Bộ trưởng Bộ TNMT nói gì về “đường dây chạy sổ đỏ”?

Hải Phong Thứ ba, ngày 30/09/2014 06:26 AM (GMT+7)
Sáng 29.9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Nguyễn Minh Quang đã khá vất vả khi bị các đại biểu truy vấn sát sạt những vấn đề nóng của ngành mình, đặc biệt là việc tiến độ cấp sổ đỏ chậm có phải do chuyện có tiêu cực hay có đường dây chạy sổ đỏ...
Bình luận 0

Có tiêu cực, nhũng nhiễu trong cấp sổ đỏ

Là người thứ hai chất vấn, ngay lập tức đại biểu (ĐB) tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương đã đề cập tới một vấn đề nóng và cũng rất khó của ngành TNMT, đó là tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) quá chậm. Ông Cương đề cập việc Hà Nội đã có hẳn Nghị quyết 30 về việc thúc đẩy tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân. Tuy nhiên, kết quả đến nay vẫn hạn chế, khó đạt được mục tiêu hoàn thành việc này vào 2015 đã đề ra. “Theo phản ánh của người dân tại khu đô thị Mễ Trì Thượng, phí “bôi trơn” để làm sổ đỏ là 8 triệu đồng/hộ, thu tiền kiểu trao tay, không giấy tờ. Quy trình làm sổ đỏ rất mập mờ vì không làm riêng lẻ từng hộ mà thực hiện một lượt với toàn bộ toà nhà, người nào chấp nhận chi tiền “bôi trơn” thì nhận được sổ, gia đình nào không chịu nộp thì tiếp tục chờ. Điều đáng nói là phí này chỉ nói miệng và thu tiền không có biên lai, biên nhận gì cả” - ĐB Cương phản ánh và nêu vấn đề liệu có hay không đường dây chạy làm sổ đỏ?

Không trực tiếp giải đáp câu hỏi về việc có tồn tại hay không đường dây chạy sổ đỏ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chỉ nêu ý kiến cá nhân rằng, việc cấp sổ đỏ chậm có nhiều nguyên nhân, không loại trừ tiêu cực, trong đó có trách nhiệm của văn phòng đăng ký đất đai tại các địa phương, nhất là tại đô thị. Riêng với Hà Nội, ông Quang cho rằng tình hình cấp sổ đỏ tại các chung cư đúng là khá phức tạp. Vì thế Bộ đã phải cử nhiều đoàn công tác xuống để hướng dẫn pháp luật, phối hợp tìm giải pháp. Trong bộ thủ tục hành chính về đất đai mà Bộ đã công bố cuối tháng 8 thì thủ tục đã được rút gọn rất nhiều, nhưng còn do người thực hiện trực tiếp có thực hiện đúng hay không lại là vấn đề khác...

Vẫn chưa hài lòng với câu trả lời này, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) ngay lập tức truy vấn tiếp Bộ trưởng Quang: "Tôi nghe nhiều cử tri nói rằng việc cấp sổ đỏ ở các khu chung cư có rất nhiều vấn đề, nhưng vừa rồi UBND TP.Hà Nội báo cáo rằng những việc đó đã được giải quyết cơ bản và đã có báo cáo lên Bộ nhưng Bộ trưởng vẫn khẳng định có hiện tượng nhũng nhiễu. Đề nghị Bộ trưởng thẩm định lại thông tin để chúng tôi có căn cứ báo cáo lại cử tri?”.

Với câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ TNMT xin trả lời sau bằng văn bản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chốt vấn đề: “Trong việc cấp sổ đỏ, đề nghị Bộ TNMT đặc biệt lưu ý việc cấp cho các hộ chung cư ở thành phố lớn vì có nhiều biểu hiện tiêu cực mà cơ quan nhà nước phải chú ý để phối hợp cùng Hà Nội”.

Nghiêm trị “rút ruột quốc gia”

Bên cạnh lĩnh vực đất đai, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu nhiều chất vấn về hiệu quả quản lý, khai thác khoáng sản, đặc biệt là với cát sỏi lòng sông. Theo ĐB Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, đây là việc làm “rút ruột quốc gia, hủy hoại môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của nhân dân”.

Dẫn kết quả xử lý vi phạm, thanh tra, kiểm tra hàng năm liên quan khai thác khoáng sản, ông Đương cũng phàn nàn các biện pháp chế tài áp dụng lâu nay quá nhẹ. “Ăn” tài nguyên, tài sản của quốc gia mà chỉ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép là bất hợp lý, phải có giải pháp cụ thể, xử lý trách nhiệm ghi thẳng vào luật. Vì thế, theo ông Đương, phải áp hình phạt cao nhất là tử hình, chung thân cho tội cấp giấy phép trái phép mới mong xử lý triệt để thực trạng. ĐB Đỗ Văn Đương dẫn chứng, một tàu khai thác cát mỗi ngày có thể thu 50 – 60 triệu đồng, nên việc có giấy phép khai thác không thể dễ dàng. “Liệu có sự tiếp tay hay thông đồng của cán bộ cấp phép?”- ĐB Đương chất vấn Bộ trưởng Quang.

Bộ trưởng Quang thừa nhận rằng mức xử lý vi phạm hiện nay còn nhẹ dù tinh thần phải xử theo quy định của pháp luật. “Mức độ xử nặng, nhẹ liên quan nhiều yếu tố nhưng tôi đồng tình chúng ta cần phải có quy định nặng hơn nữa, thậm chí thu hồi tiền, truy cứu trách nhiệm hình sự” - Bộ trưởng bày tỏ và cho rằng: Nếu khung chế tài chặt chẽ và nghiêm khắc hơn trong các quy định của các luật liên quan sẽ hạn chế phần nào tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi hiện nay.

   Tồn đọng vì người dân không đến nhận:
Theo báo cáo của Bộ TNMT về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tính đến 31.12.2013, các địa phương đã cơ bản hoàn thành mục tiêu (đạt trên 85%). Tuy nhiên, tình trạng tồn đọng giấy chứng nhận đã ký nhưng người sử dụng đất chưa đến nhận hiện nay ở một số tỉnh còn khá nhiều, vào khoảng 300.000 sổ đỏ, chủ yếu ở các tỉnh Cao Bằng, Hưng Yên, Thái Bình, Gia Lai, Bình Phước...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem