Bộ trưởng Bộ Công an: Tội về tham nhũng và chức vụ tăng 40,97%, khởi tố hơn 1.200 bị can
Bộ trưởng Bộ Công an: Tội về tham nhũng và chức vụ tăng 40,97%, khởi tố hơn 1.200 bị can
Thành An
Thứ ba, ngày 08/11/2022 10:01 AM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong năm 2022, đã phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,68%, cụ thể đã khởi tố 2.390 vụ án với 4.135 bị can. Trong đó, phát hiện 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97%; khởi tố 501 vụ với 1.211 bị can.
Sáng 8/11, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 (từ ngày 1/1/2021 đến 30/9/2022).
Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 40,97%, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng
Theo đó, Đại tướng Tô Lâm cho biết, cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá 29.169 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,57%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 94,61%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,45%.
Triệt phá 631 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; bắt và vận động đầu thú 4.919 đối tượng truy nã, trong đó có 1.452 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm...
Toàn quốc xảy ra 33.693 vụ phạm tội về trật tự xã hội (giảm 9,75%), làm 895 người chết (tăng 3,71%), 7.473 người bị thương (giảm 1,53%), thiệt hại tài sản gần 1.330 tỷ đồng (giảm 18,38%).
Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Đã điều tra, khám phá đạt tỉ lệ 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Tuy nhiên, Đại tướng Tô Lâm cho biết, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp. Nổi lên là: Tội phạm giết người tăng 7,43%, nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, xảy ra một số vụ giết người thân, giết nhiều người.
Tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" chuyển hướng hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi dưới dạng hợp đồng thế chấp tài sản, hỗ trợ tài chính, vay tiền qua ứng dụng trên các nền tảng điện thoại di động, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.
Tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, một số vụ xâm hại với hành vi dã man trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận. Tội phạm mua, bán người có dấu hiệu phức tạp trở lại sau khi mở cửa biên giới, nhất là lừa bán người sang Campuchia lao động cưỡng bức; tội phạm cướp ngân hàng…
Đáng chú ý, về tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng vẫn "diễn biến rất phức tạp".
Trong năm 2022, đã phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,68%, cụ thể đã khởi tố 2.390 vụ án với 4.135 bị can. Trong đó, phát hiện 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97%, trong đó khởi tố 501 vụ với 1.211 bị can.
Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, cụ thể các vụ án như vụ Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC, vụ Nguyễn Thành Nhân - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings, vụ Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Công ty cổ phần ASA.
Sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp như vụ án Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh - cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.
Cùng với đó là sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu. Dùng "quân xanh, quân đỏ" để thao túng giá trúng thầu, mua bán "lòng vòng" để nâng giá nhiều lần.
Trong đó, liên quan đến vụ Việt Á, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đã khởi tố 26 bị can, công an 21 địa phương khởi tố 24 vụ/63 bị can. C03 cũng đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC...
Tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 gia tăng
Cũng theo báo cáo được Bộ trưởng Bộ Công an trình bày, tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng lớn như quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, thuế.
Có tình trạng tội phạm lợi dụng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh...
Tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 gia tăng, nhất là các loại vật tư, trang thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch; trục lợi trong tổ chức tiêm vắc xin, xét nghiệm Covid-19; lợi dụng việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước để trục lợi.
Trong đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án "Đưa và nhận hối lộ", khởi tố Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực và các đối tượng là lãnh đạo, chuyên viên Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an và Vụ Hợp tác quốc tế - Văn phòng Chính phủ...
Đáng chú ý, có sự chuyển hướng rõ rệt của tội phạm buôn lậu từ phương thức truyền thống qua đường mòn, lối mở sang lợi dụng pháp nhân thông qua cửa khẩu chính ngạch để hoạt động.
Tội phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu cũng diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương...
Yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ hơn 600 tài khoản, bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật
Theo báo cáo của Chính phủ, trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, Ban Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng Quốc gia đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp khắc phục các nguy cơ về an toàn, an ninh mạng.
Trong đó, yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ hơn 600 tài khoản, bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật, ngăn chặn truy cập hơn 6.000 trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài đăng tải nội dung thông tin xấu, độc.
Nhiều vụ việc tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet với số tiền lớn có sự tham gia của nhiều đối tượng liên kết chặt chẽ tại nhiều địa phương; biến tướng dưới nhiều hình thức mới.
Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet với thủ đoạn sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản của người dùng trên các trang mạng, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng; tình trạng tán phát tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm...; mua bán văn bằng, chứng chỉ giả; giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt.
Đáng chú ý, xuất hiện một số nhóm tội phạm nước ngoài tấn công, xâm nhập hệ thống ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam để thu thập, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt số tiền lớn trong tài khoản của khách hàng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.