Đại biểu Quốc hội: "Cháy, lại cháy và đâu đó lại đang cháy"

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 27/06/2024 17:02 PM (GMT+7)
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, "cháy" đã trở thành một từ khoá không mấy khó tìm trên các trang mạng xã hội như: "Cháy", "lại cháy" và "đâu đó lại đang cháy".
Bình luận 0

Chiều 27/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu Quốc hội: "Cháy, lại cháy và đâu đó lại đang cháy"- Ảnh 1.

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại phiên họp Quốc hội chiều 27/6. Ảnh: Media Quốc hội

Mở đầu phần thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, "cháy" đã trở thành một từ khoá không mấy khó tìm trên các trang mạng xã hội như: "Cháy", "lại cháy" và "đâu đó lại đang cháy".

"Cháy với rất nhiều nguyên nhân và lý do khác nhau. Nhưng điều đáng nói là trong một số trường hợp thì cháy không biết chạy đi đâu và chạy thì cũng không thể chạy được bởi bao quanh là khung sắt hay còn gọi là "chuồng cọp", mà không chạy được thì đồng nghĩa với chết. 

Đây là một thực trạng rất đau lòng xảy ra trong thời gian vừa qua, ở rất nhiều nơi, với rất nhiều cấp độ khác nhau và không đâu xa, ngay tại Thủ đô Hà Nội", đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội: "Cháy, lại cháy và đâu đó lại đang cháy"- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu đoàn Đắk Nông tán thành cao, đánh giá "rất cần thiết" với việc ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Ông Mai cho biết, thời gian vừa qua xảy ra các vụ cháy, nổ nhà ở gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, nhất là loại nhà ở trong thành phố như ngõ hẻm, chung cư... Tuy nhiên, dự thảo luật chưa có các quy định cụ thể, cùng với đó là các quy định về điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy cho nhà ở, đặc biệt là nhà kết hợp với nhà ở kết hợp với sản xuất, sản xuất kinh doanh. 

Theo ông Mai, cần đưa ra các quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nhà ở thành thị và nhà ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa để đảm bảo thi hành trong thực tiễn. 

Trong quá trình xây dựng Luật, cần làm rõ hơn về tính khả thi, giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh, có điều tra, khảo sát, đánh giá tác động một cách cụ thể, kỹ lưỡng. 

Đồng thời, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị rà soát, nghiên cứu các quy định có liên quan tại Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để có quy định thống nhất đối với Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Nêu nhận xét nhiều vụ cháy gây chết người thời gian qua, thực ra là liên quan tới thoát nạn, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) nhấn mạnh, phần lớn nạn nhân chết trong các vụ cháy là không tự thoát nạn được, khi lực lượng cứu nạn chưa đến kịp.

Đại biểu nêu thực tế, hiện nay tại các đô thị có nhiều ngõ hẻm nhỏ, các phương tiện kỹ thuật chữa cháy chuyện dụng không thể phát huy tác dụng, không thể tiếp cận được khu vực cháy. Đại biểu cho biết, lực lượng công an có nhập một số loại xe gắn máy dùng chữa cháy, hoặc xe tự chế có chức năng chữa cháy để tiếp cận các khu vực ngõ nhỏ, hẻm sâu.

Đại biểu Quốc hội: "Cháy, lại cháy và đâu đó lại đang cháy"- Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh. Ảnh: Media Quốc hội

Phương tiện này cũng chở được máy phát điện, máy bơm chữa cháy, bình chữa cháy cầm tay, vòi chữa cháy, các dụng cụ phá dỡ để cứu nạn... Đại biểu cho rằng, cần phải trang bị các thiết bị mô tô chữa cháy cho lực lượng chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Qua đó tăng hơn nữa cơ hội cứu sống cho các nạn nhân trong những đám cháy ở ngõ sâu, hẻm nhỏ.

"Khi đám cháy xảy ra trong ngõ sâu, nước chữa cháy để cung cấp cho phương tiện này lấy ở đâu?", đại biểu đặt câu hỏi.

Theo đại biểu Cảnh, Hà Nội đang có kế hoạch lắp đặt các trụ nước tại các hẻm nhỏ. Nếu trụ này kết hợp với mô tô gắn máy chữa cháy sẽ nâng cao được hiệu quả chữa cháy, cứu nạn ở những nơi mà phương tiện chuyên dụng không thể tiếp cận, hoặc tới chậm. 

"Mô hình này nếu hiệu quả cần nhân rộng cả nước", đại biểu Cảnh đề xuất.

Còn đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thể hiện rõ hơn phạm vi điều chỉnh để tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành, cũng như gây khó khăn cho việc sắp xếp lực lượng, bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu Quốc hội: "Cháy, lại cháy và đâu đó lại đang cháy"- Ảnh 5.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Tú Anh cũng đề nghị tiếp tục rà soát các luật chuyên ngành và các luật sắp được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật. 

"Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật là hết sức quan trọng. Hiện nay, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy thiếu thực tế, không khả thi", đại biểu Tú Anh nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem