Tối 16/9, mạng xã hội Lotus thuần Việt do người Việt Nam sáng tạo và phát triển đã ra mắt tại một sự kiện ở Hà Nội. Theo thông tin tại sự kiện, mạng xã hội này đã huy động được 1.200 tỉ đồng vốn đầu tư. Ở thời điểm ra mắt phiên bản Open Beta, Lotus đang có hơn 500 nhà sáng tạo đến từ 20 lĩnh vực khác nhau.
Lotus là mạng xã hội đầu tiên tại Việt Nam được sinh ra với tiêu chí Content is King - Lấy nội dung làm trọng tâm.
Cộng đồng có nhu cầu được kiểm soát luật chơi trên mạng xã hội
Tham gia sự kiện có ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Chia sẻ tại sự kiện, ông Hùng cho biết, phải hơn chục năm rồi ông mới lại được nghe mọi người nói về một cách tiếp cận mới cho một mạng xã hội. Ông có niềm tin là người Việt Nam có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm. Và khi nghe giới thiệu về mạng xã hội Lotus, ông nghĩ rằng: “Tại sao người Việt Nam chúng ta lại không nghĩ rằng sẽ có rất nhiều Steve Jobs Việt Nam?”.
“Mạng xã hội Lotus thành công hay không thành công phụ thuộc rất nhiều vào chúng ta - chính những người trải nghiệm Lotus và cùng phát triển Lotus. Không có sự sáng tạo nào lớn hơn sự sáng tạo của chính những người dùng và đấy là sức mạnh của những người Việt Nam, sức mạnh của tất cả chúng ta”, ông Hùng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, internet có những chu kỳ 15 năm. Chu kỳ thứ nhất tức là 15 năm thứ nhất là xây dựng hạ tầng và nền tảng của một thế giới trực tuyến với các tên tuổi như Cisco, Microsoft. Chu kỳ thứ hai tức là 15 năm tiếp theo là điện thoại di động, truyền thông xã hội, kinh tế nền tảng với các tên tuổi như Facbook, Google và Apple. Hai chu kỳ này đều gắn với các công ty internet, phần nhiều là các công ty toàn cầu.
Chu kỳ thứ ba có thể coi bắt đầu từ năm 2015, khi internet bắt đầu được tích hợp vào mọi phần của cuộc sống con người và tạo ra những tên tuổi mới. Ở chu kỳ này, sẽ không chỉ là các công ty internet nữa, không chỉ là nội dung và máy học nữa mà phải có thêm ngữ cảnh. Một ngữ cảnh cụ thể sẽ sinh ra tri thức và giá trị cụ thể. Một ngữ cảnh Việt Nam, một bài toán Việt Nam sẽ phải có một lời giải Việt Nam.
“Làn sóng internet thứ ba này là cơ hội cho các công ty địa phương sử dụng công nghệ toàn cầu để giải bài toán địa phương. Làn sóng internet thứ ba này cũng cần một nền văn hóa mới - văn hóa hợp tác, không phải là sự phá hủy mang tính thay thế của làn sóng thứ hai mà là sự phá hủy mang tính hợp tác”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện ra mắt mạng xã hội Lotus.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Ông Hùng cho rằng, mạng xã hội rồi cũng cần một cách tiếp cận mới. Giá trị khổng lồ được cộng đồng tạo ra không thể chỉ một người làm nền tảng hưởng hết mà phải được chia sẻ. Cộng đồng có nhu cầu được kiểm soát luật chơi, họ phải là chủ nhân của cuộc chơi chứ không phải là nạn nhân của những thuật toán giấu kín.
“Nền tảng có thể là toàn cầu nhưng cũng phải cho phép tạo ra những nền tảng phụ để giải những bài toán mang tính ngữ cảnh cụ thể. Đã là nền tảng thì phải đủ sạch để tạo ra môi trường lành mạnh. Những gì vi phạm những giá trị cốt lõi của nhân loại, của đạo đức xã hội thì phải được nền tảng tự động loại bỏ, đề cao hợp tác - hợp tác với các ngành, với các cá nhân để đưa lên nền tảng các giá trị mới. Doanh nghiệp nền tảng cũng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng. Không như gần đây một số doanh nghiệp làm lộ lọt thông tin cá nhân, thậm chí là bán dữ liệu cho bên thứ ba”, ông Hùng đánh giá.
