Bộ trưởng Bộ Y tế bức xúc vì nhà vệ sinh bệnh viện bẩn

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 18/05/2018 13:40 PM (GMT+7)
“Nếu còn để tình trạng nhà vệ sinh bệnh viện bẩn thì Trưởng khoa, Giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm, bệnh viện đó cũng không thể được chấm điểm chất lượng cao” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói gay gắt.
Bình luận 0

Tại Hội nghị “Giảm thời gian chờ khám chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện” ngày 18.5, Bộ trưởng Tiến cho biết, mỗi lần đi thăm bệnh viện, bà đều ghé vào nhà vệ sinh (NVS) các bệnh viện (BV) để kiểm tra việc giữ gìn vệ sinh cơ sở đó.

“Vẫn có không ít cơ sở có NVS ướt át, thiếu giấy vệ sinh, có mùi, không có xà phòng rửa tay. Thậm chí ngay có nơi ngay cả NVS của nhân viên y tế cũng không có xà phòng rửa tay. Bàn tay của nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân là nơi có nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh tật. Nếu không có xà phòng rửa tay là hoàn toàn không được” – Bộ trưởng nói.

img

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị

Theo Bộ trưởng: “Để xảy ra tình trạng NVS bệnh viện bẩn thì tôi có thể kết luận Trưởng khoa, Giám đốc BV nơi đó “ở bẩn”. Chắc chắn BV đó không thể được chấm điểm chất lượng cao được”.

Theo khảo sát của Bộ Y tế về sự hài lòng của người bệnh cuối năm 2017, người bệnh kém hài lòng nhất về tiêu chí NVS với mức điểm chỉ đạt 3,58/5 điểm, trong khi nhiều tiêu chí khác như giường bệnh, kết quả điều trị, thái độ giao tiếp đều đạt từ 4 điểm trở lên. Có 21% người bệnh được hỏi không hài lòng về NVS, với những nỗi ám ảnh về mùi hôi, sàn nhà nhớp nháp, bẩn, thiếu giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay…

PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, theo tiêu chuẩn chất lượng BV, tiêu chí NVS được chia làm 5 mức, từ rất bẩn đến sạch sẽ như khách sạn 5 sao.  Ở mức 1, NVS có tình trạng nước đọng sàn nhà, rác bẩn, mùi hôi thối, khó chịu; có tình trạng 1 tầng nhà không có NVS cho người bệnh và người nhà người bệnh; có tính trạng 1 khoa lâm sàng thiếu NVS cho bệnh nhân… Ở mức 2, NVS có nhưng vẫn thiếu thốn và chưa đảm bảo đủ giấy, xà phòng rửa tay. Nếu NVS BV đạt mức 1 và 2 là "không thể chấp nhận được. 

img

Nhà vệ sinh bệnh viện là nỗi ám ảnh của nhiều bệnh nhân, người nhà đến thăm nuôi (Ảnh D.L)

Theo khảo sát của Bộ Y tế 2017 trên 1193 BV từ cấp T.Ư đến quận/huyện, NVS ở mức “5 sao” chỉ đạt 2,1%; mức 4 là 32,98%; mức 3 là 46%; còn mức chưa đạt là 1 và 2 là 2 và 17%. Cũng theo điều tra, NVS ở quận/huyện có tỷ lệ “bẩn” cao nhất với mức 1 là 2,85%, mức 2 là 21, 17%.

Ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay cơ cấu giá thành khám bệnh, chữa bệnh, tiền giường bệnh đều đã tính tiền điện, tiền nước, tiền giấy vệ sinh, tiền nhân công lau dọn, xử lý rác thải… Quy định cũng yêu cầu các BV phải đầu tư từ 3-5% tiền khám chữa bệnh vào việc nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo BV xanh sạch đẹp.

Theo ông Liên, dù có quy định nhưng thực tế BV phải tự chủ tài chính nên nhiều BV cũng tiết kiệm chi phí, chưa đầu tư vào công tác vệ sinh theo đúng quy định. Do đó, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ kiểm tra gắt gao, có quy định cụ thể hơn để các BV phải chi đúng, chi đủ cho các khoản cần thiết, đặc biệt là công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi, cải thiện NVS bệnh viện và môi trường BV.  

Nhà vệ sinh không đạt , BV bị "điểm liệt

"Tới đây, trong quá trình kiểm tra, chấm điểm chất lượng BV, Bộ Y tế sẽ coi tiêu chí NVS là tiêu chí đặc biệt quan trọng (coi như điểm liệt), nếu NVS xếp loại 1 và 2 thì chất lượng BV cũng đạt loại kém". 

PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem