Một già làng vùng dân tộc Raglai ở Khánh Hòa kiên trì vận động xây nên những ngôi nhà mới

Công Tâm Thứ ba, ngày 04/04/2023 11:00 AM (GMT+7)
"Ban đầu, vận động người dân xóa nhà tạm thì ai cũng e ngại không dám làm. Qua thời gian thuyết phục, bà con Raglai đã đồng thuận; chính vì đó mà những căn nhà khang trang đã được xây dựng" - đó là chia sẻ của già làng Cao Lê Dân, thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa
Bình luận 0

Nhiều căn nhà của đồng bào dân tộc Raglai được xây dựng khang trang

Sau nhiều giờ, chúng tôi mon men theo những con đường đồi núi để tìm về nhà già làng Cao Lê Dân (thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa). 

Già làng đi từng ngõ, gõ từng nhà để xóa nhà tạm ở Khánh Hòa - Ảnh 1.

Ngoài vận động bà con xóa nhà tạm, ông Cao Lê Dân còn vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường của thôn, xã. Ảnh: Công Tâm

 Khi vừa đặt chân tới ngôi làng yên bình này, hỏi tới già làng Cao Lê Dân hầu hết mọi người đều biết đến đó là người có uy tín giúp người dân của địa phương trong phong trào xóa nhà tạm, giữ gìn vệ sinh mô trường. 

Video: Già làng Cao Lê Dân (thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) vận động người dân, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc Raglai xây nhà kiên cố.

Mời nhâm nhi ly nước, già làng Cao Lê Dân kể: "Hành trình vận động người dân để xây nhà kiên cố thay cho những căn nhà tạm bợ, dột nát không hề dễ dàng đâu. Tôi phải đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền thuyết phục mãi mọi người mới làm được đó". 

Già làng đi từng ngõ, gõ từng nhà để xóa nhà tạm ở Khánh Hòa - Ảnh 2.

Già làng Cao Lê Dân kể về quá trình vận động người dân xây nhà kiên cố. Ảnh: Công Tâm

Già làng Dân cho hay:"Khi xây dựng căn nhà thì chi phí tốn kém lắm, mà người dân vùng Raglai kinh tế khó khăn làm gì mà có số tiền lớn mà làm nhà. Thấy được khó khăn, vất vả mỗi khi mưa lớn kéo đến người dân không có chỗ ở tôi phải săn tay áo lên để kêu gọi góp vốn xoay vòng làm nhà. Từ 1 căn nhà ban đầu đến nay đã làm được 7 căn nhà khá khang trang".

Người dân góp vốn xây nhà tùy theo thu nhập

"Tôi vận động người dân làm nhà theo cách kêu gọi 7 người dân góp vốn xoay vòng, tùy theo thu nhập của từng gia đình. Hộ nào khấm khá kêu gọi đóng góp 50 triệu, hộ nào khó khăn góp 20 triệu đồng và khi xây nhà ưu tiên cho những hộ khấm khá làm trước, sau đó dần dần đến từng hộ khó khăn. Cứ thế, mỗi năm xây dựng một căn nhà cho người dân" - già làng Cao Lê Dân nói.

Già làng Lê Dân chia sẻ: "Để thuyết phục vận động bà con, bản thân người có uy tín phải miệng nói đi đôi với tay làm, bà con chỉ tin và làm theo khi thấy những việc làm thiết thực, hiệu quả. Đến nay, 7 căn nhà được xây dựng diện tích nhỏ nhất 50m2/căn và cao nhất 80m2/căn, trị giá từ 120 - 170 triệu đồng/căn".

Già làng đi từng ngõ, gõ từng nhà để xóa nhà tạm ở Khánh Hòa - Ảnh 3.

Những căn nhà khang trang đã được xây dựng, bà con ai cũng phấn khởi. Ảnh: Công Tâm

Theo người dân địa phương, ngoài việc vận động xóa nhà tạm, già làng Cao Lê Dân còn vận động người dân tích cực học hỏi các mô hình trồng cây keo rừng để giữ gìn môi trường. Đồng thời, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi cho có hiệu quả, tuyên truyền người dân không mê tín dị đoan, ăn uống hợp vệ sinh và giữ gìn vệ sinh trên các tuyến đường thôn, xóm. 

Gia đình chị Bo Bo Lượm (xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn) là hộ trước đây được sống tạm bợ, qua sự góp vốn xoay vòng gia đình chị đã phấn khởi có được căn nhà kiên cố với trị giá 170 triệu đồng và gia đình chị giờ đã yên tâm mỗi khi mưa bão đến. 

Già làng đi từng ngõ, gõ từng nhà để xóa nhà tạm ở Khánh Hòa - Ảnh 5.

Huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Hòa đã được khởi sắc. Ảnh: Công Tâm

Ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết, đây là xã đặc biệt khó khăn, toàn xã có 4 thôn, với 640 hộ/2.061 khẩu, đa số bà con là đồng bào dân tộc Raglai. 

Thời gian qua, chính quyền xã Sơn Hiệp xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ xuyên suốt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Trên tinh thần đó, địa phương đã tích cực xây dựng phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ gia đình, tranh thủ nguồn vốn để xóa nhà tạm, tạo sinh kế, việc làm cho người dân. 

Riêng trong năm 2022, đã có 33 hộ thoát nghèo. Đến nay, mô hình trồng sầu riêng của các hộ dân trên địa bàn đang cho thu nhập ổn định, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào mô hình.

Về phía địa phương đánh giá rất cao về việc vận động xây nhà kiên cố của già làng Lê Dân. Trong thời gian tới, địa phương sẽ nhân rộng mô hình này. Bản thân ông Cao Lê Dân đã được Trưởng Ban dân vận trung ương tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào dân vận khéo giai đoạn 2015 - 2020; Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem