Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: Ngành chăn nuôi lộ 2 điểm yếu

Trần Quang Thứ năm, ngày 03/01/2019 19:30 PM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên bên lề lễ khánh thành dự án Tổ hợp chế biến thịt MNS Meat Hà Nam tại khu công nghiệp Đồng Văn IV (tỉnh Hà Nam) mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ ra 2 điểm yếu ngành chăn nuôi cần tập trung khắc phục, đó là tổ chức chế biến và lưu thông sản phẩm.
Bình luận 0

Nhà máy chế biến thịt mát đầu tiên ở Việt Nam

Tổ hợp chế biến thịt MNS Meat Hà Nam có mức vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Tổ hợp sử dụng dây chuyền thiết bị đồng bộ, tiên tiến nhất hiện nay do Marel – công ty hàng đầu thế giới về thiết bị giết mổ, chế biến thịt của Hà Lan cung cấp. Toàn bộ quy trình sản xuất theo công nghệ thịt mát từ châu Âu, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, được các chuyên gia giàu kinh nghiệm trực tiếp vận hành, và kiểm soát...

img

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm thịt mát của Masan tại buổi lễ. Ảnh: Trần Quang

"Đến nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NNPTNT đã chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm lực lớn của Việt Nam cũng như doanh nghiệp FDI, cùng với các địa phương tập trung đưa những dự án chế biến hiện đại vào sản xuất”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Từ vận hành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP, đến trang trại chăn nuôi kỹ thuật cao tại Nghệ An theo tiêu chuẩn GlobalGAP, sau cùng là tổ hợp chế biến thịt công nghệ thịt mát từ châu Âu đáp ứng tiêu chuẩn BRC, toàn bộ chuỗi cung ứng và phân phối giữ mát đảm bảo mang thịt mát Meat Deli đến tay người tiêu dùng tươi, ngon, sạch.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan cho biết, hiện nay, người Việt Nam sử dụng thịt còn ở mức thấp, chỉ khoảng 40kg thịt/năm, trong khi mức trung bình của Trung Quốc là 60kg/người, châu Âu 75kg/người, Mỹ trên 100kg/người năm. Với cùng một loại thịt, nhưng người tiêu dùng Việt Nam phải chi trả cao hơn 1,5-2 lần so với người Mỹ, trong khi thu nhập chỉ bằng 1/10.

Chủ tịch Tập đoàn Masan cho rằng, Tổ hợp chế biến thịt mát tại Hà Nam là mảnh ghép quan trọng và cuối cùng hoàn thiện mô hình tích hợp hoàn chỉnh chuỗi giá trị thịt của Masan. Tổ hợp chế biến thịt có công suất thiết kế 1,4 triệu con lợn/năm, tương đương 140.000 tấn/năm.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm nay ngành nông nghiệp khánh thành rất nhiều nhà máy chế biến, nhưng khánh thành tổ hợp chế biến thịt lợn ở Hà Nam là một sự kiện đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực chăn nuôi.

Theo ông Cường, trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ NNPTNT có nhiều giải pháp thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực lớn đầu tư khắc phục điểm yếu này. “Doanh nghiệp có công nghệ chế biến hiện đại, sản phẩm đạt chất lượng cao là phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của xã hội về thực phẩm an toàn mà còn tiến tới cạnh tranh để xuất khẩu thịt lợn ra nước ngoài” - ông Cường nói.

Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc phát triển quy mô chăn nuôi 230.000 con ở Nghệ An và khánh thành Tổ hợp chế biến thịt MNS Meat Hà Nam chỉ là bước đầu. Masan cần phối hợp với nông dân ở Hà Nam để mở rộng vùng chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo nông dân phải có việc làm, đặc biệt là việc phát triển thị trường phải bền vững hơn.

Khắc phục hai điểm yếu

img

Các đại biểu trao đổi thông tin về sản phẩm thịt lợn mát

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay: Với các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được thực thi vào năm 2019, ngành chăn nuôi Việt Nam đang được đánh giá có nhiều yếu thế.

Để củng cố ngành chăn nuôi nói chung, đặc biệt là chăn nuôi lợn, ông Cường khẳng định không còn cách nào khác phải tập trung cải thiện đối với hai khâu yếu nhất là tổ chức chế biến và lưu thông sản phẩm.

Bên cạnh đó, hiện cả nước có khoảng 20.000 cơ sở giết mổ nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ. Chính vì vậy, việc kiểm soát chất lượng giết mổ hiện nay khá khó khăn. Ngành nông nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu, kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD, trong đó 10 ngành hàng có giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD… 

"Tuy nhiên, ngành thịt lợn đang là yếu nhất, bởi ngành này hiện vẫn sản xuất thịt tươi theo công nghệ cổ truyền, xuất khẩu thịt lợn năm vừa qua không đáng kể, dẫn tới hai cuộc khủng hoảng thịt lợn. Một khủng hoảng thừa làm cho giá lợn tụt dốc xuống dưới giá thành, người nuôi thua lỗ; một cuộc khủng hoảng thiếu khiến giá tăng cao ngất ngưởng 54.000 -  55.000 đồng/kg hơi, do thông tin tuyền truyền, tổ chức chưa tốt nên cả hai khủng hoảng này đều ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

“Đến nay mà vẫn giữ cách giết mổ như ngày xưa là không phù hợp, giá thành cao, an toàn thực phẩm ở đâu? Không làm được điều này, chúng ta có lỗi với người dân Việt Nam, chứ chưa nói đến xuất khẩu” - ông Cường nói.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết thêm, sắp tới, ngành chăn nuôi sẽ phải khuyến khích những doanh nghiệp có tiềm lực lớn, tập trung vào chuỗi giá trị khép kín, đủ sức cạnh tranh hướng tới xuất khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý thêm, khi chúng ta làm tốt khâu chế biến là điều kiện để tiếp tục mở rộng phát triển ngành chăn nuôi trên cơ sở tạo ra chuỗi khép kín từ khâu tạo nguyên liệu, chế biến và tổ chức thị trường. Đồng nghĩa như vậy có thể mở ngay phân khúc thị trường ở thị trường nội địa với 100 triệu dân Việt Nam. Thứ hai, có điều kiện để kiểm soát thực phẩm, truy xuất rõ ràng, giá cả phải chăng, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu. Như vậy, không chỉ đảm bảo thực phẩm sạch cho người dân mà còn có cơ hội để tiếp tục mở rộng, phát triển ngành chăn nuôi, trong đó có thịt lợn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem