Ngày mới ra ở riêng, vợ chồng Phạm Văn Hùng (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) được cha mẹ chia 1ha đất lúa gần sông Sài Gòn, nhưng thường bị úng ngập do triều cường nên làm ruộng cũng chỉ đủ gạo ăn. Năm 1993, thấy nông dân huyện Hóc Môn, Gò Vấp, Củ Chi… có phong trào xóa đói giảm nghèo bằng con bò sữa, vợ chồng anh gom góp được 12 triệu đồng (tương đương 2,8 lượng vàng lúc bấy giờ) mua một con bò sữa về nuôi.
Bò mẹ đẻ, là bê cái anh giữ lại làm con giống. Năm 2007, vợ chồng anh có 10 con cho sữa. Cùng năm, thành phố chủ trương hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, anh Hùng mạnh dạn vay 400 triệu đồng của Ngân hàng NNPTNT để nâng cấp chuồng nuôi, mua máy vắt sữa và mua thêm 10 con bò sinh sản.
Trong vòng 4 năm, tổng đàn bò của gia đình anh lên 30 con, hiện 25 con đang cho sữa. Mỗi ngày, vợ chồng anh vắt 370kg sữa tươi, bán 11.500 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi kg sữa lãi hơn 4.500 đồng. Để tạo chủ động thức ăn tươi cho bò, anh chuyển 1ha đất lúa sang trồng cỏ, mỗi ngày có 750-800kg cỏ (nếu mua giá 500 đồng/kg).
Năm 2004, được Hội ND xã hướng dẫn, các hộ nuôi bò sữa thành lập tổ hợp tác (THT), quy tụ 15 hộ tham gia, anh Hùng được chọn làm tổ trưởng.
|
Anh Hùng hướng dẫn tổ viên trả lời những câu hỏi về kiến thức nuôi bò sữa chất lượng. |
Qua khảo sát mô hình THT nuôi bò sữa, Công ty Sữa FrieslandCampina (Hà Lan) chọn anh Hùng làm nhân viên hợp đồng thu mua sữa cung ứng cho nhà máy. Công ty hỗ trợ anh một số trang thiết bị nâng cấp trại nuôi theo hướng hiện đại, an toàn vệ sinh chăn nuôi và bảo quản sữa trong quá trình thu mua.
Thấy anh làm việc hiệu quả, Công ty đầu tư tiếp cho anh mở điểm thu mua sữa thứ hai tại ấp 8. Không chỉ thu mua sữa cho Công ty FrieslandCampina, vợ chồng anh còn mở dịch vụ thức ăn chăn nuôi. Cộng tiền bán sữa bò, hoa hồng hợp đồng với Công ty và dịch vụ thức ăn chăn nuôi, mỗi năm vợ chồng anh bỏ túi không dưới 800 triệu đồng, đó là chưa kể nguồn lợi từ 1ha cỏ.
Khuynh Diệp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.