Bộ NNPTNT, đại biểu Quốc hội 12 tỉnh ĐBSCL "hiến kế" giải pháp thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Minh Ngọc Thứ hai, ngày 26/08/2024 19:05 PM (GMT+7)
Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt Đề án) là chương trình sản xuất lúa carbon thấp với quy mô lớn lần đầu tiên được triển khai trên thế giới, từ đó sẽ tạo ra cuộc "cách mạng" về sản xuất lúa gạo.
Bình luận 0

Chiều 26/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức gặp mặt Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì buổi gặp mặt.

Thay mặt Bộ NNPTNT, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế giới thiệu và báo cáo tiến độ thực hiện Đề án.

Theo ông Tuấn, Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023. Mục tiêu chương trình đến năm 2025, 12 tỉnh thành trong vùng ĐBSCL trồng 180.000 ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Năm 2030, vùng mở rộng thêm 820.000 ha lúa phát thải carbon thấp...

Chương trình cũng đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.

Bộ NNPTNT gặp mặt đoàn Đại biểu Quốc hội 12 tỉnh, TP ĐBSCL: Đề án 1 triệu ha lúa là cuộc "cách mạng" lúa gạo - Ảnh 1.

Chiều 26/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức gặp mặt Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Ảnh: Minh Ngọc

Đề án đã được triển khai thí điểm 3 vụ sản xuất lúa liên tiếp tại Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp.

Mô hình rộng 50 ha thực hiện ở Hợp tác xã Tiến Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho thấy nông dân giảm sử dụng lượng lúa giống từ 140 kg xuống còn 60 kg/ha, giảm lần bón phân từ 3-4 lần còn 2 lần mỗi vụ, giảm tối thiểu 20% lượng phân bón vô cơ, cây lúa ít bị ngã, giảm dịch bệnh và tổn thất sau thu hoạch...

Ngoài ra, lúa sau khi thu hoạch được bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg so với canh tác bình thường. Việc giảm lượng lúa giống còn 60 kg/ha giúp tiết kiệm chi phí về giống 1,2 triệu đồng, phân bón giảm 0,7 triệu đồng; năng suất đạt từ 6,3-6,5 tấn mỗi ha so với 5,8-6,1 tấn mỗi ha ở cách làm truyền thống...

Tại buổi gặp mặt, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp khẳng định: "Đề án này rất có ý nghĩa. Đề án sẽ giúp sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL sẽ không còn manh mún, nhỏ lẻ nữa mà sẽ tập trung vùng rộng lớn phát triển đồng bộ. Bên cạnh đó, thực hiện thành công Đề án này còn giúp khai thác được chuỗi giá trị lúa gạo, trong đó có tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp.

Hơn nữa, theo tôi thấy, mục tiêu kép của Đề án này là giúp người nông dân giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải. Thực hành đúng, bà con có thể có thêm một nguồn thu nữa từ tín chỉ carbon. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp gạo của Việt Nam có được sự ưu tiên hơn khi xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới. Việc thực hiện thành công Đề án này sẽ giúp nâng tầm lúa gạo của Việt Nam".

Bộ NNPTNT gặp mặt đoàn Đại biểu Quốc hội 12 tỉnh, TP ĐBSCL: Đề án 1 triệu ha lúa là cuộc "cách mạng" lúa gạo - Ảnh 2.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong các buổi tiếp xúc cử tri, bà nhận được rất nhiều ý kiến mong mỏi được tham gia vào Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL. Ảnh: Minh Ngọc

Chia sẻ về các buổi tiếp xúc cử tri, bà Nga cho biết, cử tri rất "mong mỏi" Đề án sớm triển khai rộng rãi và "mong ước" được tham gia vào Đề án, từ đó góp phần nâng cao đời sống của người trồng lúa, cải thiện được môi trường.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó bà Nga cho rằng, Bộ NNPTNT, lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố và các HTX, người nông dân cần có quyết tâm chính trị rất lớn. "Người nông dân xưa nay vẫn quen với sản xuất truyền thống và đây là rào cản lớn nhất họ cần thay đổi", bà Nga nói.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò rất lớn của phụ nữ. "Tôi ao ước Đề án được triển khai hiệu quả, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập, đặc biệt thu hút các lao động trẻ trở về sản xuất ngay trên chính đồng đất quê hương", bà Nga bày tỏ.

Bà Nga nêu thực trạng, trở ngại rất lớn hiện nay của các tổ chức chính trị - xã hội là tập hợp hội viên. Hiện nay, nhiều hội viên từ bỏ làng quê để đến làm việc tại các khu công nghiệp, bởi làm nông nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu, thu nhập thấp. Từ Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ NNPTNT, bà Nga tin tưởng, với những giải pháp cụ thể, Đề án này sẽ là "cứu cánh" cho người nông dân ở ĐBSCL vốn chăm chỉ, cần cù, chịu khó... sẽ phát huy thế mạnh của mình và "sống khỏe" từ cây lúa.

"Tôi cảm nhận được mong ước cháy bỏng của người nông dân ĐBSCL là được sống bằng nghề của mình, đó là phát triển ngành hàng lúa gạo, phát triển nông nghiệp", bà Nga nói, đồng thời đề nghị với Bộ trưởng Bộ NNPTNT cùng với Hội LHPN Việt Nam sẽ có buổi làm việc với các cấp Hội Phụ nữ ở ĐBSCL, từ đó tham gia thúc đẩy thực hiện Đề án.

Bộ NNPTNT gặp mặt đoàn Đại biểu Quốc hội 12 tỉnh, TP ĐBSCL: Đề án 1 triệu ha lúa là cuộc "cách mạng" lúa gạo - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu (người thứ hai, bên phải) đi khảo sát mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được triển khai tại hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú. Ảnh: Huỳnh Xây

Bày tỏ băn khoăn về các dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật của Đề án, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình cho hay, hiện nay, việc quy hoạch và phát triển hạ tầng chưa đồng bộ (thủy lợi, giao thông, kho bãi... chưa được kết nối) còn chưa thực hiện đồng bộ.

Ông Bình cũng cho rằng, vấn đề nhân lực, chuyên gia nông nghiệp ở địa phương còn yếu và thiếu về trình độ, số lượng. Việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật khả năng cao là khó khăn. Việc phối hợp giữa Bộ NNPTNT và địa phương đang triển khai như thế nào?. Ngoài ra, việc áp dụng cần tính đến sự khác biệt giữa các địa phương. Có thể phù hợp với chỗ này nhưng chỗ khác thì không.

Chia sẻ và giải đáp những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, khu vực ĐBSCL đang đứng trước thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu. Bởi vậy, việc xây dựng Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL đồng thời giải quyết hàng loạt vấn đề của ngành hàng lúa gạo như: Tổ chức lại sản xuất, tư duy canh tác, thị trường...

Bộ trường Lê Minh Hoan cũng nhìn nhận thực tế, trong hàng chục năm qua, cấu trúc ngành lúa gạo ở ĐBSCL rất "mong manh", "rời rạc", thiếu sự liên kết... tất cả điều đó đề xuất phát từ tư duy manh mún, nhỏ lẻ, mùa vụ của người nông dân.

Bộ NNPTNT gặp mặt đoàn Đại biểu Quốc hội 12 tỉnh, TP ĐBSCL: Đề án 1 triệu ha lúa là cuộc "cách mạng" lúa gạo - Ảnh 4.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL sẽ là cuộc "cách mạng" trong ngành hàng lúa gạo. Ảnh: Minh Ngọc

"Nếu Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao được thực hiện thành công ở ĐBSCL thì sẽ nhân rộng ra các vùng khác và có thể thực hiện tương tự đối với các ngành chăn nuôi, thủy sản...", ông Hoan cho biết.

Ông Hoan cũng cho rằng, người nông dân đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện Đề án. "Người nông dân không thay đổi thì sẽ không thay đổi được gì", ông khẳng định. Bộ trưởng cho rằng, tăng trưởng xanh, giảm phát thải là xu thế "không thể quay lưng được". Thực tế cũng đã cho thấy, thời gian qua hạt gạo Việt Nam đã khẳng được được giá trị khi xuất khẩu và đang bứt tốc so với các quốc gia khác. Và Đề án sẽ "khởi nguồn", "kiến tạo" và tổ chức lại một ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ đưa "thương lái" vào hệ thống ngành hàng lúa gạo. Theo Bộ trưởng, ngành hàng lúa gạo muốn bền vững phải có hệ sinh thái với sự tham gia của tất cả các bên: Nông dân, thương lái, doanh nghiệp, Nhà nước. Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương phải coi đây là một cuộc "cách mạng" thì Đề án mới thành công được.

Ngày 8/7/2024, mô hình thí điểm canh tác lúa thuộc Đề án tại thành phố Cần Thơ vụ Hè thu 2024 đã cho thu hoạch. Kết quả cụ thể:

Tổng chi phí đầu vào giảm khoảng 10 - 15% so với mô hình đối chứng (Lượng giống sử dụng: 60 kg/ha (giảm 2,0 - 2,5 lần); Phân bón: giảm 30% lượng bón đạm; Thuốc BVTV giảm 2 - 3 lần phun; Nước tưới giảm khoảng 30 - 40%.

Năng suất: Tăng 10,5% (Mô hình đối chứng đạt: 5,89 tấn/ha; Mô hình thí điểm đạt: 6,13 - 6,51 tấn/ha). Hiệu quả kinh tế: Lợi nhuận mô hình điểm cao hơn 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha, tương ứng 6,6 - 31,5% (Lợi nhuận mô hình đối chứng đạt 19,7 triệu đồng/ha; Lợi nhuận MH thí điểm đạt 21,0 - 25,8 triệu đồng/ha).

Giảm phát thải khí nhà kính: Giảm từ 2 - 12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng (Giảm 2 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng lấy rơm ra khỏi đồng ruộng; giảm 12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng chứng ngập liên tục, áp dụng phương thức vùi rơm rạ sau khi thu hoạch).

Đặc biệt nhiều doanh nghiệp đã cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm lúa gạo được sản xuất tại các mô hình thí điểm.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem