ĐBQH tán thành giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 03/06/2024 18:57 PM (GMT+7)
Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp cụ thể là cần thiết và phù hợp.
Bình luận 0

Chiều 3/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Dự kiến, dự án luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 7.

ĐBQH tán thành giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết- Ảnh 1.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng điều hành hoạt động Bộ Công an. Ảnh: QH

"Công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc"

Góp ý cho dự luật, đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) nhất trí quy định bổ sung áp dụng công tác cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ như quy định dự thảo luật.

Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc quy định tại điều này.

"Tôi cho rằng, công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường, ngoài việc bảo đảm an ninh an toàn cho đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Do đó, tuỳ tình hình an ninh trật tự trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể, giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ là phù hợp", đại biểu Thành nói.

ĐBQH tán thành giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành. Ảnh: QH

Phân tích sâu thêm, đại biểu Thành cũng cho rằng, thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, công tác cảnh vệ nói riêng đòi hỏi pháp luật phải có những quy định linh hoạt để kịp thời điều chỉnh.

Thực tế, lực lượng cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra, hoặc theo đề nghị của bộ, ban, ngành, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, không thuộc đối tượng cảnh vệ theo quy định hiện hành.

Thống kê của cơ quan chủ trì soạn thảo cho thấy, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã triển khai công tác cảnh vệ đối với 57 đoàn không thuộc đối tượng cảnh vệ để kịp thời giải quyết các yêu cầu do thực tiễn đặt ra.

Bổ sung thêm một số chức danh là đối tượng cảnh vệ

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Văn Tuấn (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Bắc Giang) cũng nhất trí nội dung bổ sung thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại.

Đại biểu Trần Văn Tuấn cũng đề nghị bổ sung thêm quy định "không tùy tiện, lạm dụng thực thi các biện pháp cảnh vệ có thể dẫn đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân".

Trên cơ sở nguyên tắc này, đề nghị Chính phủ và Bộ Công an tiếp tục có các quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện, cách thức, quy trình thực hiện các biện pháp cảnh vệ để bảo đảm thực hiện trong thực tế.

Còn đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) tán thành với việc dự luật bổ sung thêm một số chức danh là đối tượng cảnh vệ để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

"Tôi đồng tình bổ sung các chức danh: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vào đối tượng cảnh vệ, quy định như vậy là phù hợp, kịp thời thể chế hóa các chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với các chức danh lãnh đạo cấp cao theo Kết luận số 35 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở", đại biểu Hải Anh nói.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng điều hành hoạt động Bộ Công an trân trọng cảm ơn ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã tham gia làm rõ, có kiến nghị, đề xuất, đề nghị bổ sung, điều chỉnh một số nội dung của dự luật.

"Cơ quan soạn thảo sẽ lựa chọn tối đa và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến hợp lý để khẩn trương tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, sớm hoàn chỉnh dự thảo luật chặt chẽ, chất lượng hơn và đảm bảo khả thi hơn, trước khi trình Quốc hội thông qua", theo Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem