Vùng nghèo đầu tư dinh dưỡng cho nông hộ: Liên kết nuôi cá lót bạt - mũi tên nhắm 2 đích (Bài 2)

Khương Lực Thứ bảy, ngày 03/12/2022 06:02 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên, 15 hộ nghèo và cận nghèo ở khu Xe Ngà, xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, tham gia mô hình nuôi cá lót bạt.
Bình luận 0

Khi tham gia mô hình này, hộ nào cũng phấn khởi và mong rằng trong bữa ăn gia đình sớm có thêm món cá rô ta, cá trê ta và một phần cá thu được sẽ bán để tăng thu nhập cho gia đình.

Niềm vui hộ nghèo lần đầu tiên nuôi cá lót bạt

Mỹ Lương là xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi nằm ở vùng thượng huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Xã có 14 khu dân cư với 1.680 hộ, tổng số nhân khẩu là 6.845, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% dân số toàn xã, với nhiều dân tộc cùng sinh sống đan xen.

Trên địa bàn xã Mỹ Lương, có tới 2/3 diện tích tự nhiên là đất đồi rừng, diện tích nuôi trồng thủy sản rất nhỏ, manh mún và mang tính chất tận dụng. Để tạo nguồn thực phẩm sẵn có, giàu dinh dưỡng cho người dân, trong năm 2022, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng mô hình điểm về liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến trong nuôi cá lót bạt quy mô nông hộ đảm bảo an ninh dinh dưỡng cho người dân tại xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Vùng nghèo đầu tư dinh dưỡng cho nông hộ (kỳ 2): Liên kết nuôi cá lót bạt - mũi tên nhắm 2 đích - Ảnh 1.

Người dân khu Xe Ngà phấn khởi khi tham gia mô hình nuôi cá lót bạt. Ảnh: K.L

Theo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mô hình nuôi cá thâm canh bể bạt/lót bạt là một mô hình đã được triển khai khá phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL như nuôi cá lóc, cá trê vàng ở Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng… và ở một số tỉnh đồng bằng sông Hồng như Nam Định, Hà Nam.

Ưu điểm của mô hình nuôi cá lót bạt là người nuôi chủ động quản lý được môi trường nước, tiết kiệm chi phí thức ăn, tăng tỷ lệ sống cho cá và nuôi được mật độ cá cao, tiết kiệm diện tích nuôi cá…

Việc xây dựng mô hình điểm về liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến trong nuôi cá lót bạt quy mô nông hộ là mô hình thí điểm tại xã Mỹ Lương từ đó làm căn cứ nhân rộng triển khai ra các vùng có khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi khác không có điều kiện làm ao hồ, giúp người dân đảm bảo an ninh dinh dưỡng, góp phần tăng thêm thu nhập.

Khu Xe Nga có 15 hộ nghèo và cận nghèo, nhất là những hộ có trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai được lựa chọn tham gia mô hình nuôi cá lót bạt. Khi tham gia, hộ dân nào cũng phấn khởi vì lần đầu tiên ở khu vực miền núi này, người dân được tiếp cận với mô hình nuôi cá lót bạt, cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp.

Nhà bà Đinh Thị Thành (khu Xe Ngà) nằm cạnh dãy núi cao. Nhà bà có 6 người (trong đó có 2 cháu bé mới sinh năm 2021 và đầu năm 2022), nhưng chỉ có 2 sào ruộng để cấy lúa. "Với 2 sào ruộng, năm nào nhà tôi cũng phải đong thêm mấy tạ gạo mới đủ ăn" - bà Thành nói, và cho biết các con bà đều phải đi làm thuê, làm mướn để có nguồn chi tiêu cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Khi được tham gia mô hình nuôi cá lót bạt, bà thấy rất vui vì gia đình sẽ có nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, bổ sung cho bữa ăn hàng ngày. "Nhà tôi không có ao nên chưa nuôi cá bao giờ. Bây giờ được nuôi cá, tôi thấy rất mừng" - bà Thanh nói. Gia đình bà đặt bể lót bạt nuôi cá ở ngay trên khoảng sân trước nhà để tiện chăm sóc, trông nom và cho cá ăn hàng ngày.

Bà Thanh cho biết, tham gia mô hình, gia đình bà được hỗ trợ bể nuôi cá bằng bạt, con giống (300 con cá rô ta, 400 con cá trê ta) và thức ăn cho cá. Theo dự tính, đàn cá nuôi khoảng 4-5 tháng sẽ cho thu hoạch.

Vùng nghèo đầu tư dinh dưỡng cho nông hộ (kỳ 2): Liên kết nuôi cá lót bạt - mũi tên nhắm 2 đích - Ảnh 3.

Chảo Thị Bé (SN 1997 ở khu Xe Ngà, xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) đang nuôi 2 con nhỏ. Chị hy vọng mô hình nuôi cá lót bạt sẽ cung cấp thêm thức ăn hàng ngày cho gia đình, giúp cải thiện dinh dưỡng tốt hơn. Ảnh: K.L

Đến hết năm 2021, tổng số trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn xã Mỹ Lương là 542 trẻ, trong đó số trẻ em suy dinh dưỡng về cân nặng là 60 trẻ chiếm 11,1%, suy dinh dưỡng về chiều cao là 82 trẻ chiếm 15,2%. Qua đánh giá tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng vẫn rất phổ biến, nguyên nhân do thói quen và chế độ ăn uống, điều này gây nên một số trẻ có biểu hiện béo phì thừa cân, một số trẻ bị suy dinh dưỡng cả về chiều cao và cân nặng chậm phục hồi...

Gia đình ông Hà Văn Hoạch ở khu Xe Ngà cũng được lựa chọn tham gia mô hình nuôi cá lót bạt. Nhà ông Hoạch có 5 nhân khẩu, trong đó có 2 cháu bé - một bé 3 tuổi và một bé mới sinh. Trước khi tham gia dự án, thu nhập và nguồn sống của gia đình chủ yếu dựa vào 4-5 sào ruộng trồng lúa và 3 sào mặt nước để nuôi cá. 

Theo ông Hoạch, do diện tích nuôi cá ao đất của gia đình ở xa, chăm sóc không thuận tiện nên 3 sào ao mặt nước nuôi cá trong 2 năm, ông chỉ thu hoạch được trên dưới 10 triệu đồng. "Bây giờ được nuôi bằng công nghệ mới này, tôi cảm thấy rất an tâm và thấy cá phát triển rất nhanh" - ông Hoạch nói.

Với đàn cá giống đẹp, khỏe mạnh và ăn rất tốt như hiện tại, ông Hoạch dự kiến gia đình sẽ có thêm thu nhập từ 7-8 triệu đồng/năm. Cá nuôi từ mô hình này, gia đình ông sẽ dùng chủ yếu cho bữa ăn gia đình để cải thiện dinh dưỡng, phần còn lại ông sẽ bán để tăng thu nhập.

Mô hình giúp cải thiện dinh dưỡng cho bữa ăn gia đình

Chị Chảo Thị Bé (sinh năm 1997, ở khu Xe Ngà) có hai con - một bé 3 tuổi và một bé 10 tháng tuổi. Cuộc sống gia đình chủ yếu phụ thuộc vào 8 sào ruộng, thu nhập hàng năm chỉ đủ ăn. "Mình nuôi cá lót bạt thì sẽ có thêm thức ăn hàng ngày cho gia đình, giúp cải thiện dinh dưỡng tốt hơn" - chị Bé kỳ vọng.

Tại địa bàn xã Mỹ Lương, mô hình nuôi cá bể bạt sẽ giúp tạo ra nguồn cung cá thường xuyên phù hợp với những nơi không có điều kiện làm ao hồ. Mô hình nuôi cá bể bạt ứng dụng công nghệ cao chỉ yêu cầu diện tích nhỏ, chi phí đầu tư không cao, tận dụng được lao động nhàn rỗi, tận dụng được thức ăn dư thừa. 

Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi cá bể bạt không quá phức tạp, chỉ cần theo dõi giám sát hàng ngày môi trường nước và sử dụng lao động nông nhàn (người già và thiếu niên cũng có thể tham gia) để chăm sóc cá nên rất dễ cho người dân vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận.

Mô hình sẽ giúp tạo ra nguồn dinh dưỡng trước hết cung cấp đảm bảo dinh dưỡng cho hộ gia đình, lượng cá dư thừa sẽ được đem bán ngoài thị trường giúp cải thiện thu nhập cho hộ gia đình, góp phần tạo lập cuộc sống bền vững. Việc thực hiện mô hình sẽ giúp các hộ từng bước làm chủ được công nghệ cao, tạo tiền đề để tiếp cận các kỹ thuật và công nghệ cao hơn trong nuôi trồng thủy sản nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung.

Chị Nguyễn Thị Trình - Trưởng khu dân cư Xe Ngà, cũng là hộ tham gia nuôi cá ở bể bạt, đánh giá mô hình nuôi cá trên bể bạt bước đầu ổn định và các hộ dân nuôi cá rất phấn khởi, chăm sóc tốt đàn cá khi được dự án hỗ trợ. 

"Nuôi cá trên bể bạt này, bước đầu thấy đàn cá phát triển tốt và khả năng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và cung cấp dinh dưỡng cho các hộ gia đình để có thức ăn hàng ngày cho gia đình khá ổn định" - chị Trình thông tin.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem