Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận trách nhiệm trước Quốc hội khi còn có vùng lõm sóng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận trách nhiệm trước Quốc hội khi còn có vùng lõm sóng
Hòa Nguyễn
Thứ ba, ngày 12/11/2024 10:09 AM (GMT+7)
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận trách nhiệm khi chậm trễ trong quá trình ban hành nghị định để thực hiện các quy định trong Luật Viễn thông.
Sáng 12/10, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Nêu câu hỏi chất vấn đại biểu Chu Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) đặt vấn đề về việc lõm sóng vùng sâu, vùng xa. Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi dịch Covid xảy ra mới phát hiện ra nhiều vùng lõm sóng. Trong giai đoạn dịch Covid xảy ra, mặc dù chưa có nghị định mới nhưng bằng cơ chế đặc biệt do Quốc hội cho phép đã phủ sóng được 2.500 thôn, bản lõm sóng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận trách nhiệm trước Quốc hội.
Gần đây cũng phát hiện hơn 700 vùng lõm sóng mới, thời gian tới chắc cũng còn phát hiện thêm."Hơn 750 trạm này theo quy định mới, theo Luật Viễn thông mới, Nghị định mới. Đến nay Nghị định chưa được ban hành, có nhiều nguyên nhân, tôi nhận trách nhiệm về cá nhân mình. Đáng lẽ nghị định phải được ban hành đúng 1/7/2024. Hiện Bộ đang cố gắng để tháng 11, 12 sẽ hoàn thành nghị định này" – Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nghị định mới này có cái hay, theo đó cơ chế thông thoáng hơn để xây dựng các trạm ở vùng xâu, vùng xa. Trước đây cơ chế cũ, trong vòng mười mấy năm không làm được về hỗ trợ hạ tầng phủ sóng. Khi Nghị định mới ra đời, chuyện phủ sóng 750 trạm sẽ được tiến hành rất nhanh. Với những trạm chưa có điện, Bộ thông tin và Truyền thông đã làm việc với Bộ Công Thương, trong trường hợp Bộ Công Thương không làm nhanh được thì Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp mới là sử dụng vệ tinh.
Cũng tại phần chất vấn, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khi trong tổng số 761 thôn chưa có sóng di động (số liệu tính đến 9/2024), có đến 637 thôn có điện nhưng vẫn chưa có sóng.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, với những trạm không có điện, sắp tới triển khai không nhanh được sẽ áp dụng giải pháp vệ tinh. Với trạm không thuộc trách nhiệm của quỹ viễn thông công ích, trách nhiệm của các nhà mạng thì Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang đôn đốc để các nhà mạng phủ sóng những vùng này.
"Với trạm thuộc quỹ viễn thông công ích, phải thực hiện theo luật mới và nghị định mới. Chậm ban hành nghị định này là trách nhiệm của Bộ trưởng và tôi phải nhận trách nhiệm" – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông một lần nữa nhận trách nhiệm.
Theo ông Hùng, còn nhiều lý do để xảy ra việc chậm chễ ban hành nghị định mới, tuy nhiên trách nhiệm thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. "Trong năm nay, nghị định sẽ được ban hành… Tôi yêu cầu tháng 6/2025 phủ sóng tất cả những vùng lõm sóng" – ông Hùng khẳng định bởi theo người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, không có sóng lúc này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống vì gần như toàn bộ cuộc sống của chúng ta đã chuyển sang môi trường số.
Mạng xã hội ra đời lấy mất nghề của báo chí
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tren) nêu về vấn đề: Trong giai đoạn bùng nổ thông tin, với sự hỗ trợ của các nền tảng mạng xã hội có tính năng chia sẻ cao, hiện tượng người người làm báo, nhà nhà làm báo, lập kênh riêng, đưa lên mạng kèm theo quảng cáo bán hàng, có nhiều nội dung giật gân, phản cảm, sai sự thật, làm nhiễu loạn thông tin, gây bức xúc trong dư luận. Giải pháp nào nâng cao vai trò của báo chí cách mạng, làm tốt vai trò định hướng, tuyên truyền.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi mạng xã hội ra đời đã lấy mất nghề của báo chí. Trong nhiều năm nay báo chí tập trung đưa tin, nhưng giờ mạng xã hội đưa tin nhanh hơn, có "chục triệu phóng viên không mất tiền"."Báo chí muốn giữ vững trận địa của mình phải làm khác mạng xã hội, quay về giá trị cốt lõi của báo chí: Trách nhiệm, chính xác, khách quan, phân tích, đánh giá… thay vì bình luận đưa giải pháp, thay vì đưa tin thì kể câu chuyện, dẫn đắt, định hướng xã hội…" – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.
Theo ông Hùng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo Việt Nam xác định đây là định hướng chính xác để xác định lại vị trí, vai trò của báo chí cách mạng. "Cách tốt nhất để cạnh tranh với mạng xã hội là quay về các giá trị cốt lõi của báo chí. Coi mạng xã hội là một môi trường để xuất hiện, coi đó là một nền tảng phổ cập báo chí tốt hơn" – Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.