Bỏ trồng keo chuyển sang trồng mít, trồng tắc, nông dân nơi này ở Bình Thuận có của ăn của để

Chủ nhật, ngày 05/02/2023 10:25 AM (GMT+7)
Những năm qua, nhiều hộ nông dân thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trong đó chuyển đổi từ trồng keo sang trồng mít, trồng tắc...Bên cạnh đó, còn tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.
Bình luận 0

Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng lên đáng kể, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình.

Xã Tân Phước (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) được biết đến là một vùng đất cát bạc màu. Những năm truớc đây, bà con nông dân trong xã chủ yếu trồng keo lá tràm, tuy nhiên nhận thấy hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này không cao. 

Do đó, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ keo lá tràm sang các loại cây trồng khác như: mãng cầu Thái, mít Thái, điều ghép, dừa xiêm xanh, dừa xiêm lục, tắc… mang hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bỏ trồng keo chuyển sang trồng mít, trồng tắc, nông dân nơi này ở Bình Thuận có của ăn của để - Ảnh 1.

Bỏ trồng keo chuyển sang trồng mít, trồng tắc, nông dân nơi này ở Bình Thuận có của ăn của để - Ảnh 2.

Mô hình trồng tắc của gia đình anh Đinh Văn Quang ở thôn Phước Thọ, xã Tân Phước, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.

Gia đình anh Đinh Văn Quang ngụ ở thôn Phước Thọ, xã Tân Phước, 5 năm trước, gia đình anh Quang đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ keo lá tràm sang trồng cây tắc, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Với hơn 3.000 cây tắc ra trái quanh năm, cây sai trĩu quả. Mỗi tháng gia đình anh Quang thu hoạch khoảng vài chục tạ với giá bán trung bình từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Anh Quang phấn khởi chia sẻ: “So với những loại cây trồng khác, cây tắc tuy giá trị kinh tế không bằng nhưng nó mang lại thu nhập ổn định hơn, bởi cây cho trái quanh năm và đầu ra tương đối ổn định vì tắc hiện nay rất được thị trường ưa chuộng. Trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng từ loại cây trồng này”.

Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó cộng với việc đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất, hệ thống tưới tiêu bài bản, nhiều mô hình cây trồng được chuyển đổi trên địa bàn xã Tân Phuớc ngày càng đạt hiệu quả cao… Như mô hình mít Thái của gia đình ông Nguyễn Hữu Tân ở thôn Phước Tiến, xã Tân Phước. 

Cách đây 7 năm, gia đình ông Tân bắt đầu trồng hơn 1.000 cây mít Thái thay cho cây keo lá tràm như trước kia trên mảnh đất rộng hơn 2 ha của gia đình. Ông Tân cho biết: “Với hơn 1.000 cây mít Thái, trung bình mỗi năm sau khi trừ hết các chi phí, gia đình tôi thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng, nhờ đó cuộc sống của gia đình có nhiều khởi sắc, sung túc hơn”.

Bỏ trồng keo chuyển sang trồng mít, trồng tắc, nông dân nơi này ở Bình Thuận có của ăn của để - Ảnh 4.

Bỏ trồng keo chuyển sang trồng mít, trồng tắc, nông dân nơi này ở Bình Thuận có của ăn của để - Ảnh 5.

Bỏ trồng keo chuyển sang trồng mít, trồng tắc, nông dân nơi này ở Bình Thuận có của ăn của để - Ảnh 6.

Mô hình mít Thái của ông Nguyễn Hữu Tân ở thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.

Ngoài những ưu điểm về giá trị kinh tế thì mít Thái có thể thu hoạch quanh năm, với giá bán trung bình tương đối ổn định, yêu cầu không cao về kỹ thuật là yếu tố quan trọng để ông Tân lựa chọn trồng mít Thái. Xét về kỹ thuật canh tác, mít Thái trồng khá đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc, ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như các loại cây ăn trái khác.

Với uy tín và kinh nghiệm trồng mít lâu năm, nên chất lượng mít ổn định như mít ngọt, múi dày... Chính vì vậy, mít nhà ông Tân được thương lái ở Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh đến tận vườn để thu, mua... với giá bán trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Và còn rất nhiều hộ nông dân khác đang tích cực chuyển đổi cây trồng để mang lại thu nhập cao.


Rạng Đông (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem