nhãn, thanh long, chanh leo), trong đó đã có gần 3.000 tấn quả được đưa đi xuất khẩu, kim ngạch đạt 2,053 triệu USD. Trong những tháng tiếp theo, bà con nông dân bắt đầu thu hoạch na để bán ra thị trường...", ông Trần Đắc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết.

Theo ông Trần Đắc Thắng, nắm bắt được tình hình đó, huyện đã làm việc và liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm na, để mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con, giúp người dân yên tâm gắn bó với nông nghiệp. Việc trồng cây ăn quả đóng vai trò rất quan trọng, ngoài mục đích phát triển kinh tế còn làm tăng độ che phủ, chống xói mòn đất và bảo vệ rừng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem