Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Chuỗi giá trị ngắn, nông sản đối mặt rủi ro

Khương Lực Chủ nhật, ngày 08/12/2019 21:21 PM (GMT+7)
“Hiện nay, một số ngành hàng như: Tôm, cá tra, bò sữa… đã có bước phát triển đáng kể trong việc chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị dài hơn. Tuy nhiên, tất cả các mặt từ trồng trọt, chăn nuôi… hầu hết chuỗi giá trị còn rất ngắn, cần phải tập trung tái cơ cấu” - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định tại hội nghị toàn thể ISG 2019 với chủ đề: “Phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam”.
Bình luận 0

Làm nhiều, chế biến ít

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức lớn: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tác động của biến đổi khí hậu và thách thức từ hội nhập kinh tế thế giới.

Để giải quyết 3 thách thức này, không có cách nào khác Việt Nam tập trung công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, phát triển những ngành hàng có lợi thế, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ mới và tổ chức lại sản xuất.

img

Chế biến, sơ chế hoa quả để giữ được sản phẩm tươi ngon ngay sau khi thu hoạch là yêu cầu căn bản cho xuất khẩu nông sản.  Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Năm nay một loạt các mặt hàng truyền thống, có thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, hồ tiêu, hạt điều, trái cây… đều gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do sự thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường và giá có xu hướng điều chỉnh giảm. Trong khi đó, khâu chế biến nông sản ở Việt Nam lại rất yếu, sự tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu không đáng kể. Như mặt hàng cà phê, chúng ta vẫn xuất thô khoảng 90% sản lượng nên đã chịu thiệt rất lớn về giá trị khi giá giảm trong khi giá các sản phẩm cà phê chế biến vẫn ổn định.

Ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao con số kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhưng bày tỏ sự lo ngại về xu thế bất ổn định trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với xu hướng sụt giảm giá của hàng loạt nông sản chính, tăng trưởng nông nghiệp ở Việt Nam đang phải đánh đổi rất lớn về môi trường, phá rừng, mất đa dạng sinh học. Cùng với đó là nhiều thất bại về thị trường, khiếm khuyết về hệ thống tổ chức sản xuất, thương mại.

Trong khi đó, ông Stein Hansen - Giám đốc Vùng, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) nêu một con số rất đáng suy nghĩ, tại các nước đang phát triển chỉ có khoảng 30% mặt hàng nông sản xuất khẩu được chế biến trong khi tỷ lệ này đạt 96% tại các quốc gia phát triển.

“Các quốc gia có thu nhập cao đã tạo ra 200 USD giá trị gia tăng đối với 1 tấn hàng hóa nông sản đã qua chế biến trong khi các quốc gia đang phát triển chỉ có thể tạo ra giá trị gia tăng 50USD” - ông Stein Hansen nói.

Chính vì thế, UNIDO mong muốn giúp Việt Nam thúc đẩy cơ hội kinh doanh bền vững và bao trùm cho người nghèo ở nông thôn thông qua việc phát triển chuỗi giá trị nông sản, tăng cường liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường.

Thay đổi để tránh “đổ vỡ”

Năm 2019, Việt Nam bước vào thời kỳ mới với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Bên cạnh những cơ hội khi các FTA có hiệu lực, ngành nông nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi tiếp tục cơ cấu lại để tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng mới.

Trong khi đó, nền kinh tế thế giới có nhiều bất ổn cùng cọ xát thương mại và công nghệ giữa các nền kinh tế lớn, kéo theo sự trỗi dậy của xu hướng bảo hộ và gia tăng rào cản thương mại từ các nước xuất nhập khẩu ngày càng cao. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức lại sản xuất, phát triển chế biến nông sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở cửa thị trường và khắc phục các hàng rào kỹ thuật trở thành vấn đề cấp thiết đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu trên, hàng loạt vấn đề từ xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, hệ thống logistics, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nâng cấp công nghệ chế biến, hỗ trợ quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, phát triển hệ thống phân phối nông sản… không chỉ đòi hỏi nỗ lực cao của ngành nông nghiệp mà cần sự đóng góp hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, của doanh nghiệp, của các tác nhân trong cả chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ cách xây dựng vùng nguyên liệu của mình, đại diện UNIDO cho biết, xác định khâu thế mạnh của mình là từ thu hoạch đến thị trường, đơn vị đã chọn các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa để thành lập các chuỗi.

Doanh nghiệp được lựa chọn ở vùng lõi nguyên liệu nhằm cắt giảm khâu trung gian, giảm chi phí rủi ro trong sản phẩm, đồng thời giám sát sâu hơn nguyên liệu đầu vào. Mô hình tổ chức này đã giúp cải thiện tổ chức sản xuất, ổn định chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, UNIDO đã xây dựng được chuỗi xoài ở ĐBSCL và rau ở miền núi phía Bắc. Kết quả rất đáng khích lệ khi mà một trong hai doanh nghiệp đầu tiên được xuất khẩu xoài sang thị trường Mỹ là từ mô hình này. Bên cạnh đó, cùng với kỹ thuật trong thu hoạch, sản phẩm xoài của đơn vị đã tăng được thời gian bảo quản từ 12 lên 30 ngày. Doanh nghiệp được chọn cũng đã kết nối được vùng nguyên liệu lên gấp 3 lần từ trên 300ha lên gần 1.000ha. UNIDO hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều chuỗi trên nhiều sản phẩm hơn và các chuỗi có quy mô rộng hơn.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường:

Mới làm tốt việc mở thị trường

Việt Nam có năng lực tốt trong sản xuất, tuy nhiên chưa tốt về hiệu quả. Sức sản xuất của chúng ta ở khâu ban đầu bằng những mô hình quy mô nhỏ tập hợp lại thành số lượng rất lớn, nhưng đây chỉ là lớn về số lượng, sản phẩm còn thô. Sản xuất như vậy không thể nào cho hiệu quả cao, ổn định và nguy cơ rủi ro về mặt thị trường, lãng phí tài nguyên, lãng phí sản phẩm đang là một thực tế.
Chính vì thế, phát triển nguyên liệu tập trung như thế nào để đủ sức cho công nghiệp chế biến là một vấn đề. Hiện nay chúng ta tạo ra nhiều nguyên liệu thô, nhưng chế biến ở tất cả các ngành một đánh giá chung còn rất bất cập. Hiện nay, một số ngành hàng như: Tôm, cá tra, bò sữa… đã có một bước phát triển đáng kể trong việc chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị dài hơn. Tuy nhiên, tất cả các mặt từ trồng trọt, chăn nuôi… hầu hết chuỗi giá trị còn rất ngắn.
Nông sản nước ta đã đi 185 nước trên thế giới với giá trị trên 40 tỷ USD, tuy nhiên hầu hết các thị trường chúng ta mở chưa bền vững, đảm bảo về mặt quy mô dung lượng hàng hóa và đặc biệt nguy cơ rủi ro rất cao. Điều đấy cho thấy chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn trong quá trình phát triển thị trường. Việt Nam làm tốt được phần mở thị trường còn tổ chức khai thác thị trường, đấu tranh bảo vệ thị trường, cùng chung với thị trường khai thác thì khâu này còn yếu.

P.V (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem