Bộ trưởng Bộ Công an: Ngay trong đội ngũ cán bộ cũng có nhiều người sử dụng giấy tờ giả

PVCT Thứ hai, ngày 09/11/2020 17:52 PM (GMT+7)
Chiều nay (9/11), Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề tội phạm làm mạo giấy tờ, chứng chỉ giả. Đây là câu hỏi chất vấn của ĐBQH Phan Thị Bình Thuận (TP.HCM).
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Hiện nay các đối tượng giả mạo trang website để quảng bá làm giấy tờ giả, chứng chỉ giả với nhiều mức giá, hoạt động này diễn ra một cách công khai trên mạng internet.

Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triệt phá nhiều băng nhóm sản xuất, đường dây làm giấy tờ giả, chứng chỉ giả. Có những tổ chức sản xuất giấy tờ giả, chứng chỉ giả với quy mô rất lớn, có những vụ thu 1.500 mẫu dấu và nhiều công cụ, máy móc phục vụ cho việc làm con dấu giả, chứng chỉ giả.

Bộ trưởng Bộ Công an: Ngay trong đội ngũ cán bộ cũng có nhiều người sử dụng giấy tờ giả - Ảnh 1.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (ảnh Quốc hội).

"Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận có thể tự thực hiện hầu hết các công đoạn làm giấy tờ giả, từ việc chế tạo các phôi bằng, con dấu, tự ký, đóng dấu lên tài liệu. Các đối tượng sẵn sàng nhận làm giả hầu hết các loại giấy tờ, chứng chỉ giả, kể cả bằng tốt nghiệp đại học, ví dụ như đại học y, dược, bằng lái xe, các bằng tốt nghiệp để phục vụ cho việc đề bạt, tuyển dụng cán bộ", Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm những loại đối tượng này thường 2 nhóm, thứ nhất làm giấy tờ giả để hoạt động lừa đảo, thứ hai làm giấy tờ giả để phục vụ cho việc tuyển dụng cán bộ, đánh giá cán bộ. "Ngay trong đội ngũ cán bộ cũng nhiều người sử dụng những giấy tờ giả", Bộ trưởng Công an nói.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng Bộ Công an, trước hết là tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân, các cơ quan chức năng về phương thức, thủ đoạn hoạt động làm giấy tờ giả các đối tượng, cũng như phương thức quảng bá mua bán trên internet. 

Giải pháp tiếp theo, đề xuất các cơ quan chức năng tiến hành rà soát để phát hiện việc sử dụng các văn bằng, chứng chỉ giả, từ đó xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. "Trước đây phát hiện những trường hợp người sử dụng giấy tờ giả nhưng việc xử lý chủ yếu là hành chính, ít khi xử lý hình sự. Chúng tôi thấy đã đến lúc phải xử lý hình sự việc giấy tờ giả", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Ông nêu ví dụ, người sử dụng giấy phép lái xe giả (thường gọi bằng lái xe) điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn, khi xử lý thường chỉ về tội liên quan đếnviệc gây tai nạn, nhưng trước đó người này đã sử dụng bằng lái xe giả cũng rất nguy hiểm, trường hợp chưa gây tai nạn khi phát hiện cũng cần phải xử lý. Một ví dụ nữa, đối với cán bộ, công chức khi phát hiện sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, chủ yếu xử lý hành chính, thu hồi các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, đối với những người đã sử dụng giấy tờ giả cũng phải nghiên cứu có biện pháp để xử lý hình sự.

Giải pháp thứ ba, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, sẽ tập trung đấu tranh, bóc gỡ những đường dây, ổ nhóm làm giấy tờ giả.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem