Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận (ảnh) đã trả lời phỏng vấn báo chí và mong mỏi sự chung tay của toàn xã hội để vượt qua những khó khăn đó.
Bộ trường Phạm Vũ Luận cho biết: Điều tâm đắc nhất đối với ông trong năm 2013 là Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã thảo luận, ban hành Nghị quyết số 29 NQ/TW ngày 4.11.2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đề án này kết tinh trí tuệ và tình cảm của toàn Đảng và cả xã hội, trong đó có sự đóng góp của các thầy cô giáo, các nhà khoa học và quản lý giáo dục.
Những điểm cần làm ngay của đề án trong năm 2014 là gì, thưa Bộ trưởng?- Trong thời gian qua, chúng tôi đã thực nghiệm nhiều việc để có cơ sở vững chắc đề xuất với Trung ương. Ví dụ, chuyển đổi phương pháp dạy và học từ truyền thụ kiến thức một chiều sang phương pháp hình thành năng lực, kỹ năng và phẩm chất người học; chuyển từ cách truyền đạt chủ yếu là đọc chép sang lấy người học làm trung tâm. Việc thực nghiệm không chỉ diễn ra ở một tỉnh, thành phố hoặc ở những địa phương có điều kiện thuận lợi, mà đã triển khai cả ở các tỉnh rất khó khăn, như Lào Cai, Kon Tum, Bắc Kạn, Cà Mau, Kiên Giang...
Các mẫu triển khai cho thấy đã khắc phục được hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan và tình trạng quá tải; bước đầu đã thay đổi được phương pháp dạy và học, nâng cao được tính chủ động và sáng tạo của học sinh. Những việc này sẽ được tiếp tục trong năm 2014.
Trong năm 2014, ba việc ưu tiên lớn nhất của tôi là: Thứ nhất, phải thiết kế cho xong chương trình, nội dung sách giáo khoa phổ thông; thứ hai, thay đổi đào tạo của các trường sư phạm và thứ ba, tìm mọi cách nâng cao chất lượng của giáo dục đại học, theo hướng tăng cường kỹ năng mềm, kỹ năng sáng tạo cho HSSV.
Theo ông, việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phải bắt đầu từ đâu?- Chúng tôi xác định đổi mới quản lý là giải pháp then chốt. Bởi vì đổi mới giáo dục và đào tạo không phải là việc của riêng Bộ GDĐT hay bộ trưởng, mà là của gần 2 triệu thầy cô giáo, của 20 triệu học sinh, sinh viên. Cùng với đó, các ngành, các cấp, cả xã hội sẽ cùng với chúng tôi thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy, đòi hỏi sự chỉ đạo, phối hợp rất ăn khớp và đồng bộ.
Trong nội bộ ngành giáo dục, chúng tôi xác định đổi mới thi cử là khâu có ý nghĩa đột phá vì các lý do sau: Thứ nhất, nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang nặng về ứng thí, đổi mới thi cử sẽ dẫn ngay đến đổi mới trong nội dung, phương pháp học và dạy. Đổi mới thi cử không là mục tiêu cuối cùng, nhưng nếu làm tốt sẽ làm lay chuyển các khâu xung yếu khác, dẫn đến sự thay đổi trong cả hệ thống và sẽ tạo ra những thay đổi về chất. Thứ hai, thi cử đang là một khâu gây nhiều bức xúc, được cả xã hội quan tâm. Thứ ba, nếu chuẩn bị chu đáo thì chúng ta có thể thực hiện được ngay đổi mới thi cử, đảm bảo được yếu tố chắc thắng mà không cần phải đầu tư nhiều kinh phí, cơ sở vật chất...
Theo ông, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục có siết chặt kỷ cương, xóa bỏ được tận gốc những vấn nạn nhức nhối trong giáo dục như chạy trường, dạy thêm, học thêm…?- Vấn đề chấn chỉnh kỷ cương trong giáo dục có nhiều cái khó nhưng cũng có nhiều thuận lợi. Ở đây, tôi muốn nói đến sự ủng hộ, chia sẻ của toàn xã hội, sự vào cuộc tích cực và đồng hành cùng ngành giáo dục của các ngành, tổ chức xã hội và chính quyền địa phương. Ví dụ như: Sau khi chúng tôi ban hành những quy định chấn chỉnh vấn đề “lạm thu” và dạy thêm, học thêm tràn lan không đúng quy định, TP.Đà Nẵng đã kỷ luật và luân chuyển hiệu trưởng vi phạm đi chỗ khác; TP.Hà Nội yêu cầu các nhà trường có sai phạm xin lỗi và hoàn trả lại tiền cho phụ huynh học sinh… Đó là những ủng hộ rất quý báu.
Thay đổi thi cử sẽ là việc được Bộ GDĐT triển khai ngay trong năm 2014
Nói thế để thấy chúng tôi không đơn thương độc mã trong việc chấn chỉnh kỷ cương của ngành. Cá nhân tôi hy vọng cả xã hội, các ngành, các cấp, các địa phương sẽ vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thành công của công việc này.
Còn ngân sách chi cho đổi mới giáo dục sẽ được thực hiện phân bổ như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất thưa ông?- Nói về ngân sách, Nghị quyết số 29 NQ/TW có ghi rõ: “Từng bước bảo đảm đủ kinh phí hoạt động chuyên môn cho các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập”. Vì sao lại như vậy?
Hiện nay, định mức là 40 học sinh/lớp trong khi ở một số thành phố lớn đang là 60 học sinh/lớp; phải học 2 buổi/ngày thì ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa học sinh của chúng ta đang học 1 buổi, thậm chí chưa được 1 buổi. Các trường phổ thông có quy định tỷ lệ 80/20, tức là 80% ngân sách nhà nước cấp dùng để để trả lương cho thầy cô giáo, còn lại phải dành 20% ngân sách chi cho các hoạt động giáo dục. Nhưng ở rất nhiều tỉnh hiện nay, tiền cấp cho nhà trường chỉ đủ chi lương, không còn kinh phí để mua văn phòng phẩm và tổ chức hoạt động giáo dục. Trong Nghị quyết 29 có nêu “từng bước”, bởi vì khả năng ngân sách của chúng ta chưa thể đáp ứng đủ kinh phí để bảo đảm điều kiện hoạt động bình thường cho các trường công lập.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Các mốc trong đổi mới giáo dục Tháng 7.2013 Bộ GDĐT đã công bố dự thảo của đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục để lấy ý kiến đóng góp của xã hội.
Ngày 29.8.2013 Bộ Chính trị đã nghe và cho ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ.
Ngày 4.11.2013 Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Nhiều địa phương, bộ, ngành đã tổ chức học tập quán triệt nghị quyết này.
Tháng 11.2013 Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Đổi mới lần này được coi là trận đánh lớn của ngành giáo dục”. Xác định mục tiêu đổi mới, Bộ trưởng cũng cho biết đầu tiên sẽ là đổi mới thi cử.
Ngày 27.12.2013 Tại Hội nghị tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2014, Thứ trưởng Bộ GD ĐT Bùi Văn Ga đã công bố những thay đổi đầu tiên trong đổi mới thi cử bậc ĐH đó là chấp nhận cho các trường tự chủ tuyển sinh, buộc các trường phải có phương án thi riêng trước năm 2017.
Ngày 2.1.2014 Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển đưa ra dự thảo về việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT cho năm 2014, cụ thể sẽ giảm bớt môn thi và đưa vào các môn thi tự chọn, các đổi mới sẽ được quyết định vào tháng 3.2014 trước kỳ thi tốt nghiệp.
Năm 2015 Bộ GDĐT dự kiến sẽ áp dụng đổi mới hoàn toàn chương trình sách giáo khoa THPT để đáp ứng nhu cầu và mục tiêu của việc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.
|
Tùng Anh (Ghi) (Tùng Anh (Ghi))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.