Lotus tiếp cận theo cách mới, nhưng còn quá sớm để nói đến thành công
Nói về mạng xã hội Lotus, ông Hùng đánh giá đây là sản phẩm của làn sóng internet thứ ba, một cách tiếp cận theo cách mới. “Chúng ta thấy sự cam kết của Lotus: Cam kết hợp tác, cam kết chia sẻ lợi ích, cam kết nội dung lành mạnh để lan tỏa năng lượng tích cực, cam kết cá thể hóa, cam kết tiếp cận có ngữ cảnh, cam kết bảo mật dữ liệu cá nhân. Những cam kết này là để giải quyết những nhu cầu mới và được giải quyết thông qua các công nghệ mới nhất và thông qua một đội ngũ phát triển nhiệt huyết”, ông Hùng nói.
“Trong một thế giới kinh doanh mà người thắng cuộc dường như hưởng lợi tất cả, thì những người đi sau chỉ còn một cách duy nhất là phải có cách tiếp cận mới, khác biệt, có tính đột phá. Bất kỳ một thành công nào rồi cũng bộc lộ những khuyết tật. Bài toán được giải, nhu cầu được thỏa mãn thì những nhu cầu mới sẽ xuất hiện, những công nghệ mới có tính đột phá sẽ ra đời, làm xuất hiện những mô hình kinh doanh mới đáp ứng những nhu cầu mới của thị trường và của người dùng. Bởi vậy mà những công ty startup mới khởi nghiệp sẽ lại thay thế những gã khổng lồ. Và đó chính là sự tiến hóa, như một quy luật của muôn đời vậy. Các công ty startup Việt Nam nên có niềm tin này để khởi nghiệp”, ông Hùng nói thêm.
Một số tùy chọn tương tác trên Lotus.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đánh giá cao sự dấn thân của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển Lotus khi đã đầu tư vào một lĩnh vực khó, bước vào một thị trường đã bị thống trị bởi những gã khổng lồ toàn cầu, làm một việc mà không ít các doanh nghiệp Việt Nam khác đã thử và thất bại, làm một việc mà tâm lý xã hội nói chung cho là không khả thi. “Nhưng nếu họ không làm và không ai làm nữa, và không chỉ ở đây mà ở khắp các lĩnh vực khác thì Việt Nam sẽ ra sao?”, ông Hùng đặt câu hỏi.
“Việt Nam là nước đi sau, sẽ không còn bất kỳ việc gì dễ cho chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ không nhìn đó chỉ như là thách thức mà còn là cơ hội nữa. Bởi vì việc dễ thì không bao giờ tạo ra người tài, việc trung bình thì tạo ra người trung bình, việc khó thì tạo ra người giỏi, và việc vĩ đại thì tạo ra người vĩ đại”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, chặng đường mà Lotus phải đi sẽ còn dài, còn nhiều khó khăn phía trước và sẽ còn quá sớm để nói về thành công của Lotus. Nhưng cái mà Lotus cần kiên trì là nghĩ lớn, giải quyết đúng bài toán, mô hình kinh doanh rõ ràng và cách tiếp cận khác biệt. Các khó khăn khác chỉ nên coi là lửa thử vàng, là cơ hội để tôi luyện.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nếu Lotus thành công, nó sẽ tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khác đang dấn thân “made in Vietnam”, tạo ra sản phẩm công nghệ Việt Nam và từ đó đi ra toàn cầu. Thành công sẽ góp phần để đến năm 2020, người dùng các mạng xã hội Việt Nam sẽ tương đương người Việt Nam dùng các mạng xã hội nước ngoài.
Ông Hùng cũng cho biết, sắp tới đây, Bộ TT&TT sẽ đặt ra nhiều hơn nữa các bài toán khó, thậm chí là rất khó nhưng luôn là những bài toán mà nếu thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn cho các doanh nghiệp ICT (công nghệ thông tin và truyền thông).
“Bản chất của con người khi dùng mạng xã hội đó là khoe khoang. Ở một chỗ rất đông bạn bè, tôi có thể tự sướng“,...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.