Bổ sung chế độ cảnh vệ với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 28/06/2024 15:53 PM (GMT+7)
Luật Cảnh vệ mới được thông qia quy định rõ chế độ cảnh vệ với 4 lãnh đạo chủ chốt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội
Bình luận 0

Chiều 28/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, với 463/464 đại biểu có mặt tán thành.

Bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư

Theo quy định tại luật sửa đổi, ngoài các đối tượng cảnh vệ thuộc nhóm con người hiện nay, 3 đối tượng cảnh vệ được bổ sung gồm Thường trực Ban Bí thư, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới cho hay quá trình thảo luận một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, vì đã có đối tượng cảnh vệ là Ủy viên Bộ Chính trị.

Bổ sung chế độ cảnh vệ với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội- Ảnh 1.

Luật Cảnh vệ mới được thông qua bổ sung Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là đối tượng cảnh vệ. (Ảnh minh hoạ)

Trong khi, có ý kiến đề nghị bổ sung chế độ, biện pháp cảnh vệ riêng với Thường trực Ban Bí thư.

Giải trình việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay việc quy định đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng liệt kê là thống nhất với nội dung tại kết luận số 35 của Bộ Chính trị.

Theo kết luận này, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư…

Luật hiện hành đã quy định người giữ chức vụ, chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng là đối tượng cảnh vệ và một người hưởng nhiều chế độ cảnh vệ khác nhau thì người đó được hưởng chế độ cảnh vệ ở mức cao nhất.

Do đó, luật sửa đổi, bổ sung người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư là đối tượng cảnh vệ phù hợp và không mâu thuẫn với quy định tại quy chế làm việc của Ban Bí thư.

Được thuê lực lượng bảo vệ 4 lãnh đạo chủ chốt khi công tác nước ngoài

Luật mới quy định rõ chế độ cảnh vệ với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

Bổ sung chế độ cảnh vệ với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội- Ảnh 3.

Chủ tịch nước Tô Lâm tại một phiên họp của Kỳ họp thứ 7. Ảnh: Media Quốc hội

Theo đó, 4 lãnh đạo chủ chốt được bảo vệ tiếp cận; bảo vệ nơi ở; bảo vệ nơi làm việc; bảo vệ địa điểm hoạt động; được bảo đảm an ninh, an toàn về đồ dùng, vật phẩm, thức ăn, nước uống, phương tiện đi lại.

4 lãnh đạo chủ chốt được bố trí xe cảnh sát giao thông dẫn đường khi đi công tác bằng ô tô; được bố trí toa riêng khi đi công tác bằng tàu hỏa; được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ khi đi công tác bằng tàu bay; được sử dụng tàu riêng có phương tiện dẫn đường, hộ tống bảo vệ khi đi công tác bằng tàu thủy.

Khi 4 lãnh đạo chủ chốt đi công tác nước ngoài, trong trường hợp do quy định của pháp luật nước sở tại hoặc các nguồn nhân lực và phương tiện thiết bị cần mang theo mà không đáp ứng được công tác cảnh vệ, thì Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ.

Quy định này, xuất phát từ thực tiễn thực hiện công tác cảnh vệ với lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi đi công tác nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các điều kiện về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bổ sung chế độ cảnh vệ với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội- Ảnh 4.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: Media Quốc hội

Ông Lê Tấn Tới cho hay, nguồn kinh phí để thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của nước ngoài là ngân sách nhà nước.

Tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, định mức, thanh quyết toán việc thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phải căn cứ vào pháp luật của nước sở tại và pháp luật của Việt Nam để thực hiện, trong đó có pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý tài sản công.

Cũng theo quy định tại Luật Cảnh vệ mới, trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Luật Cảnh vệ.

Ông Tới cho biết, theo quy định hiện hành, Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, bao gồm cả biện pháp cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Vì thế, luật sửa đổi bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ là phù hợp với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và công tác cảnh vệ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem