Khám phá Bình Thuận với ngôi chùa cổ Thanh Minh Tự trong lòng thành phố biển Phan Thiết
Khám phá Bình Thuận với ngôi chùa cổ Thanh Minh Tự trong lòng thành phố biển Phan Thiết
Bùi Phụ
Thứ năm, ngày 09/06/2022 06:00 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, nhiều du khách đến nghỉ dưỡng ở Mũi Né rất thích dừng chân viếng di tích Thanh Minh Tự và Miếu Ngũ Hành (thuộc Phú Thủy, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Thanh Minh Tự là ngôi chùa cổ gần 150 tuổi nằm ẩn mình trong khu đô thị biển Phan Thiết mới vài tuổi...
Hòa chung đoàn khách du lịch, chúng tôi đến Thanh Minh Tự và Miếu Ngũ Hành vào một ngày đầu tháng 6/2022.
Có thể nói, bao quanh Thanh Minh Tự là những ngôi nhà mới, những công trình xây dựng mới khang trang, cao tầng, nhiều màu sắc nhưng ngôi chùa cổ gần 150 tuổi vẫn đập vào mắt chúng màu đỏ của gạch ngói.
Đứng ngoài cổng chính nhìn vào, chúng tôi có cảm giác một không gian yên bình, thanh tịnh, như được trở về một vùng hoài niệm, ký ức của tuổi thơ, bên cây đa, bến nước và được tận hưởng một mùa sen nở rộ…
Bên trong chánh điện mùi hương trầm tỏa ngát thoảng bay bay khiến chúng tôi thấy lòng nhẹ tênh, như đã trút được mọi buồn phiền, sầu não…
Theo quan sát của chúng tôi, lối kiến trúc ở đây vô cùng độc đáo, tường xây bằng gạch thẻ, trụ cột kèo bằng gỗ, mái ngói âm dương, nền lót gạch tàu. Bên trong chánh điện các trụ gỗ được chạm khắc tinh xảo, kể cả những bài vị hơn trăm tuổi vẫn còn nguyên vẹn.
Bao quanh Thanh Minh Tự là một hồ nước, dưới nước nhiều đàn cá đủ sắc màu đang tung tăng bơi lội. Phía sau là hồ sen mênh mông đang khỏe sắc hồng, sắc trắng…
Du khách từ bên ngoài vừa bước vào khỏi cổng tam quan khắc tên "Thanh Minh Tự", sẽ hiện diện trước tượng Quan Thế Âm Bồ tát được chạm khắc bằng gỗ nguyên khối. Trong sân Thanh Minh Tự được bố trí nhiều cây xanh và bonsai được các nghệ nhân chăm sóc tỉ mỉ, đẹp mắt.
Trong Chánh điện thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tọa thiền trên tòa sen và bệ thờ được chạm khắc bằng gỗ quý, đen bóng với vầng hào quang tỏa sáng trên cao…
Phía sau là gian thứ hai thờ ngài Tiêu Diện Đại Sĩ, theo truyền thuyết ngài là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ tát. Hình tượng của ngài được thể hiện là một hình tướng nam, dáng điệu oai nghiêm, mặc trang phục võ tướng, đang cầm lá cờ.
Theo truyền thuyết dân gian, ngài Tiêu Diện Đại Sĩ được người đời biết đến với chiếc lưỡi dài và gương mặt dữ tợn chuyên hàng phục yêu quái và cứu độ chúng sanh. Bên trái và bên phải của ngài là bàn thờ các vị tiên linh, tiền hiền hậu hiền có công khai khẩn vùng đất này.
Clip: Chùa cổ Thanh Minh Tự tọa lạc trong lòng thành phố biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, là chốn sinh hoạt tôn giáo của nhiều Phật tử và người dân. Chùa cũng là một trong những điểm tham quan, vãn cảnh của du khách xa gần mỗi khi tới nghỉ mát tại thành phố biển Phan Thiết... Video: Bùi Phụ - Đức Cường
Cùng đi với chúng tôi là kiến trúc sư trẻ Nguyên An đến từ TP.HCM cảm nhận: Quần thể kiến trúc ở Thanh Minh Tự đã tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp, thanh tịnh, yên bình cho du khách thập phương đến tham quan. Cái giếng cổ trong sân đã tô điểm thêm cho công trình cổ kính này được thêm sắc màu thời gian, năm tháng…
Thanh Minh Tự - dấu ấn của thời gian xưa
Khi chúng tôi đến, gặp lúc một nhóm nữ học sinh đang ngồi "ôn bài" dưới bóng mát của cây xanh bên trong sân Thanh Minh Tự.
"Khung cảnh nơi đây đẹp, yên tĩnh, gần biển gió mát, nên cuối tuần nhóm bạn học cùng lớp tụi em thường ra đây lễ Phật, sau đó ôn bài để chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. Ở ngôi chùa cổ gần 150 tuổi này, nhìn thấy những công trình kiến trúc mới đang xây dựng trong khu đô thị biển mới, hiện đại, khiến tụi em có góc nhìn cuộc sống thấu đáo hơn. Nhất là các công trình cổ ông bà xưa để lại…", em Hồng Hạnh học sinh lớp 12 nhà ở phường Phú Thủy, TP.Phan Thiết tâm sự.
Theo sử sách ghi lại, Thanh Minh Tự nguyên là ngôi chùa được bà con trong Hội Thanh Minh đặt viên đá xây dựng đầu tiên vào 1876 (năm Bính Tý) thời vua Tự Đức.
Thuở mới xây xong, chùa thờ ngài Tiêu Diện Đại Sĩ bởi theo truyền thuyết Phật giáo, ngài là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ tát chuyên hàng phục quỷ yêu và cứu độ chúng sinh.
Bên cạnh đó trong trong chùa còn thờ các vị Tiên linh, Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ, Tiền hiền - Hậu hiền đã có công kiến tạo sự ổn định mọi mặt cho người dân quanh vùng an cư lạc nghiệp.
Việc thờ cúng ở đây đã thể hiện đầy đủ tín ngưỡng dân gian và chịu sự ảnh hưởng của văn hóa tâm linh Phật giáo. Trong khuôn viên Thanh Minh Tự còn có Miếu Ngũ Hành thờ Ngũ vị Thánh Mẫu: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Đây là tín ngưỡng theo thuyết ngũ hành, thể hiện lòng tôn kính đối với vũ trụ phù hợp với quan niệm Á Đông.
Trãi qua bao thăng trầm thay đổi của lịch sử, thời gian, chùa dần dần bị xuống cấp. Tháng 10/2015, UBND tỉnh Bình Thuận cùng doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí tôn tạo, phục dựng lại ngôi chùa cổ Thanh Minh Tự này. Đến tháng 10/2016, chủ đầu tư đã phục dựng gần như nguyên trạng kiến trúc cách đây gần 150 năm.
Toàn bộ công trình cổ này đã các nghệ nhân khôi phục lại kiểu dáng, kết cấu và nét kiến trúc cổ kính dân gian như thuở ban đầu mới xây dựng. Thanh Minh Tự được phục dựng nguyên gốc với kết cấu nhà gỗ hai gian, mái ngói lợp theo kiểu âm dương, hoa văn chạm khắc biểu tượng rồng chầu,…
Công tác phục dựng còn được mở rộng thêm hồ nước ở sân chùa và chính hồ nước này đã tạo cho du khách được sự tịnh tâm khi bước qua cầu xây bằng gạch thẻ để vào chánh điện…
Ngày 25/2/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định xếp công trình cổ này thành Di tích cấp tỉnh: Di tích kiến trúc nghệ thuật Thanh Minh Tự và Miếu Ngũ Hành.
Theo Ban quản lý Di tích Thanh Minh Tự và Miếu Ngũ Hành, hiện tại nơi đây mở cửa phục vụ du khách thập phương từ 5 giờ sáng đến 21 giờ tối mỗi ngày.
Hằng năm, Thanh Minh Tự có 3 ngày tế lễ chính: Lễ tế Xuân vào ngày 20 tháng giêng, lễ Thanh Minh vào tháng hai hoặc tháng ba và lễ tế Thu ngày 10 tháng tám âm lịch nhưng lễ lớn nhất là dịp Thanh Minh.
Ngoài ra, vào những ngày mùng một, rằm hàng tháng, tết Nguyên Đán… rất nhiều du khách đến chùa thắp hương, cầu nguyện lên chư thiên độ trì cho bà con có cuộc sống ấm no, công việc buôn bán thuận buồm xuôi gió, mọi người có sức khỏe, gặp nhiều điều may mắn, tai qua nạn khỏi.
Vào những ngày cao điểm lượng du khách đến viếng Thanh Minh Tự có thể lên lên đến 1.000 khách du lịch trong và ngoài nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.